Ngày nay, chất làm ngọt nhân tạo và các chất thay thế đường được sử dụng rộng rãi trên thị trường thực phẩm, xuất hiện trong nhiều sản phẩm như nước ngọt dành cho người ăn kiêng, sữa chua ít đường và cả cà phê. Nhưng cuộc tranh luận về độ an toàn của các chất thay thế đường vẫn đang tiếp diễn.
Lạm dụng đường về lâu dài có thể gây hại cho sức khỏe.
Chất thay thế đường là gì?
Ðây là thuật ngữ dùng chỉ một loạt các chất tạo vị ngọt, không calo. Chúng có độ ngọt cao hơn đường thông thường từ hàng trăm đến hàng chục ngàn lần, vì vậy, chỉ cần dùng một chút là đủ để tạo vị ngọt cho thực phẩm. Nhờ ưu điểm đó, các chất thay thế đường thường được sử dụng trong nhiều loại thức ăn, nước uống gắn nhãn “không đường” và “ăn kiêng”, bao gồm nước tăng lực, kẹo cao su, kẹo ngọt... Nhiều chất thay thế đường cũng được bán dưới dạng sản phẩm độc lập, ở dạng bột hoặc dạng lỏng.
Dựa trên cách sản xuất mà các chất thay thế đường được phân loại thành nhóm khác nhau, như:
+ Chất làm ngọt nhân tạo. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, chất làm ngọt nhân tạo là phụ gia thực phẩm tổng hợp có độ ngọt cao gấp từ 200-20.000 lần so với đường thông thường. Kể từ những năm 1970, cơ quan này đã phê duyệt 6 loại chất làm ngọt nhân tạo gồm: aspartame, sucralose, saccharin, acesulfame kali, neotame và advantame.
+ Chất tạo ngọt từ thực vật và trái cây. Nhóm này được làm từ lá hoặc trái của một số loại cây nhất định và có độ ngọt hơn đường thông thường ít nhất 100 lần. Chúng bao gồm các chiết xuất từ cây cỏ ngọt và la hán quả. Còn chất tạo ngọt Thaumatin được làm từ trái katemfe ở Tây Phi.
+ Rượu đường. Ðây là một loại tinh bột - đường có vị ngọt, nhưng chứa ít calo hơn đường. Chúng có nhiều tên như sorbitol, xylitol, mannitol và erythritol và có trong một số rau quả như trái khóm, mận và nấm.
Lợi ích và nguy cơ sức khỏe
Tiến sĩ Maya Vadiveloo, chuyên gia dinh dưỡng tại Ðại học Rhode Island (Mỹ), cho biết việc chuyển sang chế độ ăn kiêng đường có thể giúp giảm cân một chút. Như trong một nghiên cứu năm 2022, dựa trên 12 thử nghiệm kéo dài ít hơn 6 tháng, các chuyên gia kết luận rằng việc thay thế đồ uống chứa đường bằng đồ uống chứa ít đường hoặc không chứa calo có thể giúp giảm trung bình từ 1-1,3kg ở người lớn thừa cân hoặc béo phì và người mắc bệnh tiểu đường (hoặc có nguy cơ mắc bệnh).
Nhưng các nghiên cứu dài hạn về các chất thay thế đường lại không phát hiện lợi ích giảm cân nào mà thậm chí tìm thấy một số tác hại đối với sức khỏe. Vì lý do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi năm ngoái đã khuyến nghị mọi người tránh sử dụng các chất thay thế đường để kiểm soát cân nặng hoặc để bảo vệ sức khỏe. WHO cũng dẫn bằng chứng cho thấy chúng có thể làm tăng nguy cơ khởi phát nhiều vấn đề sức khỏe như tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch, béo phì và tử vong sớm hơn. Rượu đường erythritol và xylitol cũng được phát hiện liên quan đến nguy cơ đau tim và đột quỵ cao hơn.
Theo bà Valisa E Hedrick, chuyên gia dinh dưỡng tại Ðại học Virginia Tech (Mỹ), rất khó để đưa ra kết luận chắc chắn về chất tạo ngọt nhân tạo từ các nghiên cứu về chế độ ăn uống và sức khỏe. Bởi những nghiên cứu này thường mang tính quan sát, nghĩa là chỉ liên kết việc tiêu thụ các chất thay thế đường với những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe, nhưng không thể chứng minh được mối quan hệ “nhân - quả”.
Mặc dù chưa thể khẳng định chắc chắn các chất thay thế đường có hại cho sức khỏe hay liệu một số chất thay thế đường có an toàn hơn những loại khác hay không, nhưng Tiến sĩ miễn dịch học Eran Elinav (Israel) cho biết việc dùng quá nhiều đường chắc chắn không tốt cho sức khỏe, vì có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim và béo phì. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo không nên tiêu thụ quá 25gr đường/ngày đối với nữ và không quá 36gr/ngày đối với nam.