22/09/2024 - 10:35

Nạn buôn bán nội tạng lan rộng khắp châu Phi 

Hoạt động buôn bán nội tạng bất hợp pháp đang gia tăng trên khắp châu Phi và nhắm vào những đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo. Đáng quan ngại là tình trạng thiếu quy định và nhu cầu lớn về nội tạng đang khiến vấn nạn này ngày càng nghiêm trọng hơn.

Hiến nội tạng vì... nghèo khó

Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu (GFI, Mỹ) ước tính rằng các hoạt động buôn bán người để lấy nội tạng tại châu Phi tạo ra từ 840 triệu USD đến 1,7 tỉ USD mỗi năm. Hoạt động này xuất hiện trên khắp châu Phi. Đến nỗi vào năm 2022, Bệnh viện Quốc gia Kenyatta (bệnh viện công lớn nhất ở Kenya) đã buộc phải đăng lên trang Facebook của mình với nội dung “Chúng tôi không mua thận!”, sau khi câu hỏi mà họ nhận được nhiều nhất là “Giá mua thận là bao nhiêu?”.

Thận là một trong những nội tạng bị buôn bán nhiều nhất, vì người hiến tạng vẫn có thể tiếp tục sống sau khi một quả thận bị lấy đi. Ảnh: Ute Grabowsky

Hiến và ghép tạng là những hoạt động y tế đã được tiến hành từ lâu, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống cho những bệnh nhân bị suy nội tạng. Nhưng Frank Tietie, một luật sư nhân quyền người Nigeria, cho biết có những lo ngại rằng việc hiến - tặng nội tạng ở châu Phi chủ yếu là do nghèo khó, chứ không phải xuất phát từ nghĩa cử cao cả là cố gắng cứu sống mạng người hoặc giúp đỡ bệnh tình của một ai đó. “Người ta đang bán đi nội tạng của họ hoặc một số nhân viên y tế, đặc biệt là những bác sĩ vô đạo đức, thường động đến nội tạng của bệnh nhân mà họ không hề hay biết”, Tietie nói.

Song, nhà nghiên cứu Willis Okumu tại Viện Nghiên cứu An ninh (ISS) cho rằng không phải tất cả các ca ghép tạng “bất thường” đều bị ép buộc. Bởi khi nghiên cứu về hoạt động buôn bán nội tạng ở thành phố Eldoret, phía Tây Kenya, ông Okumu phát hiện nhiều thanh niên sẵn sàng bán thận để “ứng tiền nhanh” và họ có thể được chào giá lên tới 6.000USD.

Ông Okumu cũng từng nhìn thấy nhiều thanh niên có vết sẹo trên bụng, dấu hiệu cho thấy đã phẫu thuật lấy thận. Họ không sợ bị truy tố vì chính quyền khó có thể thực thi luật pháp. Hầu hết những người hiến thận đã dùng tiền để đầu tư, mua xe máy hoặc xây nhà mới, thậm chí trở thành người tuyển dụng những thanh niên hiến thận khác nhằm cung cấp cho thị trường chợ đen buôn bán nội tạng bên ngoài Kenya.

Hoạt động phức tạp,  tinh vi

Ai Cập, Libya, Nam Phi, Kenya và Nigeria là những quốc gia ghi nhận tình trạng buôn bán nội tạng cao nhất ở châu Phi. Nguyên nhân đằng sau hoạt động này rất phức tạp, nhưng một phần là vì quy định về cấy ghép và hiến tặng nội tạng khác nhau giữa các khu vực.

Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Tội phạm và Ma túy (UNODC) chỉ ra một hoạt động buôn bán người để lấy nội tạng được gọi là “du lịch cấy ghép” và nêu lên mối lo ngại rằng các nội tạng được ghép bất hợp pháp đã được lấy từ những nhóm dân số dễ bị tổn thương sang cho những người nhận tạng giàu có hơn. Theo Đài quan sát toàn cầu về hiến tặng và ghép tạng, có chưa đến 10% số ca ghép tạng bắt buộc đã được thực hiện trên toàn cầu, điều này dẫn đến một số bệnh nhân cố gắng tìm mua nội tạng bất hợp pháp để được phẫu thuật.

Bên cạnh đó, số lượng trung tâm y tế thực hiện ghép tạng hợp pháp ở châu Phi cũng tương đối thấp. Như theo một bài báo hồi năm 2020 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn châu Phi chỉ có 35 trung tâm ghép thận. Việc thiếu nguồn lực ghép tạng đã bị đổ lỗi cho tình trạng thiếu khả năng tiếp cận, chuyên môn hạn chế và hỗ trợ tài chính không đủ cho những người cần ghép tạng.

Mặt khác, các mạng lưới buôn bán nội tạng được tổ chức rất chặt chẽ và tinh vi, do bản chất hoạt động và sinh lợi bất hợp pháp. Vì cần đến các kỹ năng cần thiết để thực hiện những ca phẫu thuật phức tạp (cả trên người hiến và người nhận), kết nối người mua - người bán trong khi tránh được sự chú ý của các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế, nên những kẻ buôn bán nội tạng thường liên quan đến đội ngũ y tế, các nhóm tội phạm địa phương và thậm chí cả các chính trị gia.

NGUYỆT CÁT (Theo DW)

Chia sẻ bài viết