07/12/2018 - 19:43

Phát hiện 15 ca dương tính với bệnh xoắn khuẩn vàng da

(CT)- Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, sau hơn 4 tuần chính thức triển khai Dự án ECOMORE II, đã lấy 49  mẫu máu của bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Leptospirosis (bệnh xoắn khuẩn vàng da).

Các mẫu máu được lấy ở bệnh nhân có các triệu chứng: sốt, đau đầu, đau cơ 2 bắp chân, mắt đỏ hai bên, vàng da… tại Bệnh viện Đa khoa thành phố, Nhi đồng, Đa khoa Thốt Nốt và Trung tâm Y tế Phong Điền. Kết quả có 15 mẫu dương tính với Leptospirosis. Kết quả được phản hồi cho các bệnh viện để bác sĩ tư vấn, điều trị cho bệnh nhân.

Theo anh Hà Minh Hùng, Điều phối viên dự án, sắp tới, dự án tiếp tục lấy mẫu máu ở bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Leptospirosis tại 4 cơ sở y tế trên và ca chứng ở cộng đồng (người có độ tuổi tương đương (cộng, trừ 2 tuổi), cùng giới, sống cùng ấp, khu vực với người nhiễm Leptospirosis…) để xét nghiệm có nhiễm Leptospirosis hay không và nhiễm tuýp nào...

ECOMORE II là tên viết tắt của Dự án “Thực trạng nhiễm Leptospirosis tại Việt Nam, vai trò của thực hành nông nghiệp và một số yếu tố khí hậu đến tỷ lệ nhiễm”. Dự án được triển khai tại Thái Bình, Cần Thơ và Hà Tĩnh, từ tháng 10-2018 đến tháng 10-2019. Mục tiêu xác định tỷ lệ nhiễm Leptospirosis, các yếu tố nguy cơ để từ đó khuyến nghị với các nhà hoạch định chính sách và người dân; đồng thời nâng cao năng lực xét nghiệm, chẩn đoán cho các thầy thuốc.

Leptospirosis lây truyền từ động vật (nhiễm xoắn khuẩn), xâm nhập cơ thể người qua da, đặc biệt chỗ da bị xước hoặc qua niêm mạc...  Thời gian qua, cán bộ y tế và cộng đồng lãng quên căn bệnh này (cả nước mỗi năm chỉ báo cáo có vài chục ca), dù đây là căn bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch và nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh không làm xét nghiệm chẩn đoán nhiễm Leptospirosis.

H.Hoa

 

Chia sẻ bài viết