Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Tứ giác kim cương (QUAD, gồm Úc, Ấn Ðộ, Nhật Bản và Mỹ) cuối cùng trong nhiệm kỳ tại quê nhà Wilmington (tiểu bang Delaware) được giới phân tích đánh giá là ông muốn biến hội nghị này thành phần kết phù hợp cho mối quan hệ đối tác vốn là trọng tâm trong chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương của Washington.
Lãnh đạo 4 quốc gia thành viên QUAD dự Hội nghị Thượng đỉnh tại thành phố Hiroshima (Nhật Bản) hồi tháng 5-2023. Ảnh: ANI
Theo Ðài CNN, Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi cùng với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tham dự hội nghị ngày 21-9.
Cuộc họp được cho tập trung vào việc thúc đẩy sự hội tụ chiến lược giữa 4 quốc gia, thúc đẩy tầm nhìn chung về khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Theo một quan chức Mỹ cấp cao, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ có “cuộc thảo luận chiến lược” và đưa ra các mục tiêu mang lại những lợi ích cụ thể cho các đối tác ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương trong các lĩnh vực trọng điểm, gồm an ninh y tế, ứng phó với thiên tai, an ninh hàng hải, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, công nghệ quan trọng và mới nổi, khí hậu, năng lượng sạch và an ninh mạng.
Ban đầu hội nghị dự kiến tổ chức tại Ấn Ðộ nhưng sau đó đã được chuyển đến Mỹ để phù hợp với lịch trình các nhà lãnh đạo thế giới tham dự khóa họp 79 Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại thành phố New York. Song, quyết định tổ chức hội nghị tại quê nhà Wilmington của ông Biden là có chủ ý, qua đó nhấn mạnh cam kết của ông trong việc duy trì và củng cố các liên minh của Mỹ trong chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.
“Chúng tôi tin các bạn sẽ thấy rằng QUAD có sự liên kết chiến lược hơn bao giờ hết. Sở dĩ Ngài Tổng thống lần đầu tiếp đón các nhà lãnh đạo nước ngoài tại quê nhà là bởi ông muốn cho họ thấy một nơi và một cộng đồng đã tạo ra nhiều quan chức và lãnh đạo đất nước. Ðó cũng là sự phản ánh niềm tin của ông rằng giống như chính trị, chính sách đối ngoại cũng mang tính cá nhân” - John Kirby, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, cho biết trong một cuộc họp báo. Theo ông Kirby, Tổng thống Biden trong hơn 3 năm qua đã ưu tiên đầu tư vào việc xây dựng mạng lưới liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ trên khắp khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh ông Biden sắp xếp lại các kế hoạch cho những tháng cuối nhiệm kỳ. Theo đó, nhà lãnh đạo xứ cờ hoa đã chuyển từ vận động tái tranh cử sang tập trung sự chú ý vào các vấn đề chính sách đối nội và đối ngoại. Dự kiến, ông Biden sẽ đến dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Brazil và tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Peru vào tháng 11 tới. “Ngài Tổng thống sẽ gặp gỡ các đối tác trên khắp thế giới để giải quyết các cuộc khủng hoảng cũng như nắm bắt các cơ hội sắp tới” - Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho hay.
Như vậy, đây sẽ là lần đầu ông Biden chào đón các nhà lãnh đạo thế giới đến quê hương của ông kể từ khi nhậm chức. Năm ngoái, ông cũng đã đón Thủ tướng Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Trại David, vốn từ lâu là nơi để các tổng thống Mỹ nghỉ ngơi và tránh khỏi những ồn ào, ngột ngạt ở Nhà Trắng. Hội nghị QUAD cuối cùng của ông Biden cũng là lần chia tay của Thủ tướng Nhật Bản Kishida.
Không chỉ Tổng thống Biden, các cựu tổng thống Mỹ cũng từng tiếp đón các nhà lãnh đạo thế giới tại quê hương. Ðơn cử, cựu Tổng thống George W. Bush hồi năm 2001 chào đón Tổng thống Nga Vladimir Putin đến trang trại ở thị trấn Crawford (tiểu bang Texas) để đàm phán về vũ khí hạt nhân. Năm 2012, cựu Tổng thống Barack Obama tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tại thành phố quê hương Chicago (tiểu bang Illinois). Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump tổ chức cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (tiểu bang Florida).
HOÀNG NAM (Tổng hợp)