22/09/2024 - 14:56

Những ngày Nam Bộ kháng chiến qua tường thuật của Báo Cứu Quốc 

Những ngày này cách nay 79 năm, quân và dân Nam Bộ “đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”, để “thế giới đều biết cái quyết tâm độc lập của nhân dân Việt Nam”. Đồng bào Nam Bộ đã xứng đáng với lòng tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng bào cả nước: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ”.

Sự kiện Nam Bộ kháng chiến của mùa thu năm 1945 được Báo Cứu Quốc tường thuật lại rất đầy đủ, chi tiết.

 

Báo Cứu Quốc ra ngày 29-9-1945 có đăng bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lời Hiệu triệu của Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam kêu gọi toàn thể đồng bào chống với cuộc xâm lăng của giặc Pháp ở Nam Bộ.

Trước hết, xin nói đôi điều về Báo Cứu Quốc, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh. Theo “Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2” (NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật), tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5-1941, Đảng ta quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp, Nhật, lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh. Tổng bộ Việt Minh đã cho xuất bản Báo Cứu quốc để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Việt Minh, kêu gọi đoàn kết toàn dân tộc. Ngày 25-1-1942, Báo Cứu quốc ra số đầu tiên.

Trong quyển “Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước” (NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật), đồng chí Lê Phước Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đã hồi ức rằng: “Từ ngày “Nam Bộ kháng chiến” (23-9-1945) đến ngày “Toàn quốc kháng chiến” (19-12-1946), nhân dân Nam Bộ đã tiến hành cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp trước cả nước 15 tháng. Thế nên, nói “miền Nam đi trước về sau” hay “ba mươi năm đi trước về sau” là nói đến sự kiện đặc biệt của 15 tháng “đi trước” ấy”.

Với tôn chỉ: “Cứu quốc sẽ là người chỉ lối trung thành cùng đồng bào cùng tiến lên trên đường giải phóng dân tộc; Cứu quốc hô hào đồng bào hãy tận tâm ủng hộ; Cứu quốc về mọi phương diện, hãy cương quyết tiến lên dưới bóng cờ sắc đỏ sao vàng”, Báo Cứu Quốc đã đồng hành cùng cuộc đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, trong đó có thời kỳ Nam Bộ kháng chiến. Sau khi Pháp chính thức trở lại xâm lược nước ta ngày 23-9-1945, Báo Cứu Quốc liên tục đăng nhiều thông điệp truyền cảm hứng như “Sẵn sàng chiến đấu ủng hộ Nam Bộ”, “Ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ”, “Hãy ủng hộ cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam Bộ”…

Báo Cứu Quốc số ra ngày 29-9-1945, đăng bản nhạc bài hát “Quyết độc lập” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Bài hát là khúc hùng ca cổ vũ Nam Bộ kháng chiến. Bài hát có đoạn: “Quân xâm lăng ngày nay muốn lại dầy lên trên giống nòi. Vì Việt Nam, ta quyết thề cùng đánh quân tham tàn”.

Nổi bật là số báo ra ngày 24-9-1945, Báo Cứu Quốc có bài đăng trang nhất “Thực dân Pháp đã đánh úp Sài Gòn” với những tường thuật chi tiết. Báo thuật lại, 3 giờ sáng Chủ nhật ngày 23-9-1945 trong khi thành phố Sài Gòn vắng ngắt vì lệnh thiết quân luật của quân đội Anh, thì một đội quân Pháp, trước là tù binh nay mới được quân đội Anh thả ra, ăn mặc cải trang, chia nhau đi lén lút hành động trong các phố. Trong lúc đó, quân đội Anh lại cố tình làm lơ. Nhưng dân quân ta đã sẵn sàng chuẩn bị nên đã nhận ra ngay mưu mô đánh úp của chúng và tổ chức đối phó. Tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ, dân Sài Gòn vùng dậy. Đến sáng, giặc Pháp lại tiếp thêm được viện binh. Chúng chiếm đóng được một số công sở, xé biểu ngữ và giở thủ đoạn khủng bố, bắt bớ dân chúng, lùng tìm những chiến sĩ cứu quốc. Ngoài tường thuật, bài báo còn phân tích sự trịch thượng, quá đáng và láo toét của thực dân Pháp.

