24/07/2024 - 12:28

Thể thao Cần Thơ tìm hướng đột phá từ những giải đấu quốc gia và quốc tế 

Những năm gần đây, các đội thể thao thành tích cao Cần Thơ được tạo điều kiện tốt nhất để tham gia thi đấu tại các giải trong nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế. Song song đó, Cần Thơ cũng đẩy mạnh việc đăng cai tổ chức nhiều giải đấu cấp quốc gia và quốc tế nhằm tạo cơ hội cho các VĐV thi đấu, cọ xát trên sân nhà, qua đó học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn.

Tăng cường cho VĐV tham gia thi đấu

Những ngày đầu tháng 7 này, đội bóng đá U13 Cần Thơ có hơn 10 ngày đóng quân tại Đắk Lắk để tham dự vòng chung kết Giải bóng đá Thiếu niên (U13) toàn quốc Yamaha Cup 2024. Đây là lần đầu tiên kể từ khi bóng đá Cần Thơ xây dựng lại các tuyến trẻ năm 2015 đến nay, đội U13 Cần Thơ giành được quyền tham dự vòng chung kết toàn quốc.

Cầu thủ U13 Cần Thơ (áo sáng) thi đấu tại vòng loại giải U13 toàn quốc.

Có 16 đội bóng có mặt tại Đắk Lắk, được chia thành 4 bảng, thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm, chọn hai đội xếp Nhất và Nhì mỗi bảng vào vòng trong. Đội U13 Cần Thơ nằm cùng bảng với các đội U13 Bắc Giang, Navy Phú Nhuận TP Hồ Chí Minh và SHB Đà Nẵng. Kết quả, các cầu thủ nhí Cần Thơ có 1 trận hòa, thua 2 trận, dừng bước ở vòng bảng. Tuy nhiên, với 30 cầu thủ nhí Cần Thơ, được tham dự giải toàn quốc là cơ hội bổ ích, giúp học hỏi, rèn luyện, trau dồi kỹ năng và quan trọng hơn là nuôi dưỡng ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Tại giải này, Ban tổ chức còn phối hợp với CLB Jubilo Iwata (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, công tác đào tạo, huấn luyện bóng đá U13 Yamaha Cup và Jubilo Iwata; Chương trình U13 Yamaha Cup học đá bóng cùng HLV Jubilo Iwata. Hai chương trình này góp phần làm cho giải đấu diễn ra chuyên nghiệp, chất lượng hơn, giúp Ban huấn luyện các đội bóng có cơ hội trao đổi, học hỏi thêm về công tác chuyên môn.

Cũng vào thời điểm này, tại Cần Thơ diễn ra Giải vô địch Cờ vua Trẻ xuất sắc quốc gia năm 2024 - tranh cúp Giga Gift. Hơn 455 VÐV của 32 đơn vị tỉnh, thành, ngành và CLB cờ trên toàn quốc đã đến Cần Thơ tham gia tranh tài. Với vai trò chủ nhà, đoàn Cần Thơ tham dự giải với 41 VĐV, trong đó 16 VĐV năng khiếu, 8 VĐV trẻ và còn lại là những VĐV đến từ các CLB trong thành phố. Các VÐV tranh tài nội dung cá nhân nam, nữ cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh và cờ chớp nhoáng ở 10 nhóm tuổi nam và nữ gồm U6, 7, 8, 9, 10, 11, 13, 15, 17, 20. Ðây là giải thường niên nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia, nhằm phát triển phong trào tập luyện và xây dựng lực lượng VÐV cờ vua trong thanh, thiếu niên và học sinh.

Các VĐV thi đấu tại Giải vô địch Cờ vua Trẻ xuất sắc quốc gia năm 2024.

Ngoài ra, từ ngày 18 đến 20-7, tại Cần Thơ cũng diễn ra Giải vô địch trẻ, vô địch các nhóm tuổi môn Thể dục dụng cụ quốc gia năm 2024. Có 5 đơn vị cử VĐV tham dự giải là Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Quân đội và chủ nhà Cần Thơ. Giải đấu là dịp để nâng cao thành tích thi đấu của các VĐV và xác nhận đẳng cấp VĐV trong năm 2024, cũng như đánh giá phong trào tập luyện và thi đấu môn Thể dục dụng cụ trong cả nước.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), trong 6 tháng đầu năm nay, Cần Thơ đã cử 68 HLV, 352 lượt VĐV (151 nữ) tham dự 36 giải thể thao, đạt 33 HCV, 39 HCB, 71 HCĐ. Cần Thơ tổ chức 7 giải thể thao cấp thành phố và quốc gia, bên cạnh các giải thể thao quần chúng. Nhờ tổ chức các giải đấu nên nhiều môn thể thao Cần Thơ có phong trào phát triển rất tốt như cờ vua, Vovinam, Karate, Jujitsu, Kurash...  Nhiều môn thể thao đã phát triển đầy đủ cả 3 tuyến năng khiếu, trẻ và tuyển, trở thành những thế mạnh của thể thao Cần Thơ. Việc tổ chức giải cũng tạo phong trào tập luyện sôi nổi tại các CLB bên ngoài, nhờ đó nguồn tuyển chọn năng khiếu dồi dào và chất lượng cao.

