26/07/2024 - 21:13

Xây dựng chính quyền điện tử - hướng đến phục vụ người dân 

Xác định chuyển đổi số (CĐS), xây dựng chính quyền điện tử là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các cấp, các ngành TP Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Đồng thời, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực truyến (DVCTT); thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhằm phục vụ tốt nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Chuyên nghiệp hóa nền hành chính

TP Cần Thơ tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số và đã đạt, vượt nhiều chỉ tiêu đề ra. Theo đó, tất cả sở, ban, ngành, UBND quận, huyện đều thành lập Ban Chỉ đạo về CĐS; tất cả các xã, phường, thị trấn đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, đồng thời triển khai thiết lập mạng lưới hạ tầng hỗ trợ tổ công nghệ số cộng đồng từ cấp thành phố đến người dân thông qua 5 cấp nhóm trên nền tảng Zalo. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành góp phần chuyên nghiệp hóa nền hành chính, mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho cơ quan, đơn vị và người dân, doanh nghiệp.

Công chức UBND phường Long Hòa, quận Bình Thủy, tiếp nhận và xử lý hồ sơ của người dân qua phần mềm.

Cụ thể, đến nay, đã cấp 13.575 thư điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức (trong đó 7.075 hộp thư đang hoạt động). Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai 100% UBND cấp huyện và cấp xã, với hơn 130 điểm cầu phục vụ nhanh chóng, kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, đã triển khai Hệ thống thông tin báo cáo thành phố (tại địa chỉ https://baocao.cantho.gov.vn) phục vụ công tác thống kê báo cáo của UBND thành phố và tích hợp hệ thống xử lý các công việc chuyên môn của từng cơ quan, đảm bảo liên thông dữ liệu chuẩn xác, nhanh chóng và hiệu quả. 

Các đơn vị, địa phương đã và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy CĐS gắn với đặc thù từng lĩnh vực phụ trách. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, đơn vị đã ban hành kế hoạch về CĐS của ngành. Trong đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp CĐS trong lĩnh vực du lịch, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đặc biệt là triển khai ứng dụng “Du lịch thông minh” trên thiết bị thông minh. Hiện Sở đã nâng cấp ứng dụng theo hướng tăng cường kết nối, tra cứu thông tin và số hóa bản đồ 3D các điểm du lịch; đồng thời hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành du lịch và hệ thống phân tích phản hồi về du lịch Cần Thơ từ du khách. 

Các cơ quan, đơn vị thuộc UBND quận Bình Thủy cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các tiện ích từ nền tảng số đã được thành phố triển khai. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức trao đổi công việc qua hộp thư điện tử và phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Tính đến đầu tháng 7-2024, tỷ lệ văn bản được trao đổi dưới dạng điện tử của quận đạt trên 99%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết DVCTT đạt 79,4%; tỷ lệ hồ sơ đã thực hiện thanh toán trực tuyến đạt 69,21% (tất cả 8 phường phát sinh trên 4.000 hồ sơ thanh toán trực tuyến phí và lệ phí đối với 12 TTHC). 

Nhiều tiện ích phục vụ người dân

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của thành phố hiện đã kết nối với cơ sở dữ liệu về dân cư, đáp ứng yêu cầu phục vụ việc tra cứu, xác thực dữ liệu dân cư khi giải quyết các TTHC. Điều này giúp người dân không phải xuất trình hoặc nộp các bản sao có chứng thực giấy tờ công dân khi thực hiện các TTHC, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của người dân. Theo UBND thành phố, đến cuối tháng 6-2024, thành phố có 1.282 DVCTT một phần và toàn trình, trong đó có 227 DVCTT một phần và 1.055 DVCTT toàn trình. 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 69%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 55,26%, vượt tỷ lệ được Chính phủ giao (tối thiểu 45%). Thành phố cũng đã thiết lập 7 kênh tương tác với người dân, doanh nghiệp qua đường dây nóng, Cổng thông tin điện tử 1022, ứng dụng 1022, mạng xã hội (Zalo, Facebook) và trực tiếp tại Văn phòng UBND thành phố.

Các cơ quan, đơn vị triển khai nhiều phần mềm, ứng dụng thúc đẩy CĐS, tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết hồ sơ của người dân và doanh nghiệp. Điển hình như Sở Kế hoạch và Đầu tư đã mở rộng kênh kết nối phục vụ thực hiện TTHC của người dân dựa trên nền tảng mạng xã hội, triển khai trợ lý ảo giải đáp thắc mắc về thủ tục đăng ký doanh nghiệp, nhằm tạo thuận lợi, thân thiện và thu hút người dân tham gia giao dịch số trên môi trường mạng. Tại Cục Hải quan TP Cần Thơ, đơn vị đang vận hành, sử dụng 44 hệ thống, phần mềm ứng dụng nghiệp vụ hải quan, quản lý, do các bộ, ngành và nội bộ đơn vị triển khai; 100% văn bản đi của cơ quan, đơn vị trao đổi với các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố được gửi hoàn toàn dưới dạng điện tử.

Bên cạnh kết quả đạt được, qua đợt kiểm tra của đoàn kiểm tra cải cách hành chính TP Cần Thơ tại các cơ quan, đơn vị trong tháng 7-2024, cho thấy công tác CĐS còn một số hạn chế nhất định. Đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Bộ phận Một cửa một số cơ quan, đơn vị xuống cấp; các phần mềm, ứng dụng đôi lúc bị chậm, lỗi kỹ thuật mất nhiều thời gian xử lý; dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương chưa được đồng bộ đầy đủ, phần nào ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC của tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Ngoài ra, theo UBND thành phố, tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa trong giải quyết TTHC của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt thấp (6,56%). Nguồn nhân lực quản lý, triển khai CĐS trong các cơ quan còn thiếu và yếu, nhất là ở cấp xã; điều kiện tiếp cận công nghệ số, kỹ năng số của bộ phận người dân còn hạn chế; công tác thông tin, tuyên truyền chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức.

Thời gian tới, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, tăng cường hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện CĐS; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân và công chức về CĐS; phát huy vai trò Ban Chỉ đạo CĐS trong theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển chính quyền số. Đồng thời, tập trung thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC, làm tốt công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia sử dụng DVCTT; tích hợp dữ liệu tại các cơ quan, đơn vị về kho dữ liệu của thành phố phục vụ chia sẻ cho các cơ quan, đơn vị; khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin quản lý, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ tốt công tác quản lý của các cơ quan, đơn vị.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết