Truyện ngắn: Vũ Thị Huyền Trang
Thật ra ông Sông đã thức giấc từ lâu. Ở cái tuổi ngoài sáu mươi, mấy ai còn ngủ được một mạch từ tối đến sáng trưng nữa. Có thể ông bị đánh thức bởi tiếng gáy râm ran. Cũng có thể tiếng của những giọt mưa rơi lộp độp trên mái tôn đã đánh thức một người già. Ông nằm im, cảm nhận rõ cái lạnh của đợt mưa này.
Phòng của ông nằm giáp với căn bếp nhỏ. Nhiều năm trước, ông luôn thấy khó chịu khi nằm ở đây phải nghe những âm thanh ồn ã vọng vào. Cứ 5 giờ sáng là vợ ông đã thức dậy, lạch cạch nấu nước, rang cơm, nấu cháo. Loẹt quẹt tiếng dép, tiếng chổi, tiếng chén đũa, nồi niêu va đập vào nhau. Nhưng từ khi vợ mất, căn bếp trở nên im ắng đến 6 giờ 15 phút sáng. Tiếng chuông báo thức vang lên inh ỏi khắp nhà. Chuông hẹn giờ của con trai, con dâu, nhà có bao nhiêu cái điện thoại con cháu ông đều cài chuông bằng hết. Rồi đứa này gọi đứa kia, giục giã. Ðứa bật bếp nấu vội nồi mì, đứa lôi con đi đánh răng rửa mặt. Ồn ào chừng nửa tiếng thì các con lần lượt rời đi. Tiếng “Thưa ông con đi học” cũng bay theo bước chân vội vàng của thằng cháu nội. Nhà trở nên vắng lặng. Phần ăn sáng con dâu làm vội, đậy lồng bàn trên bàn ăn dành cho ông chắc cũng đã nguội. Mà thật ra ông già rồi, ăn uống được là bao. Ðang mãi nghĩ ngợi thì thấy điện thoại rung lên, chưa cần mở điện thoại ông cũng biết là người bạn nối khố của mình gọi.
- Hôm nay chân cẳng ông thế nào? Nghe dự báo thời tiết thấy quê mình đang mưa nhiều, chắc là đau nhức hơn mọi khi đúng không?
- Vết mổ còn chưa lành, khó tránh đau nhức. Tôi tính nằm một chút, lát nắng lên thì ngồi dậy đi lại nhẹ nhàng.
- Ông ráng tập vật lý trị liệu, tầm tháng nữa tôi về nhất định là phải đi lại được. Hai thằng bạn già đi loanh quanh xóm làng. Mà bây giờ ngoài đồng làng chắc bà con đang cấy nhỉ?
- Ừ nghe cháu nội tôi nói người ta cấy sắp xanh kín
đồng rồi.
- Cháu nội ông mấy tuổi rồi?
- Tám tuổi.
- Nhớ hồi bằng tuổi nó, tụi mình cưỡi trâu ngoài đồng, trèo cây nhặt trộm trứng chim. Nhanh thật, mấy mà hết một đời người...
Ông Sông gượng dậy, với tay lấy chiếc khung tập đi được con trai dựng gọn ở chân giường. Ông mở cửa nhà nhìn ra ngoài màn mưa. Gió luồn qua những tàu lá chuối đang run lên bần bật trong vườn. Ðám cải ngồng cạnh hàng rào nở hoa vàng tươi nhưng cũng đang rũ rượi vì trận mưa suốt đêm qua. Ông nhìn về phía cánh đồng rộng trước nhà giờ đã thành khu đô thị mới đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng. Cuộc sống là vậy. Luôn có những đổi thay. Nhưng ông chưa vội kể với bạn vì sợ bạn buồn. Bởi ông Sông biết suốt mấy chục năm định cư ở nước ngoài bạn mình vẫn canh cánh với mảnh quê hương trong ký ức. Bạn ông nắm níu những ký ức xưa để chuẩn bị cho một chuyến hồi hương cuối cuộc đời.
Ông Sông đẩy xe đi loanh quanh một lúc thì ngồi xuống chiếc ghế đá ngay đầu ngõ. Ai đi qua cũng dừng lại hỏi thăm chân ông đã đỡ chưa? Ði mổ thay khớp nhân tạo có mất nhiều tiền không? Người này đi thì người kia lại đến. Chuyện làng trên xóm dưới, chuyện người già người trẻ, người đi Tây, người thì vừa viết đơn nhập ngũ. Chuyện ông Sáu làng bên theo con về thành phố an hưởng tuổi già nhưng nhất định không chịu bán đất đai, nhà cửa. Dù nhà cửa bỏ không, các con bận rộn chẳng mấy khi về, hàng xóm xúi bán đi lúc đất được giá nhưng ông khăng khăng: “Ðể đấy cho tổ tiên dẫn lối, con cháu còn có chốn đi về”. Lại chuyện bà Vinh xóm dưới, thấy bảo vào thành phố ở với con được ba tháng lại về. Gặp ai bà cũng nói: “Ở đấy chẳng thiếu gì chỉ thiếu mỗi quê hương. Nhớ quay quắt xóm giềng, nhớ đến cả bông hoa ngọn cỏ. Ăn cái gì cũng thấy lạ bụng”. Người quê nói chuyện quê có bao giờ hết.
 |
Thời gian thấm thoát trôi, lúa trên những thửa ruộng bao quanh khu đô thị mới cũng đã bám rễ, xanh non. Chân ông Sông cũng đi lại nhẹ nhàng. Trong bữa cơm thỉnh thoảng như giật mình nhớ ra ông lại hỏi con cháu hôm nay là ngày bao nhiêu rồi? Ông dặn con dâu mai đi làm về nhớ ghé qua chợ mua ít hạt rau cải ngọt. Thật ra vườn nhà chẳng thiếu gì rau, mà toàn loại bạn ông thích. Không thích sao được, chúng gắn liền với ký ức những năm tháng chỉ có sắn độn cơm và canh rau dại nấu cùng cua tép đồng nhà. Ông không biết bạn mình đã được đi những nơi đâu, ăn sơn hào hải vị gì, cuộc sống giàu có dư thừa ra sao. Nhưng ông biết bạn mình thương nhớ điều gì trong những tháng năm xa xứ. Gì chứ đám rau tàu bay, rau đay, rau dền, mồng tơi đâu thiếu. Mưa tạnh ông làm đất gieo thêm ít rau cải thì lúc bạn về tha hồ rau sạch để ăn.
Trước ngày bạn ông về đã thấy con dâu lôi chăn chiếu ra ngâm giặt thơm tho. Căn phòng để không nhiều năm được dọn dẹp sạch sẽ, trải một chiếc chiếu mới, ga gối mới. Anh Huấn, con trai ông Sông bình thường chẳng quan tâm đến điều gì xung quanh, ấy thế mà lần này biết dặn vợ để dành mấy con gà ngon, đừng bán hết. Hôm ông buột miệng bảo: “Giờ chẳng biết kiếm đâu ít cua đồng nấu canh” thì hôm sau đã thấy con trai mang về mấy cân cua, xay ra lọc sẵn, chia từng túi nhỏ bỏ vào ngăn đá, nói: “Ăn bữa nào cứ bỏ ra rã đông là được”. Chắc già rồi nên dễ xúc động, lúc sờ vào chăn chiếu thơm mùi nắng ấm, ông thấy sống mũi cay xè. Lâu lắm rồi kể từ khi vợ mất ông mới tìm thấy được chút niềm vui ấm áp tựa như nụ mầm chồi lên trên thân cây xù xì bạc phếch. Những cuộc gọi video của người bạn già ngày một nhiều hơn. Dù quê hương chẳng còn ai ruột thịt, anh em họ hàng cũng ly tán mỗi người một ngả, đất đai ông bà tổ tiên để lại cũng đã bán lâu rồi nhưng ông vẫn háo hức được trở về hít căng lồng ngực những cơn gió sông nồng vị phù sa. Về để được đắm chìm trong màn mưa và nắng ấm chuyển mùa.
Bạn về, vừa kịp lúc hoàng hôn buông xuống. Hai người bạn già ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Gió sông thổi bạt mớ râu tóc bạc phơ của bạn, nhắc đủ thứ chuyện. Khúc sông này ngày xưa chiều nào tụi mình cũng rủ nhau ra tắm. Có lần bơi sang phía bờ bên kia nằm ngủ quên trong bụi hoa lau chẳng nghe thấy phía bên này mẹ cầm roi đi tìm gọi ời ời. Ông biết không? Ðã rất nhiều đêm tha hương tôi đã mơ thấy những luống hoa cải vàng lấp lánh cả khúc sông. Tôi đã từng đi bộ dọc theo rất nhiều con sông lớn trên thế giới. Có con sông vào mùa đông tuyết rơi trắng xóa. Có con sông soi bóng mùa thu những cánh rừng sắc lá chuyển vàng. Có con sông xanh biếc một màu, vắt qua chân núi như dải lụa. Nhưng chẳng có dòng sông nào đẹp bằng dòng sông của tuổi thơ.
Nếu cháu nội không í ới gọi thì chắc hai người bạn già còn đứng ở triền đê cho đến khi chìm nghỉm trong bóng tối. Thằng nhỏ thích mê những món quà mà bạn ông mang về từ đất nước xa xôi. Thằng nhỏ thả một viên kẹo chocolate ngọt ngào vào miệng, nằm nhìn bộ đồ chơi xếp hình đồ sộ. Nhưng mắt nó dừng lại trước cây san hô trắng.
- Nó có thật được mang về từ biển không ông?
- Tất nhiên rồi. Bạn của ông là một thợ lặn cừ khôi. Trước lúc mất ông ấy đã tặng ông món quà này. Giờ thì ông tặng lại cho cháu.
- Dạ, nhưng tại sao món quà quý như vậy ông lại tặng cho cháu?
- Vì ông già rồi, giờ nhìn cây san hô không còn thấy cả đại dương trước mặt. Nhưng cháu thì khác. Cháu nhìn cây san hô mà xem, bên tai cháu rì rào tiếng sóng.
Căn phòng chuẩn bị riêng cho bạn thành ra thừa. Bạn ông nói mình về đây là để hàn huyên, ở bên đó cũng đã nằm biết bao nhiêu đêm cô quạnh. Tối đó cháu nội đòi ngủ chung, nằm chen giữa hai ông. Nó đòi bạn của ông nội kể đủ chuyện về vùng đất xa xôi, những câu chuyện kỳ bí mà thằng nhỏ nghe xong đều tin là có thật. Chỉ đến khi nó nằm ngoan ngủ khì thì hai ông bạn già mới có thời gian tâm sự. Nhưng lạ thay họ không nói gì nhiều với nhau, chỉ nằm im nghe tiếng mưa xuân rơi ngoài cửa sổ. Trước lúc thiếp đi, người bạn già đã nói với ông:
- Lúc trẻ tôi cứ nghĩ nắng mưa thì ở đâu chẳng vậy. Nhưng càng về già càng nhận ra nắng mưa ở quê hương mình luôn khác. Hôm nay tôi đứng giữa quê hương mà thấy nhớ quê hương.
Ông Sông tin rằng dù còn nhiều trăn trở nhưng đêm nay bạn mình sẽ ngủ một giấc thật ngon lành…