20/09/2024 - 23:08

Mối nguy “chiến tranh chuỗi cung ứng” 

Trong vụ hàng ngàn máy nhắn tin và bộ đàm phát nổ liên tiếp ở Lebanon, bên cạnh lo ngại xung đột Trung Ðông leo thang nguy hiểm, các chuyên gia còn chú ý mối đe dọa tương lai khi tính chất dễ bị can thiệp dẫn tới rủi ro bảo mật của chuỗi cung ứng toàn cầu có thể biến các thiết bị liên lạc cá nhân hằng ngày thành vũ khí.

Xác máy nhắn tin bị phát nổ tại Lebanon ngày 18-9. Ảnh: Getty Images. 

Theo chính quyền Lebanon, ít nhất 32 người đã thiệt mạng và hơn 3.100 người bị thương trong các vụ nổ hàng loạt của khoảng 5.000 máy nhắn tin trong ngày 17 và 18-9. Ngoài thành viên nhóm vũ trang Hezbollah, các nạn nhân còn bao gồm dân thường Lebanon. Hiện chưa rõ chính xác máy nhắn tin và bộ đàm bị biến thành thiết bị nổ như thế nào, nhưng các cáo buộc đang nhắm tới Israel khi cơ quan tình báo Mossad bị cho đã cài thuốc nổ vào máy nhắn tin Hezbollah đặt mua rồi kích hoạt từ xa.

Rủi ro trong chuỗi cung ứng

Mặc dù thiết bị có cài bẫy được sử dụng từ rất lâu trong hoạt động gián điệp, nhưng quy mô và mức độ bạo lực của vụ việc ở Lebanon khiến những quan chức và chuyên gia dày dạn kinh nghiệm cũng phải lo ngại. Theo Giáo sư Andrew Maynard thuộc Ðại học Tiểu bang Arizona (Mỹ), các cuộc tấn công chắc chắn thay đổi nhận thức về thiết bị điện tử cá nhân, làm xói mòn lòng tin của công chúng bởi ngay cả sản phẩm công nghệ thấp vẫn có thể bị chiếm dụng dẫn tới tác hại nghiêm trọng.

Mức độ tinh vi của vụ việc cũng tiết lộ sự phức tạp dẫn tới “lổ hổng” dễ bị tấn công của chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện tại, câu hỏi quan trọng là thiết bị bị can thiệp ở đâu trong chuỗi cung ứng. Nếu nhà sản xuất không phải đồng phạm, đồng nghĩa an ninh hoạt động của họ đã bị xâm phạm nghiêm trọng. Ngược lại, những nhà sản xuất công nghệ khác có thể coi vụ việc là cảnh báo về tầm quan trọng của bảo mật chuỗi cung ứng, dù đó là điện thoại thông minh, máy bay không người lái, ứng dụng mạng xã hội hay bất cứ thứ gì.

Ðối với nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng bảo mật trong quy trình sản xuất, chuyên gia Milad Haghani thuộc Ðại học New South Wales ở Úc hy vọng sẽ có một cuộc “thanh trừng” rộng rãi nhằm buộc các công ty thắt chặt giao thức bảo mật và minh bạch hoạt động các tuyến cung ứng toàn cầu. Hiện những tập đoàn điện tử lớn như Apple, Samsung, Huawei, Xiomi và LG được coi là ít bị xâm phạm. Nhưng không phải ai cũng tin tưởng điều đó, bởi nhóm Big Tech thực tế cũng dựa vào các nhà cung cấp nhỏ hơn. Với quan hệ hợp tác cùng chính phủ, nhiều người thậm chí cho rằng các công ty lớn từ lâu đã được sử dụng như dịch vụ tình báo tư nhân theo những cách ít gây chết người hơn.

Thách thức với các nhà lãnh đạo

Theo giới phân tích và chuyên gia an ninh, vụ việc ở Lebanon có thể được coi là “hình mẫu” về cách vũ khí hóa các chuỗi cung ứng vốn không minh bạch và trải qua vô số hình thức, điểm đến trước khi sản phẩm hoàn chỉnh được đưa lên kệ. Qua đây có thể thấy “điểm yếu” của toàn cầu hóa, khi các chuỗi cung ứng giúp sản xuất hàng giá rẻ và liên quan nhiều bên trung gian có nguy cơ trở thành vũ khí trong tay đối thủ nước ngoài.

Thực tế trên có thể buộc các ngành công nghiệp và chính phủ nhiều quốc gia hành động nhằm hạn chế hơn nữa dòng chảy của công nghệ nhạy cảm, chẳng hạn như thúc đẩy các công ty chuyển hoạt động sản xuất về nước hoặc đến nước thứ 3 thân thiện. Ðây cũng là ưu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden những năm gần đây. Với những câu hỏi chưa có lời giải cùng tiết lộ về hoạt động của Israel chống lại Hezbollah, Washington và đồng minh sẽ càng thêm lưu ý khi tìm cách dịch chuyển chuỗi cung ứng nhằm giảm phụ thuộc vào các đối thủ nước ngoài như Trung Quốc. “Nếu Israel làm được, thì Trung Quốc cũng có thể. Thông qua hợp tác với đồng minh, chúng ta cần chiến lược thu hẹp những khoảng trống có thể dễ dàng bị khai thác trong chuỗi cung ứng” - nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ Seth Moulton cho biết.

Ngày 19-9,  trong thư gửi đến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), Phái đoàn thường trực của Lebanon tại LHQ cho biết kết quả điều tra sơ bộ cho thấy các thiết bị phát nổ đã được gài sẵn thuốc nổ một cách chuyên nghiệp trước khi vào Lebanon và được kích nổ bằng cách gửi email đến những thiết bị đó.

MAI QUYÊN (Theo Al Jazeera, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết