25/07/2024 - 21:43

Chuyến công du trấn an các đồng minh châu Á 

Ngày 25-7, Ngoại trưởng Antony Blinken bắt đầu chuyến công du châu Á kéo dài 10 ngày, trong nỗ lực thể hiện cam kết mạnh mẽ của Washington đối với khu vực, giữa lúc hỗn loạn chính trị ở Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken. Ảnh: AFP

Daniel Kritenbrink, Trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Ðông Á và Thái Bình Dương, cho biết chuyến thăm các nước Lào, Việt Nam, Nhật Bản, Philippines, Singapore và Mông Cổ là một trong những chuyến công du nước ngoài dài nhất của ông Blinken cho đến nay và là chuyến công du thứ 18 của vị này tới Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi ở Lào, Ngoại trưởng Blinken dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề các hội nghị cấp khu vực.

Ðến ngày 28-7, Ngoại trưởng Blinken sẽ cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Tokyo tham dự cuộc đối thoại “2+2” với những người đồng cấp Nhật Bản. Hai bên sẽ tập trung vào việc thực thi các thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh ở Washington hồi tháng 4 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên sẽ là cải tổ cơ cấu chỉ huy và kiểm soát của lực lượng Mỹ tại quốc gia đồng minh này. Tại hội nghị khi đó, Washington và Tokyo đã công bố kế hoạch nâng cấp liên minh quân sự, bao gồm bộ chỉ huy quân sự của Mỹ tại Nhật và tăng cường hợp tác phát triển thiết bị phòng thủ, giữa lúc hai nước cùng lo ngại về Nga và Trung Quốc.

Theo Ely Ratner, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ và Nhật cũng sẽ thảo luận về tình hình lực lượng ở Nhật Bản, “đặc biệt là ở Quần đảo Tây Nam, để tìm cách mở rộng hợp tác tại đây”.

Quần đảo Tây Nam, theo cách gọi của Nhật Bản, là một chuỗi trải dài về hướng Tây Nam, từ vùng Kyushu của nước này đến Ðài Loan. Ðảo Yonaguni ở cực Tây chỉ cách Ðài Loan 110km và bất kỳ hoạt động gia tăng nào ở khu vực lân cận chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc chú ý.

Cũng tại Tokyo, ông Blinken sẽ tham dự cuộc họp Ngoại trưởng các nước Ðối thoại An ninh Bốn bên (QUAD hay còn gọi là Bộ tứ, gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Ðộ). Cuộc họp lần thứ 8 của các Ngoại trưởng QUAD sẽ mở đường cho hội nghị thượng đỉnh ở Ấn Ðộ trong năm nay.

Sau đó, hai ông Blinken và Austin sẽ tới Manila để tham gia đối thoại “2+2” với những người đồng cấp Philippines và hai bên sẽ thảo luận về các biện pháp duy trì an ninh ở Biển Ðông. Hai quan chức Mỹ cũng sẽ gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, Jr., nhằm “tìm kiếm thêm các giải pháp tận dụng động lực chưa từng có trong liên minh Washington - Manila”.

Trợ lý Kritenbrink đánh giá chuyến thăm châu Á của Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Austin nhằm mục đích trấn an các đồng minh và đối tác về sự ủng hộ của Mỹ, giữa lúc cuộc bầu cử tổng thống xứ cờ hoa đặt ra sự bất định về chính sách đối ngoại của Washington.

Tổng thống Biden gần đây tuyên bố sẽ không tái tranh cử và ủng hộ cấp phó Kamala Harris thay thế ông chạy đua vào Nhà Trắng vào tháng 11. Trước đó, ứng viên tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa đã thoát chết trong một vụ ám sát.

Tuy nhiên, khi được hỏi rằng Ngoại trưởng Blinken sẽ nói gì với các đồng minh về quyết định rút lui của ông Biden và điều đó có thể dẫn đến những thay đổi về chính sách hay không, ông Kritenbrink khẳng định thông điệp là Mỹ sẽ “tất tay ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương”. Vị này đồng thời viện dẫn các khoản đầu tư của Mỹ và sự ủng hộ lưỡng đảng ở Washington dành cho cách tiếp cập của chính quyền ông Biden đối với khu vực.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết