23/07/2024 - 08:34

Người trẻ Trung Quốc dần từ bỏ công việc văn phòng 

Nhu cầu lao động phổ thông đang tăng vọt ở Trung Quốc khiến một bộ phận nhân viên văn phòng coi đây là “nơi trú ẩn” giúp họ thoát khỏi sức ép công việc tại các doanh nghiệp lớn.

Leon Li thoải mái sau khi nghỉ việc tại công ty lớn để tham gia ngành công nghiệp vệ sinh. Ảnh: CNN

Sống ở Vũ Hán, Leon Li từng làm ở bộ phận hành chính của một trong những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc. Tuy chức vụ khiêm tốn, nhưng cô phải làm việc suốt ngày đêm để hỗ trợ mọi nhu cầu của cấp trên. “Mỗi sáng khi chuông báo thức reo, tất cả những gì tôi thấy chỉ là tương lai buồn tẻ của mình” - Li cảm nhận về công việc. Từ bỏ sự nghiệp ổn định, Li xin nghỉ vào tháng 2 và hiện cô thấy thoải mái với công việc mới là nhân viên dọn dẹp nhà cửa.

Theo đài CNN, Li là một phần trong nhóm lao động ngày càng đông ở Trung Quốc tìm được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống khi chuyển từ công việc văn phòng áp lực cao sang ngành nghề lao động linh hoạt. Nhiều người thậm chí còn từng là nhân viên ở những công ty lớn nhất nước. Chẳng hạn như Alice Wang, từng làm việc cho một trong những nền tảng thương mại điện tử phát trực tiếp hàng đầu Trung Quốc. Dù thu nhập lên tới 96.310 USD/năm ở trung tâm công nghệ Hàng Châu, cô đã thôi việc từ tháng 4 và chuyển đến Thành Đô để theo nghề chải chuốt cho thú cưng.

Văn hóa làm việc “996” khét tiếng của Trung Quốc rất phổ biến ở các tập đoàn công nghệ lớn, công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp tư nhân. Những nơi áp dụng văn hóa khắc nghiệt này yêu cầu nhân viên làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần. Tranh cãi về văn hóa làm việc 996 không phải mới, nhưng nó đang trở thành động lực khiến nhiều nhân viên nghỉ việc ở Trung Quốc. Chia sẻ cảm giác mệt mỏi về thể chất và tinh thần với giờ làm quá dài, hầu hết người chọn nghỉ đều tự hỏi liệu có đáng để họ đánh đổi thời gian và sức khỏe cho mức lương cao hơn hay không. Ngoài áp lực công việc, chính bản thân các công ty cũng đang dần mất đi hấp dẫn với người lao động trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đối mặt nhiều thách thức.

Với xu hướng chuyển dịch lao động đang diễn ra, nền tảng tuyển dụng Zhaopin cho biết nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông theo đó cũng tăng cao. Cụ thể, trong khảo sát hồi tháng 6, Zhaopin phát hiện nhu cầu công việc giao đồ ăn, tài xế xe tải, bồi bàn và kỹ thuật viên tăng 3,8 lần trong quý 1 so với cùng kỳ năm 2019. Nhu cầu nhân viên giao hàng tăng nhanh nhất, lên tới 800%. Mức lương các ngành lao động chân tay hiện cũng được nâng lên, tạo động lực thu hút thêm nhiều ứng viên tốt vốn trước đó chỉ chú trọng các công việc chuyên môn. Theo khảo sát, mức lương trung bình hàng tháng của một nhân viên giao hàng đã tăng 45,3% kể từ năm 2019, từ 768 USD lên 1.116 USD.

Đối với sinh viên mới tốt nghiệp, công việc chân tay không phải lựa chọn hàng đầu. Nhưng giữa lúc kinh tế chậm lại, việc tìm việc trong thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh đang trở nên khó khăn hơn. Trong bối cảnh này, khảo sát cho biết số lượng người dưới 25 tuổi nộp đơn xin việc lao động chân tay trong quý I-2024 tăng 165% so với cùng kỳ năm 2019.

Với công việc dọn dẹp nhà cửa tự do 6 tiếng/ngày, Li cho biết cô đang có những trải nghiệm rất tích cực và không hối hận vì đã nghỉ việc văn phòng. Có thể làm những gì mình thích mà không chịu thêm bất kỳ áp lực tinh thần nào, Li nói thêm rằng mối gắn kết với khách hàng còn khiến cô cảm thấy mỗi buổi vệ sinh không chỉ là giao dịch kinh doanh.

Tuy nhiên, cũng có người tự hỏi liệu công việc tay nghề thấp thực sự không căng thẳng. Một video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây đã chứng minh mọi thứ có thể trở nên tệ hơn. Cụ thể, đoạn clip ghi lại cảnh một nhân viên pha chế ở Thượng Hải mất bình tĩnh trước lời đe dọa khiếu nại của một khách nữ. Trong cơn tức giận, người nhân viên đã ném bột cà phê vào khách, gây ra cuộc tranh luận trực tuyến về những khó khăn mà người lao động được trả lương thấp trong ngành dịch vụ phải đối mặt.

MAI QUYÊN

 

 

Chia sẻ bài viết