Báo Cứu Quốc số ra ngày 26-9-1945 đăng trang trọng trên trang nhất bài “Cuộc giao chiến với Pháp ở Nam Bộ”. Bài báo thuật lại sự hống hách, tàn ác của thực dân Pháp với đồng bào, chúng “khủng bố dân chúng miền Nam bằng cách bắt bớ và khám xét. Chúng dùng súng bắn xả vào những đám người Việt Nam đứng nói chuyện ngoài đường và vào trụ sở các đảng phái để đốt phá. Khắp nơi trong thành phố Sài Gòn đều có những cuộc kháng chiến”.

Thật ra, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 2-9-1945, Pháp đã âm mưu tái chiếm nước ta. Chúng gây hấn khắp nơi, khiêu chiến và bắt bớ, giết chóc. Đỉnh điểm là rạng sáng 23-9-1945 ở Sài Gòn. Báo Cứu Quốc cũng liên tục có nhiều tin, bài phản ánh về những hành động của chúng. Cũng từ những ngày khốc liệt của mùa thu lịch sử, Nam Bộ cùng với cả nước đã 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Cũng trong Báo Cứu Quốc số ra ngày 26-9-1945, có đăng “Lời Tuyên bố của anh Bộ trưởng bộ Tuyên truyền về: Các sự việc sảy ra ở Nam Bộ”. Lời Tuyên bố mở đầu: “Đồng bào Việt Nam! Súng đã nổ ở Nam-bộ. Máu Việt Nam lại chảy - bọn thực dân Pháp được quân Anh giúp ngầm, âm mưu đánh úp Sài gòn là thủ đô Nam bộ Việt Nam. Nhưng Ủy ban Nhân dân Nam bộ đã chuẩn bị sẵn sàng. Đọc bài hịch của Ủy ban Nam bộ gửi cho dân chúng hôm trước đây ta đủ thấy các đồng bào Nam bộ đã sửa soạn cuộc chiến đấu kỹ càng như thế nào, cả về phương diện chính trị lẫn về phương diện quân sự”. Từ dẫn giải này, Lời Tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền động viên và trấn an đồng bào: “Chúng ta đều phẫn uất trước sự dung túng của phái bộ Anh và trước cứ chỉ xâm lược của bọn thực dân Pháp. Chúng ta cương quyết chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho kỳ được nền độc lập hoàn toàn của nước nhà. Nhưng chúng ta bình tĩnh mà hành động”.

Huấn lệnh của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi cho nhân dân Nam Bộ đăng trên Báo Cứu Quốc ngày 24-9-1945, hừng hực khí thế: “Hỡi đồng bào Nam Bộ, lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp chẳng những đã làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục mà lại chứng tỏ cho thế giới đều biết cái quyết tâm độc lập của nhân dân Việt Nam”. Trong Huấn lệnh, Chính phủ cũng kêu gọi “đồng bào yêu quý Nam Bộ” phải đoàn kết chặt chẽ, muôn người như một, dũng cảm và thận trọng, cho thật kiên quyết và trấn tĩnh, nghe theo lời Chính phủ, để đưa cuộc giải phóng của chúng ta đến bước thắng lợi cuối cùng.

