Vào năm 1999, Girona chơi ở giải hạng năm Tây Ban Nha. Mùa 2006-2007, họ vẫn còn thi đấu ở giải hạng tư. Nhưng vào rạng sáng 19-9, Girona có màn ra mắt Champions League với chuyến làm khách trên sân của PSG.
Hành trình Girona chuyển mình từ một đội bóng nghiệp dư thành CLB góp mặt tại Champions League được coi là một câu chuyện cổ tích, nhưng thành công này được thúc đẩy bởi nguy cơ phá sản.
Vào năm 2013, Girona rục rịch tuyên bố phá sản sau khi nợ cơ quan thuế Tây Ban Nha 2,3 triệu euro và nợ các dịch vụ y tế công cộng 800.000 euro. Chủ sở hữu nắm phần lớn cổ phần Girona khi đó là ông Josep Delgado tìm kiếm nhà đầu tư mới và cuối cùng Pere Guardiola nhảy vào.
Giá bán CLB được ấn định ở mức 2,6 triệu euro, với 380.000 euro cần để trang trải các chi phí ngắn hạn như tiền lương cầu thủ. Điều này đã cứu Girona và về lâu dài trở thành bước đệm để tập đoàn City Football Group (CFG) của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) mua lại CLB vào mùa hè 2017.
Đó cũng là thời điểm Girona đạt được mục tiêu lên chơi ở La Liga sau 3 lần thất bại trong trận tranh vé vớt thăng hạng vào năm 2013, 2015 và 2016. Mùa rồi, Girona xuất sắc cán đích vị trí thứ ba tại La Liga, đủ điều kiện dự Champions League. Để cạnh tranh ở đấu trường lớn, Girona đã chi tổng cộng 44 triệu euro cho 11 tân binh trong hè này và 3 lần phá kỷ lục chuyển nhượng cũ của CLB.
Tháng 9 năm ngoái, Girona có giới hạn lương cao thứ 14 tại La Liga, ở mức 52 triệu euro (thấp hơn nhiều so với 727 triệu euro của Real Madrid, 296 triệu euro của Atletico Madrid và 270 triệu euro của Barcelona). Hiện nay, giới hạn lương của Girona đã tăng lên 94 triệu euro, chỉ kém 7 trong số 20 CLB dự giải.
Giới hạn lương của La Liga được thiết lập riêng cho từng CLB, dựa theo doanh thu của đội bóng. Girona nhiều khả năng sẽ được nâng đáng kể hạn mức này. Girona công bố khoản thu nhập 55 triệu euro vào năm 2022 và 60 triệu euro năm 2023. Đội bóng nhỏ nhất ở xứ Catalonia này dự kiến sẽ có thu nhập hơn 100 triệu euro trước khi kết thúc năm nay, nhờ đoạt vé dự Champions League và bán cầu thủ hồi hè.
Nhưng để được tranh tài với các CLB ưu tú của châu Âu, Girona cũng phải trải qua những cơn đau đầu. Để cả hai đội bóng cùng thuộc sở hữu CFG là Manchester City và Girona dự Champions League, tập đoàn này phải tuân thủ các quy định của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) về quyền sở hữu nhiều CLB. Đầu tiên, CFG bán bớt 17% để giảm cổ phần của mình tại Girona xuống còn 30%, mức tối đa mà UEFA cho phép. Ba giám đốc điều hành của CFG là thành viên Hội đồng quản trị Girona cũng phải từ chức.
Về sân đấu, đối với các trận thuộc La Liga, sân Montilivi của Girona được phép chứa gần 15.000 người, trong đó 6.000 người được bố trí trên các khán đài tạm thời. Tuy nhiên, UEFA không chấp nhận những khán đài này, do vậy sức chứa cho các trận Champions League trên sân nhà giảm xuống còn khoảng 9.700 người. Girona không thể mở rộng sân Montilivi vì hạn chế về diện tích đất.
Thế nên, khi Girona tiếp đón Feyenoord trên sân nhà vào ngày 2-10, Montilivi sẽ trở thành sân vận động nhỏ nhất tổ chức một trận đấu Champions League trong 10 năm qua.
BÌNH DƯƠNG