20/09/2024 - 09:33

Mỹ chậm chân trong chuẩn bị đối phó xung đột 

Mỹ đang tụt lại so với Trung Quốc về công tác chuẩn bị sẵn sàng đối phó một cuộc chiến tiềm tàng, trong đó, thủ tục hành chính rườm rà của Lầu Năm Góc và chậm trễ áp dụng công nghệ mới có nguy cơ đẩy các đồng minh thân cận như Anh, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc rơi vào cảnh khốn đốn.

Chiến đấu cơ F-35 trị giá cả trăm triệu USD bị một số người gọi là “cục chặn giấy đắt tiền”. Ảnh: EPA

Kết luận trên được đưa ra tại phiên điều trần mới đây của Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ. Giới lập pháp hiện bất đồng quan điểm về ngân sách liên bang, trong khi lộ trình quốc phòng hàng năm bị trì hoãn giữa thời điểm cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần.

Trước đó, việc thiếu linh hoạt trong mua sắm quân sự đã được các thành viên Ủy ban Chiến lược Quốc phòng Quốc gia phản ánh rộng rãi. Để đối phó mối đe dọa đồng thời từ Trung Quốc, Nga cũng như Iran và CHDCND Triều Tiên, báo cáo công bố hồi cuối tháng 7 cảnh báo Washington cần mở rộng đáng kể lực lượng quân đội và cơ cấu theo hướng tích hợp hơn. Báo cáo còn kêu gọi cải cách triệt để nền tảng công nghiệp cứng nhắc, thực thi cách tiếp cận “toàn chính phủ” với quốc phòng và thắt chặt quan hệ đồng minh.

Tại phiên điều trần, nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên minh trước một Trung Quốc đang trỗi dậy, hầu hết nhà lập pháp đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ trong cả 2 ủy ban Quốc hội đều tán thành ưu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thiết lập các liên minh mới, chẳng hạn như Hiệp ước Đối tác an ninh tăng cường 3 bên giữa Úc, Anh và Mỹ (AUKUS) hay Khung hợp tác an ninh 3 bên được chính thức hóa giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc (TSCF) gần đây. Tuy nhiên, chính các thủ tục an ninh và mua sắm lỗi thời của Bộ Quốc phòng Mỹ đang gây trở ngại cho nỗ lực đối phó Trung Quốc của nước này. Đặc biệt với AUKUS, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul cho biết gần một năm sau khi được thông qua, giới chức Lầu Năm Góc vẫn chưa chấp thuận chuyển giao công nghệ cho 2 thành viên còn lại. Trong khi Luân Đôn và Canberra là đồng minh thân cận và đối tác quan trọng trong Liên minh Tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes), ông McCaul cảnh báo Mỹ trì trệ các quan hệ đối tác này có thể khiến Trung Quốc tự tin hơn.

Cùng quan điểm, cựu nghị sĩ Jane Harman tại phiên điều trần nêu rõ chiến lược quốc phòng nhiều năm qua của Mỹ đã lỗi thời nhưng toàn bộ hệ thống, đặc biệt là Lầu Năm Góc, lại không muốn mạo hiểm thay đổi. Thứ trưởng Quốc phòng dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, Eric Edelman thẳng thắn hơn khi chỉ rõ sự thất vọng của 2 đối tác Anh, Úc trước bộ máy quan liêu Mỹ. “Nguy cơ bùng nổ chiến tranh là có thật trong tương lai gần với khả năng lan rộng toàn cầu. Mỹ có thể thua trong một cuộc xung đột như vậy khi quan hệ đối tác giữa Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên đại diện cho những thay đổi chính trong môi trường chiến lược” - ông Edelman cảnh báo.

Ngoài sự cứng nhắc về thủ tục, vấn đề lớn khác của Lầu Năm Góc là dù thế giới đã chuyển sang các nền tảng mang tính di động, cơ quan này này vẫn cam kết với vũ khí cồng kềnh và đắt tiền trong hệ thống mua sắm có từ những thế kỷ trước.

Thách thức từ Trung Quốc vượt xa Chiến tranh Lạnh

Một số quan chức tham gia điều trần cảnh báo, Trung Quốc xâm nhập vào các mạng lưới cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, gây ảnh hưởng đến hậu cần và năng lực răn đe. Đáng nói là Chính phủ Mỹ chưa chuẩn bị đủ để ngăn chặn trong khi công chúng có xu hướng “phản ứng với khủng hoảng” thay vì nhận thức được những hậu quả tiềm tàng.

Trước tất cả những mối đe dọa trên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell thừa nhận thách thức mà Trung Quốc đặt ra với Mỹ vượt xa thời Chiến tranh Lạnh. “Chiến tranh Lạnh không là gì so với những thách thức đa dạng mà Trung Quốc đặt ra hiện nay. Không chỉ về quân sự mà là trên mọi phương diện. Nó diễn ra ở Nam Bán cầu và chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ” - ông Campbell cho biết.

Trong bối cảnh này, nhân vật số 2 của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Washington cần duy trì sự tập trung lưỡng đảng vào Trung Quốc, đặc biệt đẩy nhanh tốc độ đóng tàu hải quân và ưu tiên củng cố năng lực sản xuất quốc phòng trong thập kỷ tới. Với mức độ của cái gọi là danh sách công nghệ bị loại trừ trong các dự án quốc phòng AUKUS, Thứ trưởng Campbell khẳng định nới lỏng các hạn chế chia sẻ công nghệ là rất quan trọng. Ngoài ra, ông Campbell tin rằng chính phủ và Lầu Năm Góc cần nhiều nhân sự hiểu hơn về công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và biết cách tạo động lực cho các ngành công nghiệp.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, SCMP)

Chia sẻ bài viết