Với việc số người không có nhà ở gia tăng nhanh chóng trong thập kỷ vừa qua, tình trạng vô gia cư đã trở thành một trong những vấn đề lớn nhất của châu Âu hiện nay.
Một người vô gia cư ngủ trên đường ở Anh. Ảnh: Guardian
Theo nghiên cứu gần đây của Liên đoàn các tổ chức quốc gia châu Âu làm việc với người vô gia cư (FEANTSA), có khoảng 1 triệu người phải ngủ trên đường phố mỗi đêm ở Liên minh châu Âu (EU) và Anh. Nhưng FEANTSA cảnh báo con số thực tế có thể còn lớn hơn, do dữ liệu mà họ ghi nhận bị giới hạn ở những hình thức vô gia cư dễ nhìn thấy nhất. Làn sóng người di cư đổ dồn tới “lục địa già” những năm gần đây đã làm gia tăng số lượng các gia đình không có nơi cư trú ổn định. Số lượng người tị nạn vô gia cư từ Syria, Afghanistan và Iraq nói riêng đã tăng vọt ở nhiều nước châu Âu.
Được biết, do chưa có định nghĩa quốc tế nào thống nhất về tình trạng vô gia cư, nên số lượng thống kê giữa các quốc gia khác nhau rất nhiều. Việc thu thập dữ liệu này cũng khó khăn, khiến việc so sánh giữa các nước càng khó hơn. Tuy vậy, theo báo cáo năm ngoái của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Anh có số người vô gia cư cao nhất, với tỷ lệ 43 người vô gia cư/10.000 dân. Tại EU, Pháp có tỷ lệ người vô gia cư cao nhất ở mức 30,7/10.000 dân, tiếp theo là Séc, Đức và Ireland. Các nước Bắc Âu có tỷ lệ vô gia cư tương đối thấp hơn.
Tuy vậy, tất cả thống kê nói trên đều là số liệu ghi nhận theo thời điểm, nên chỉ thể hiện “bức ảnh chụp nhanh” về tình trạng vô gia cư tại một thời điểm và địa điểm duy nhất. Trong khi đó, tình trạng vô gia cư thường thay đổi và phát triển, tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng cá nhân. Vì thế, tổng số người vô gia cư thường tăng lên khi tính cả 3 nhóm, gồm những người sống trong các tổ chức, nhà trú ẩn và nhà ở tạm thời với gia đình và bạn bè. Bằng chứng là dữ liệu chung từ tất cả các danh mục cho thấy tổng số người vô gia cư chỉ riêng ở Anh, Pháp và Đức đã vượt quá con số 1 triệu người.
Pháp và Anh còn được đánh giá là có kết quả tệ nhất trong việc giải quyết tình trạng vô gia cư, khi số liệu của OECD cho thấy số người vô gia cư ở 2 nước này đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010-2023.
Hồi tháng 4-2024, Chính phủ Đức đã công bố “Kế hoạch hành động quốc gia” nhằm chấm dứt tình trạng vô gia cư vào năm 2030. Kế hoạch 31 điểm do Bộ Nhà ở, Phát triển Đô thị và Xây dựng Đức công bố đã đưa ra những ý tưởng như cấp tiền cho việc xây dựng nhà ở xã hội, chống phân biệt đối xử trên thị trường nhà ở, giúp mọi người tiếp cận bảo hiểm y tế và giúp các dịch vụ tư vấn dễ tiếp cận hơn. Song, nhiều người chỉ trích rằng các đề xuất đó còn quá mơ hồ. Khi lên nắm quyền tháng 11-2021, chính phủ liên minh của Đức đặt mục tiêu xây dựng 400.000 nhà ở mới mỗi năm, với khoảng 100.000 nhà trong số này thuộc diện phúc lợi xã hội hoặc nhà ở xã hội. Tuy nhiên trong những năm qua, chỉ có khoảng 25.000 nhà ở mới giá cả phải chăng được xây dựng.
Còn tại Anh, bà Ruth Owen - Phó giám đốc FEANTSA - cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng vô gia cư trầm trọng ở nước này là thị trường nhà ở, các chính sách và bối cảnh kinh tế bất lợi. Ngoài ra, tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ, chính sách phúc lợi không đầy đủ cũng góp phần làm nghiêm trọng thêm vấn đề vô gia cư.
Theo một báo cáo cuối năm 2023 của Bộ Phát triển Nhà và Đô thị Mỹ, số người vô gia cư tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng 12%, tương đương mức tăng khoảng 70.650 người, và hiện đạt con số hơn 650.000 người. Điểm đáng lưu ý là tình trạng vô gia cư trên toàn nước Mỹ được quan sát thấy ở mọi đối tượng, nhưng phần lớn tập trung vào cộng đồng người da màu. Với quy mô dân số chiếm 13% toàn quốc, hơn 37% người da đen tại Mỹ là những người vô gia cư.
NGUYỆT CÁT (Theo Euronews, DW)