04/04/2024 - 22:10

“Cuộc đảo chính ngoại giao” của ông Prabowo 

Chuyến thăm Trung Quốc và Nhật Bản của Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto được giới phân tích coi là một “cuộc đảo chính ngoại giao lớn” và là dấu hiệu cho thấy mục tiêu của ông Prabowo là tăng cường quan hệ an ninh giữa Jakarta với Tokyo trong khi vẫn duy trì quan hệ kinh tế tốt đẹp với Bắc Kinh.

Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida trong cuộc gặp hôm 3-4. Ảnh: EPA-EFE

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, sau chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Bắc Kinh theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Prabowo hôm 3-4 đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara tại Tokyo. Thủ tướng Kishida cho biết chuyến thăm cho thấy ông Prabowo coi trọng Nhật Bản, người bạn “lâu năm” của Indonesia.

SCMP cho hay, 2 ông Kishida và Prabowo đã thảo luận các vấn đề khu vực như tình hình ở Biển Hoa Ðông và Biển Ðông. Phát biểu sau cuộc gặp, Thủ tướng Kishida tuyên bố Nhật Bản mong được hợp tác chặt chẽ với Indonesia. “Trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, chúng tôi mong muốn thúc đẩy quan hệ và hợp tác song phương trong các vấn đề khu vực và quốc tế” - ông Kishida nói thêm. Bộ trưởng Kihara nhấn mạnh Nhật Bản “phản đối bất kỳ sự thay đổi hiện trạng đơn phương nào bằng vũ lực cũng như bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng ở Biển Ðông”. Ông Kihara cũng cho biết ông muốn duy trì và nâng cao một “Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” dựa trên thượng tôn pháp luật cùng với Indonesia.”Thủ tướng Kishida tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ đóng góp cho sự phát triển của Indonesia thông qua hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, đồng thời hỗ trợ nỗ lực của Indonesia trong quá trình gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)” - Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm 3-4 cho hay.

Về phần mình, ông Prabowo bày tỏ lòng biết ơn về sự hỗ trợ của Nhật Bản cho đến nay và hy vọng tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, gồm an ninh, nông nghiệp, thủy sản cũng như phòng chống thiên tai.

Thật ra, ông Prabowo không chỉ muốn tăng cường quan hệ an ninh với Nhật Bản. Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ðổng Quân hôm 2-4, ông Prabowo cho biết Indonesia “sẵn sàng tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng với phía Trung Quốc” và “liên tục thúc đẩy sự phát triển trong mối quan hệ giữa lực lượng vũ trang của 2 nước”. Trong chuyến thăm, ông Prabowo mô tả Trung Quốc là “đối tác mạnh mẽ” của Indonesia, đồng thời bày tỏ sẵn sàng tiếp tục “chính sách láng giềng thân thiện” của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo đối với Trung Quốc và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại và xóa đói giảm nghèo.

Tờ The Jakarta Post trong bài xã luận hôm 3-4 đã ca ngợi chuyến thăm Trung Quốc và Nhật Bản của ông Prabowo là một “cuộc đảo chính ngoại giao lớn” và xem đó là “bước đi rất tích cực trong việc đặt nền móng cho đấu trường ngoại giao lớn hơn mà ông sẽ điều hướng khi nhậm chức vào tháng 10”.

Trong khi đó, Lina Alexandra, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Indonesia cho rằng chuyến thăm Trung Quốc và Nhật Bản của ông Prabowo là “động thái mang tính biểu tượng”, báo hiệu đường hướng chính sách đối ngoại trong tương lai của ông mà theo đó ông có thể “tương tác với bất kỳ ai”. “Ông Prabowo phát đi tín hiệu rằng ông muốn có mối quan hệ cân bằng với tất cả các nước. Ông ấy muốn thể hiện “chính sách láng giềng thân thiện” ngay từ đầu” - bà Lina nhận định. Còn Ahmad Rizky Umar, giảng viên Trường Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế thuộc Ðại học Queensland (Úc), thì cho rằng chuyến thăm Trung Quốc và Nhật Bản cho thấy ông Prabowo muốn tăng cường năng lực phòng thủ của Indonesia đồng thời phát triển nền kinh tế quốc gia Ðông Nam Á này.

Tuy nhiên, Nur Rachmat Yuliantoro, trưởng khoa quan hệ quốc tế tại Ðại học Gadjah Mada (Indonesia) cho rằng chuyến thăm Nhật Bản là cách để ông Prabowo xích lại gần Mỹ. “Nhật Bản được coi là “gương mặt mạnh nhất” trong liên minh quốc phòng với Mỹ trong khu vực. Ông Prabowo có thể lợi dụng Nhật Bản để xích lại gần Mỹ hơn” - ông Nur Rachmat nói.

Nhìn chung, Jakarta và Bắc Kinh có mối quan hệ song phương chặt chẽ. Năm ngoái, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 của Indonesia với khoản đầu tư trị giá 7,4 tỉ USD, sau con số 15,4 tỉ USD của Singapore. Trong khi đó, Nhật Bản xếp thứ 4 với 4,6 tỉ USD.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết