25/04/2024 - 08:37

EU mở rộng và bài toán ngân sách 

Xung đột tiếp diễn tại Ukraine đã đẩy nhu cầu mở rộng Liên minh châu Âu (EU) trở lại nội dung ưu tiên trong chương trình nghị sự của khối. Vấn đề hiện nay là làm thế nào cân bằng tài chính khi việc tiếp nhận thành viên mới được dự báo gây sức ép lên ngân sách chung, vốn đã căng thẳng do chi tiêu khẩn cấp trong đại dịch COVID-19 và viện trợ Kiev.

Khoảng 10.000 người biểu tình tham gia tuần hành ở thủ đô Warsaw, Ba Lan hồi tháng 2.

“Không còn nông dân, không còn bánh mì” là một trong nhiều khẩu hiệu phổ biến của hơn 200 cuộc biểu tình phong tỏa đường phố do nông dân Ba Lan tổ chức hồi tháng 2. Mục tiêu là để phản đối Thỏa thuận Xanh cho châu Âu, tình trạng hạn chế chăn nuôi ở Ba Lan và loạt vấn đề khó khăn khác trong nông nghiệp. Những người biểu tình cũng kêu gọi áp đặt lại thuế hải quan đối với nông sản giá rẻ nhập khẩu từ Ukraine, đồng thời bày tỏ lo ngại quốc gia láng giềng ở phía Đông gia nhập EU có thể đe dọa sinh kế của người làm nông. “Họ phải quên chuyện đó đi. Đó là một ý tưởng điên rồ” - một trong những nông dân tham gia biểu tình cho biết.

Theo các nhà quan sát, làn sóng biểu tình vừa rồi ở Ba Lan là lời nhắc kinh tế luôn là một phần trong động lực chính trị của EU. Trong hơn một thập kỷ qua, liên minh gần như khép kín cửa dù có nhiều quốc gia xếp hàng chờ gia nhập. Tuy nhiên, thái độ này đã thay đổi trong bối cảnh xung đột kéo dài hơn 2 năm qua ở Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cuối năm ngoái, các nhà lãnh đạo châu Âu quyết định mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU đối với Ukraine và Moldova; đồng thời trao tư cách ứng cử viên cho Georgia. Hiện một số quốc gia thành viên EU cũng thúc đẩy quá trình gia nhập của các ứng cử viên với tốc độ chưa từng thấy. Nhưng liệu họ có thành công hay không còn phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6.

Theo bối cảnh hiện nay, sự nhiệt tình của Brussels đi kèm với lo ngại mở rộng khối khiến một số thành viên và công dân EU gặp bất lợi về kinh tế. Lâu nay, ngân sách EU phần lớn dành cho phát triển khu vực và nông nghiệp. Với những quốc gia thành viên kém phát triển hơn, họ sẽ nhận được nhiều nguồn quỹ từ liên minh so với những khoản phải đóng góp. Hiện tại, 8 quốc gia chạy đua gia nhập khối đều có thu nhập thấp hơn những nước thành viên. Theo một cuộc điều tra nội bộ của Hội đồng châu Âu, việc kết nạp tất cả các ứng cử viên sẽ khiến EU tiêu tốn 272 tỉ USD.

Trong số các quốc gia, Montenegro được đánh giá là có hồ sơ chuẩn và nếu theo đúng lộ trình, họ sẽ chính thức gia nhập EU vào năm 2025. Việc thừa nhận những nước nhỏ ở Tây Balkan như Montenegro sẽ mang lại cơ hội kinh tế cho hàng triệu người trong khi chi phí “có thể quản lý được” đối với EU. Nhưng vấn đề này lại khác với Ukraine, quốc gia đông dân và nghèo nhất trong số tất cả nước ứng cử viên. Theo ước tính, Kiev với tư cách thành viên EU sẽ nhận được gần 200 tỉ USD trong 7 năm, chưa kể chi phí tái thiết. Ngoài gây áp lực nặng nề lên tài chính của liên minh, Ukraine nếu gia nhập EU cũng trở thành nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất khối, dẫn tới sự cạnh tranh không được chào đón trên thị trường chung.

MAI QUYÊN (Theo DW)

 

 

Chia sẻ bài viết