Báo Cứu Quốc ngày 29-9-1945 đăng Bức thư kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ, ký ngày 26-9-1945. Bác Hồ viết: “Hỡi đồng bào Nam Bộ. Nước ta vừa tranh quyền độc lập thì đã gặp nạn ngoại xâm. Khi còn chiến tranh với Nhật thì bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng hoặc chạy trốn. Nay vừa hết chiến tranh thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật hoặc công khai mở lại. Trong bốn năm, họ đã bán nước ta hai lần. Nay họ lại muốn thống trị dân ta lần nữa”. Người cũng bày tỏ niềm tin vào đồng bào miền Nam ruột thịt: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ”. Bác căn dặn đồng bào Nam Bộ: “Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng. Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước”. Những lời căn dặn thể hiện rõ tư tưởng vĩ đại, lòng nhân ái sáng trong của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng trong số báo này, Báo Cứu Quốc đăng Lời Hiệu triệu của Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam kêu gọi toàn thể đồng bào chống cuộc xâm lăng của giặc Pháp ở Nam Bộ. Bên cạnh phân tích tình hình, động viên và ghi nhận tinh thần dũng cảm của Nam Bộ thành đồng, Lời Hiệu triệu cũng cho thấy tinh thần sẵn sàng cho cuộc “Toàn quốc kháng chiến”: “Trước khi trông đợi một cuộc can thiệp của thế giới thì tự chúng ta phải có một thực lực trước đã. Chúng ta phải huy động lực lượng của toàn quốc để chuẩn bị một cuộc chiến trường kỳ kháng chiến rất mãnh liệt và một bất hợp tác triệt để, sự thắng lợi cuối cùng nhất định về tay chúng ta”.

Nhiều số Báo Cứu Quốc giai đoạn này tường thuật chi tiết tình hình Nam Bộ kháng chiến. Ở Sài Gòn Chợ Lớn, chiều 23-9-1945, ta vận động đồng bào tổng đình công, không hợp tác với giặc, lập các công sự, tổ chức cuộc chiến đấu trong thành phố bằng các vũ khí sẵn có. Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10, cuộc chiến đấu của các lực lượng tự vệ công nhân, tự vệ thanh niên, công an xung phong cùng với nhân dân thành phố đã gây cho quân đội Anh, Pháp khốn đốn: điện, nước bị cắt, tiếp tế khó khăn, luôn luôn bị ta tập kích tiêu hao, tiêu diệt, buộc chúng phải tìm cách điều đình với ta để tạm thời hòa hoãn cho đến khi có thêm quân tiếp viện. Vì chưa có thời gian chuẩn bị, cuộc kháng chiến ở Nam Bộ lúc đầu có nhiều khó khăn, nhưng sau hội nghị Xứ ủy Nam Bộ, Xứ Đảng bộ Nam Bộ được củng cố, ta rút được kinh nghiệm bước đầu, tổ chức lại các lực lượng vũ trang, phát triển cơ sở chính trị, đẩy mạnh chiến tranh du kích, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, giải quyết nhanh của Pháp.

“Tiếp lửa” Nam Bộ kháng chiến, đồng bào khắp nơi trong cả nước tiến hành nhiều cách để thị uy, lên án thực dân Pháp, cổ vũ tinh thần hừng hực khí thế của Nam Bộ kháng chiến. Cả nước hướng về Nam Bộ trong những ngày mùa thu năm ấy. Như trong bài “Toàn quốc đã biểu tình ủng hộ kháng chiến Nam Bộ” đăng Báo Cứu Quốc ngày 9-10-1945 thuật lại: “Ở Hà Nội có một cuộc biểu tình lớn để phản đối thái độ vô lý ấy, rồi khắp Trung, Bắc Bộ, đâu đâu dân chúng cũng hội họp để hưởng ứng phong trào phản đối (...). Chúng tôi lại biết rằng trong rất nhiều địa phương nhỏ, rất nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra. Và các giới toàn quốc đương đi tổ chức Tuần lễ ủng hộ kháng chiến Nam Bộ như giới Văn hóa tại thủ đô Hà Nội đã bắt đầu tuần lễ này”. Báo Cứu Quốc ngày 24-9-1945 thuật lại sự kiện: “Toàn thể các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ Bắc Bộ Việt Nam đã lập tức họp tại Hà Nội, ngày 23-9-45 quyết nghị gửi một bức điện tín phản kháng kịch liệt cái hành động phản dân chủ ấy”.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết