Năm 2024, TP Cần Thơ tiếp tục xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết tâm cao nhất trong tổ chức thực hiện đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công. Qua đó, góp phần thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, tạo động lực cho thành phố phát triển.
Công trường dự án đường Vành đai phía Tây thành phố.
Tăng nhưng chưa bền vững
Năm 2024, TP Cần Thơ được giao kế hoạch vốn đầu tư công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hơn 10.468 tỉ đồng. Theo đó, thành phố đã giao chi tiết hơn 8.804 tỉ đồng cho các nhiệm vụ, dự án đầy đủ thủ tục đầu tư. Kết quả giải ngân đến ngày 21-4-2024 là 1.943 tỉ đồng, đạt 22,1% kế hoạch vốn được HÐND thành phố giao chi tiết và đạt 18,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 1,22 lần về giá trị và tăng 2,3% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2023. Ước giá trị giải ngân đến ngày 30-4-2024 là 2.150 tỉ đồng, đạt hơn 24% kế hoạch vốn được HÐND thành phố giao và hơn 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Cụ thể, theo nguồn vốn, có 1 nguồn vốn giải ngân đạt 49,48%; 4 nguồn vốn giải ngân từ 10-20%; 3 nguồn vốn giải ngân dưới 10%. Trong số 21 chủ đầu tư cấp thành phố, có 11 chủ đầu tư giải ngân đạt trên 20%, 6 chủ đầu tư giải ngân dưới 20% và 4 chủ đầu tư chưa giải ngân được vốn. Trong năm 2024, có tổng số 69 dự án được bố trí kế hoạch vốn. Có 7 dự án được bố trí kế hoạch vốn trên 100 tỉ đồng, đã giải ngân đạt 26,03%. Trong đó, có 3 dự án giải ngân trên 20%, đặc biệt là dự án cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, (dự án thành phần 2) đoạn qua TP Cần Thơ giải ngân đạt 50,37%; có 3 dự án giải ngân dưới 20%, dự án đường Vành đai phía Tây mới giải ngân đạt 0,16%; còn 1 dự án chưa giải ngân…
Theo đánh giá của thành phố, mặc dù, giá trị giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng năm 2024 tăng về giá trị và tỷ lệ so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa bền vững. Vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức, chưa đạt yêu cầu đã đề ra như số vốn tạm ứng chiếm tỷ lệ cao (trên 50%) trong tổng số vốn giải ngân; kế hoạch vốn còn lại chưa giao chi tiết hơn 1.664 tỉ đồng (ngân sách địa phương 1.441 tỉ đồng, ngân sách Trung ương 223 tỉ đồng).
Ông Võ Nhựt Quang, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng luôn là khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện các dự án cần giải phóng mặt bằng. Ðiển hình như dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị; đường Vành đai phía Tây thành phố; đường tỉnh 918 (giai đoạn 2); xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 917, 923... Giá nguyên vật liệu tăng cao cùng với phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng dẫn đến vượt tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến việc thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư. Từ đó, làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, không đủ mặt bằng giao cho các đơn vị thi công, chậm tiến độ thực hiện dự án cũng như khả năng chậm hoặc không thể giải ngân theo kế hoạch đề ra. Ðây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc cân đối vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố...
Đồng bộ giải pháp
Thành phố xác định nhiệm vụ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tập trung triển khai thực hiện, phấn đấu đảm bảo tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch được giao.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai thi công nhiều công trình trọng điểm do thành phố và huyện thực hiện. Huyện Vĩnh Thạnh đề ra lộ trình giải ngân vốn đầu tư công cụ thể, đến ngày 30-5-2024 giải ngân đạt từ 15-20%; đến ngày 30-6-2024 đạt từ 25-55% và đến ngày 31-1-2025 đạt từ 95% trở lên theo kế hoạch vốn được giao. Ông Ðoàn Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Huyện tiến hành rà soát, thực hiện ngay công tác chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà thầu theo quy định pháp luật, đặc biệt là dự án khu tái định cư. Ðồng thời, tăng cường công tác phối hợp, có kế hoạch, biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thi công. Khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thực hiện thủ tục thanh toán vốn cho các dự án ngay sau khi có khối lượng hoàn thành và được nghiệm thu theo quy định. Ðôn đốc các đơn vị thi công liên hệ nhiều nguồn cung cấp cát san lấp và đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Mặt khác, vận động, thuyết phục các trường hợp khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho dự án…
Ðể thực hiện có hiệu quả vốn giải ngân đầu tư công, ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Cần Thơ đề xuất: HÐND, UBND thành phố tăng cường công tác kiểm tra giám sát, nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công các dự án lớn của thành phố; chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ðối với công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các địa phương cần tích cực thông tin tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng để sớm triển khai dự án. Các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với UBND quận, huyện, trung tâm phát triển quỹ đất để sớm hoàn thành việc đo đạc, kiểm kê, bồi thường áp giá, đảm bảo công khai và công bằng nhằm tạo sự đồng thuận cao của người dân trong thu hồi đất thực hiện dự án…
Ông Võ Nhựt Quang đề nghị: UBND thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện phân công nhiệm vụ và yêu cầu trách nhiệm công việc rõ ràng đối với từng cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đã bố trí. Giám sát chặt chẽ, hiệu quả quá trình tổ chức thi công; đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhất là những dự án sắp hết thời gian thực hiện, các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn ngân sách Trung ương, các dự án trên địa bàn Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Phong Ðiền. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy định, đảm bảo chất lượng và hiệu quả trong công tác đấu thầu; thực hiện đúng quy định lộ trình đấu thầu qua mạng…
Ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, chủ dự án, quản lý dự án tiếp tục thực hiện nghiêm những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Đồng thời, phối hợp, có phân công, phân nhiệm cụ thể giữa các sở, ngành, UBND quận, huyện, chủ đầu tư trong lập, thẩm định, trình phê duyệt, đảm bảo kế hoạch vốn cho triển khai thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, không để nợ đọng xây dựng cơ bản. Kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân làm chậm trễ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện ngay điều chuyển cán bộ, công chức khi cần thiết. Chủ tịch UBND thành phố giao giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp hiệu quả trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn, tham mưu UBND thành phố chỉ đạo thực hiện. Nhất là các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường nguồn lực cho các đơn vị có khối lượng công việc lớn, khối lượng tồn đọng nhiều. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công, kịp thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo hiệu quả, trong đó bao gồm việc tham mưu điều chỉnh kế hoạch vốn kịp thời. Giám đốc Sở Xây dựng và các sở có xây dựng chuyên ngành tăng cường phối hợp, tập trung thực hiện, giải quyết hồ sơ, thủ tục, tạo điều kiện giải quyết nhanh các nội dung do các chủ đầu tư trình thẩm định, phê duyệt, cũng như phối hợp giải quyết các kiến nghị của các chủ đầu tư. Chủ tịch UBND quận, huyện chủ động phối hợp, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư...
Bài, ảnh: T. TRINH