Vượt khó để vươn xa

Việc cử các đội thể thao tham gia các giải đấu và đăng cai tổ chức giải đấu tại địa phương luôn được ngành thể thao Cần Thơ quan tâm, đặc biệt trong vài năm gần đây. Ông Trương Công Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL TP Cần Thơ, cho biết: Sở luôn tạo điều kiện tối đa cho các đội thể thao tham gia tranh tài tại các giải đấu, nhất là khi được ra sân ở những đấu trường lớn, như vòng chung kết toàn quốc của đội bóng đá U13 vừa rồi. Thành tích này là một tín hiệu đáng mừng, một trải nghiệm quý cho cả thầy lẫn trò. Những cơ hội như vậy sẽ giúp các cầu thủ trẻ có sự nỗ lực hơn, còn Ban huấn luyện cũng được học hỏi nhiều hơn.

Đối với việc tổ chức các giải thể thao quốc gia hay quốc tế, địa phương cũng được nhiều lợi ích. Ông Quốc Việt phân tích: Thứ nhất là thúc đẩy phát triển phong trào thể thao tại địa phương, qua việc giới thiệu những nét đẹp, tinh túy của môn thể thao tại giải đó, khuyến khích người tham gia tập luyện nhiều hơn. Thứ hai, các VĐV của Cần Thơ có được cơ hội cọ xát ngay tại sân nhà. Với nguồn kinh phí còn hạn hẹp, chỉ một số VĐV trọng tâm, trọng điểm mới được cử đi tham gia thi đấu các giải ở địa phương khác. Thế nên, khi giải tổ chức trên sân nhà thì nhiều VĐV được tham gia thi đấu hơn. Tất cả các VĐV năng khiếu môn cờ vua và thể dục dụng cụ của Cần Thơ đều được tham dự giải quốc gia tại Cần Thơ trong tháng này. Được thi đấu trên sân nhà, các VĐV học hỏi kinh nghiệm trận mạc, bản lĩnh và tâm lý trong thi đấu. Thứ ba là Cần Thơ thu hút du khách nhiều hơn. Bởi bên cạnh thi đấu thể thao, VĐV và người thân đi theo cũng sẽ có những giây phút trải nghiệm về văn hóa, ẩm thực đất Cần Thơ. Có những môn thu hút rất đông khách du lịch. Ví như giải vô địch trẻ, các lứa tuổi môn cờ vua quốc gia năm ngoái, có hơn 4.000 VĐV tham dự, nhưng theo thống kê, số người đi theo du lịch lên đến 12.000 người.

Theo ông Trương Công Quốc Việt, hằng năm, Cần Thơ còn đăng cai tổ chức 3-4 giải thể thao quốc tế, giúp đội ngũ thể thao có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức và xử lý những vấn đề phát sinh. Vấn đề quan trọng nhất khi đăng cai tổ chức các giải đấu quốc gia và quốc tế là cơ sở vật chất có đáp ứng được yêu cầu chuyên môn hay không. Mới đây, UBND TP Cần Thơ đã chấp thuận chủ trương xây dựng đề án phát triển bóng đá trẻ Cần Thơ giai đoạn 2024-2030. Cốt lõi là tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn hiện nay đối với công tác đào tạo bóng đá trẻ. Một trong những vấn đề khó khăn nhất là cơ sở vật chất cho bóng đá hiện nay đang thiếu trầm trọng. Ông Quốc Việt cho rằng: “Cần Thơ thiếu sân cỏ tự nhiên cho các đội bóng đá tuyến U tập luyện. Tập trên sân cỏ tự nhiên sẽ rất khác với sân cỏ nhân tạo, giúp VĐV có cảm giác bóng tốt hơn khi thi đấu. Nhưng giờ muốn đầu tư mặt sân cỏ là khá nhiều tiền mà cần phải có địa điểm, quỹ đất tương ứng”.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất của thể thao Cần Thơ, theo ông Quốc Việt, là yếu tố con người. Trình độ ban huấn luyện và nguồn VĐV năng khiếu đầu vào là yếu tố quyết định thành tích của VĐV trong tương lai. Để một cầu thủ bóng đá từ khi vào tuyến năng khiếu (U11) trở thành cầu thủ giỏi (U20, 21) thì phải qua tập luyện gian khổ, khoa học hơn 10 năm; một số môn khác ít nhất cũng phải 5 năm khổ luyện thì mới thi đấu có thành tích. Vì vậy, không thể vội vàng “đốt cháy giai đoạn”, ngành thể thao Cần Thơ đang từng bước gỡ khó với những đề án phát triển thể thao thành tích cao, đề án phát triển bóng đá trẻ… Qua đó, thể thao Cần Thơ đề ra những kế hoạch phát triển từng môn trong từng giai đoạn cụ thể, nhằm đảm bảo sự ổn định, vững chắc trong tương lai.

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết