26/07/2024 - 17:15

Điều trị ngáy và hội chứng ngưng thở khi ngủ 

(CTO) - Khoảng 8,5% dân số Việt Nam mắc chứng ngưng thở khi ngủ, một căn bệnh có thể dẫn đến đột quỵ.

Hơn 300 bác sĩ đến từ 9 tỉnh, thành phía Nam tham dự chương trình. Ảnh: P.V

Đó là thông tin từ chương trình đào tạo CME “Phương pháp toàn diện điều trị ngáy và hội chứng ngưng thở khi ngủ” diễn ra tại TP Cần Thơ ngày 20-7-2024. Chương trình được tổ chức bởi Bệnh viện FV và Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ với sự tư vấn của Tập đoàn Y tế Thomson (Singapore).

Chương trình thu hút hơn 300 bác sĩ đến từ 9 tỉnh, thành phía Nam.

TS.BS Võ Công Minh, Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện FV phát biểu tại chương trình. Ảnh: P.V

Phát biểu tại sự kiện, TS.BS Võ Công Minh, Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện FV, nhấn mạnh: Ngưng thở khi ngủ có nguồn gốc từ nhiều nguyên nhân, bao gồm thay đổi lối sống, thừa cân, béo phì và các bệnh mãn tính khác. Do đó, điều trị tối ưu đòi hỏi một phương pháp đa ngành và nhiều mặt.

Theo đó, với chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, bệnh nhân nên được sàng lọc và đánh giá các vấn đề về đường thở trên bởi các chuyên gia tai mũi họng thông qua điện tâm đồ ngủ, được thực hiện trong vòng 12 tháng, hoặc khám và nội soi tai mũi họng toàn diện. Dựa trên kết quả sàng lọc, bác sĩ sẽ sử dụng chỉ số ngưng thở - giảm thở (AHI) để xác định xem bệnh nhân cần phẫu thuật hay điều trị nội khoa.

Một nguyên nhân khác gây ngưng thở khi ngủ có thể là cấu trúc xương hàm bất thường làm thu hẹp hoặc tắc nghẽn đường thở khi ngủ.

Theo TS.BS Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm Mặt - Nha khoa Bệnh viện FV, bệnh nhân có thể được kê đơn các thiết bị nha khoa để đưa hàm dưới về phía trước trong khi ngủ nhằm ngăn ngừa hàm dưới gây tắc nghẽn đường thở. Đối với trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể được khuyến cáo phẫu thuật bằng kỹ thuật cắt xương hàm trên và dưới, trong đó xương hàm trên và dưới được đưa về phía trước.

BS CKII Nguyễn Viết Quỳnh Thư, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện FV lưu ý rằng, béo phì là một yếu tố chính gây ra chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA): cứ tăng 10% cân nặng, nguy cơ mắc OSA tăng gấp 6 lần. Do đó, giảm cân là rất quan trọng và có thể giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của chứng ngưng thở khi ngủ bằng cách ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn và sử dụng thuốc nếu cần.

Trong trường hợp bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể cao và giảm cân thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục và thuốc không hiệu quả, có thể cân nhắc các phương pháp phẫu thuật như phẫu thuật nối dạ dày.

Tại sự kiện này, bác sĩ Barrie Tan, chuyên gia tai mũi họng của Bệnh viện Gleneagles (Singapore), đã trình bày về “Phẫu thuật tai nâng cao và cấy ghép thính giác - Công nghệ và xu hướng mới nhất”. Đồng thời cung cấp thông tin cập nhật về các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị rối loạn thính giác.

P.V

Chia sẻ bài viết