07/07/2024 - 09:04

Chật vật tìm kế sinh nhai 

Frozan Ahmadzai là một trong 200.000 phụ nữ Afghanistan được chính quyền Taliban cho phép đi làm. Nhưng thay vì tập trung học để theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ, cô gái 33 tuổi lại đang làm thợ may và chế biến đồ ăn tại một tầng hầm ở thủ đô Kabul. Bởi Taliban cấm phụ nữ học đại học và loại họ khỏi nhiều vị trí công việc, bao gồm bác sĩ.

Những thợ may làm việc tại Trung tâm Doanh nghiệp Phụ nữ Afghanistan.

Phụ nữ Afghanistan hiện bị mất quyền tự do làm việc vào thời điểm mà nền kinh tế đất nước đang tồi tệ hơn bao giờ hết. Họ chỉ được phép làm một số ít công việc, trong đó có nghề may và chế biến thực phẩm. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Afghanistan là 14,8% vào năm 2021, thời điểm trước khi Taliban lên nắm quyền và áp đặt nhiều hạn chế hà khắc đối với họ. Trong số đó có việc cấm trẻ em gái học tiểu học, cấm phụ nữ đến nơi công cộng và phải tuân thủ các quy định khắt khe về trang phục. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ phụ nữ Afghanistan đi làm đã giảm xuống chỉ còn 4,8% vào năm 2023.

“Chúng tôi chỉ đang tìm cách trốn thoát” - Ahmadzai nói, ám chỉ công việc mà cô và các đồng nghiệp khác đang làm. Với họ, ít nhất nó là một bước đi ra khỏi việc bị “giam giữ” tại nhà. Nhưng lợi nhuận làm ra trong tầng hầm lại rất ít đối với cô và 50 đồng nghiệp. Những phụ nữ này cũng đối mặt với những vấn đề quen thuộc với người dân Afghanistan, đó là tiền thuê nhà và hóa đơn điện - nước cao. Họ phải sử dụng những chiếc máy may cũ kỹ, trong khi nguồn cấp điện không ổn định. Họ cũng không nhận được sự hỗ trợ nào từ ngân hàng hoặc chính quyền địa phương để có thể phát triển doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc được chính quyền Taliban cho phép đi làm đã là một thách thức đối với nhiều phụ nữ Afghanistan, dù theo luật thì quy trình cấp giấy phép lao động đều giống nhau đối với hai giới. Một phần nguyên nhân là vì Bộ Lao động và Xã hội  (chịu trách nhiệm cấp giấy phép lao động ở Afghanistan) cấm phụ nữ vào cơ quan của họ, mà thành lập văn phòng chỉ dành riêng cho phụ nữ ở nơi khác.

Bà Roza Otunbayeva - người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan (UNAMA) - nhận xét rằng Afghanistan dưới thời Taliban là quốc gia đàn áp quyền của phụ nữ nhất thế giới. Bà Otunbayeva cho biết trong khi Afghanistan cần phục hồi đất nước sau nhiều thập kỷ chìm trong chiến tranh, thì một nửa số bác sĩ, nhà khoa học, nhà báo và chính trị gia tiềm năng của nước này đã “bị nhốt trong nhà, giấc mơ của họ bị nghiền nát và tài năng của họ bị tịch thu”.

Trong khi đó, chính quyền Taliban có quan điểm khác. Theo người phát ngôn Bộ Lao động và Xã hội Samiullah Ebrahimi, họ đã cố cung cấp cho phụ nữ một môi trường làm việc “an toàn, đảm bảo và tách biệt” phù hợp với các giá trị Hồi giáo và truyền thống Afghanistan trong những lĩnh vực cần có nữ giới, như bán lẻ hoặc khách sạn. Phụ nữ nước này cũng không cần phải có bằng cấp để làm phần lớn các công việc được cho phép, như dọn dẹp, kiểm tra an ninh, thủ công mỹ nghệ, trồng trọt, may vá hoặc sản xuất thực phẩm.

Dẫu vậy, Ahmadzai cũng như nhiều phụ nữ khác cảm thấy đau lòng khi không thể sử dụng chuyên môn của họ.

Bà Salma Yusufzai, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Phụ nữ Afghanistan, thừa nhận đi làm dưới thời Taliban là một thách thức đối với nữ giới nước này. “Vì chúng tôi đang sống ở đất nước này nên chúng tôi phải tuân theo các quy định. Từ chỗ không có gì, tốt hơn là có một việc gì đó” - Yusufzai gượng gạo cười.

NGUYỆT CÁT (Theo AP)

 

Chia sẻ bài viết