Xác định liên kết vùng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch, kết nối mở rộng thị trường khách nội địa, mới đây, Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum và các tỉnh, thành khu vực ÐBSCL đã gặp gỡ giao lưu, trao đổi những nội dung liên kết, mở ra cơ hội hợp tác, phát triển du lịch vùng.
Các doanh nghiệp gặp gỡ giao lưu tại hội nghị liên kết vùng giữa Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Ảnh: KIỀU MAI
Tiềm năng liên kết
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, cho biết: “Miền Bắc và ÐBSCL đều là những khu vực trọng điểm trong thị trường khách nội địa. Do đó việc liên kết giữa các vùng là phù hợp và cần thiết. Liên kết giữa các địa phương sẽ giúp mở rộng thị trường khách”. Thực tế, các tỉnh, thành ÐBSCL đã thiết lập nhiều liên kết với các tỉnh, thành, khu vực trên cả nước để tạo kết nối, thúc đẩy phát triển du lịch, như liên kết giữa 13 tỉnh, thành ÐBSCL với TP Hồ Chí Minh, liên kết giữa các tỉnh, thành ÐBSCL với khu vực Tây Bắc, liên kết giữa các tỉnh, thành ÐBSCL với Hà Nội…
Bà Ðặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, chia sẻ: “Những năm qua, Sở Du lịch Hà Nội và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) các tỉnh, thành vùng ÐBSCL luôn đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ các liên kết du lịch. Cụ thể, năm 2022, chúng tôi đã tổ chức chuyến famtrip đầu tiên sau dịch COVID-19 và địa điểm được lựa chọn chính là miền Tây Nam Bộ. Trong đó, các sản phẩm tour dừa Bến Tre, du lịch cộng đồng cồn Chim - Trà Vinh, homestay Út Trinh - Vĩnh Long… đều tạo ấn tượng. Nhiều đơn vị lữ hành Hà Nội đã kết nối và đưa lượng lớn khách về ÐBSCL trong những năm qua. Có thể khẳng định du lịch miền Tây Nam Bộ thực sự rất hấp dẫn đối với du khách Hà Nội bởi văn hóa bản địa, con người hiền lành, mến khách và những sản phẩm du lịch sông nước đặc sắc”.
Nhìn một cách tổng quan, mỗi địa phương đều có bản sắc văn hóa khác biệt và điều đó làm nên sức hút trong du lịch. ÐBSCL là 1 trong 7 vùng trọng điểm du lịch của cả nước, có hệ thống tài nguyên du lịch đa dạng, độc đáo gắn liền với sông nước, miệt vườn, chợ nổi, biển đảo... Lợi thế này cho phép ÐBSCL hình thành nhiều loại hình du lịch đặc trưng: sinh thái, văn hóa, sông nước… Trong khi đó, Hà Nội, Ninh Bình thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Ðông Bắc, cũng là 1 trong 7 vùng trọng điểm du lịch. Hai tỉnh, thành này đều là những vùng đất đậm chất văn hóa với hệ thống di sản phong phú, phát triển đa dạng các loại hình du lịch độc đáo: lịch sử - văn hóa, tâm linh, sinh thái. Còn Kon Tum thuộc vùng Tây Nguyên, có thế mạnh về du lịch cộng đồng, văn hóa, sinh thái vùng núi đồi.
Trong liên kết vùng, mỗi địa phương cũng đã hình thành liên kết riêng. Cụ thể, Cần Thơ đã ký kết hợp tác liên kết với Hà Nội, Ninh Bình từ nhiều năm trước. Trong khi đó giữa Hà Nội, Ninh Bình và các tỉnh Tây Nguyên cũng có sự hợp tác cùng nhau phát triển du lịch. Do đó, việc mở rộng liên kết vùng sẽ càng hỗ trợ mối quan hệ hợp tác, thúc đẩy phát triển du lịch giữa các địa phương. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở VH,TT&DL TP Cần Thơ, cho rằng: “Ðây là dịp để các doanh nghiệp du lịch giao lưu, xây dựng mối quan hệ phát triển kinh doanh du lịch, đồng thời thắt chặt sự liên kết hợp tác, đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển du lịch giữa Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum với TP Cần Thơ nói riêng và các địa phương vùng ÐBSCL nói chung”.
Định hướng phát triển liên kết vùng
Thực tế, liên kết du lịch giữa các địa phương đã được kết nối, thực hiện trong nhiều năm qua, nhưng hiệu quả vẫn là bài toán cần được tiếp tục bàn thảo. Nhiều liên kết thực sự không phát huy hiệu quả, chỉ nằm trên những tờ ký kết. Vậy đâu là nút thắt cần được gỡ?
Nhiều địa phương nhìn nhận rằng, hoạt động liên kết vùng có hiệu quả thường chỉ dừng lại ở công tác quảng bá, xúc tiến, trong khi các vấn đề cốt lõi như xây dựng sản phẩm, cơ chế chính sách… vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Từ đó một số địa phương đã mạnh dạn làm mới. Bà Ðặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, nói: “Vấn đề Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác đang gặp phải là việc xây dựng sản phẩm chưa làm nổi bật được tính đặc trưng của địa phương. Hà Nội đang làm mới các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách”.
Trao đổi về việc xây dựng và định vị sản phẩm du lịch đặc trưng, bà Nhữ Thị Ngân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư du lịch Hà Nội, chia sẻ: “Mỗi địa phương sẽ có sự nhận diện khác biệt và đó là điều sẽ thu hút du khách. Chúng tôi cũng xác định Hà Nội có những khác biệt gì để làm nên những sản phẩm đặc trưng. Trong đó, có nhóm sản phẩm du lịch đặc thù Hà Nội gắn với bảo tồn di sản văn hóa”. Theo bà Nhữ Thị Ngân, có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù của Hà Nội đã chạm đến trái tim du khách, trong đó có 15 tour đêm độc đáo và sáng tạo, như tour tham quan Hỏa Lò về đêm, show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”… Trong khi đó, ông Vũ Tường Thái Bảo, Giám đốc Công ty Du lịch Tây Ðô Travel (Cần Thơ), cho biết: “Sản phẩm du lịch có yếu tố quan trọng trong thu hút khách. Trước đây, chúng tôi thường khai thác các sản phẩm du lịch truyền thống của Hà Nội, nhưng lần giao lưu này chúng tôi biết thêm nhiều sản phẩm mới, là cơ hội để xây dựng thêm liên tuyến sản phẩm mới. Ðể liên kết giữa các vùng hiệu quả, tôi cho rằng các địa phương cũng nên quan tâm đến các sản phẩm du lịch kết nối từ đường hàng không. Việc kết nối đường bay sẽ tạo ra nhiều thuận lợi về thị trường”.
Ðể liên kết vùng đi vào chiều sâu, bà Bạch Thị Mân, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Kon Tum, cho rằng: “Cần kết nối các giá trị đặc trưng để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù vùng, từng bước định vị thương hiệu du lịch vùng của cụm Tây Nguyên với các tỉnh phía Bắc, cụm Tây Nguyên với cụm ÐBSCL như là những điểm đến có giá trị và thú vị ở Việt Nam”. Ðồng quan điểm, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, cho rằng các địa phương cần xác định chiến lược phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tình hình mới, trong đó cần sự phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp du lịch nhằm xây dựng và triển khai các chương trình liên kết, phát triển du lịch. Qua đó, từng bước hình thành và phát triển các tour, tuyến, sản phẩm liên kết thực sự chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách trong nước và quốc tế.
Nhiều đại biểu cũng nhận định để liên kết vùng phát huy hiệu quả, cần chú trọng một số nội dung, giải pháp về xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch vùng giữa Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum và các tỉnh, thành ÐBSCL. Các địa phương cần quan tâm xây dựng chiến lược truyền thông riêng, quảng bá các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương; phối hợp hỗ trợ, tổ chức các đoàn famtrip, presstrip… khảo sát các điểm đến du lịch trên địa bàn. Quá trình xây dựng liên kết, cần quan tâm các sản phẩm du lịch gắn với các hãng hàng không để tăng tần suất các chuyến bay giữa các địa phương; cần có cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp vận chuyển, lữ hành và lưu trú cùng với các hãng hàng không xây dựng các gói sản phẩm ưu đãi, kích cầu du lịch nội địa. Ðẩy mạnh liên kết du lịch trên cơ sở tăng cường ứng dụng công nghệ số, xây dựng dữ liệu số về du lịch, gia tăng trải nghiệm đa dạng cho du khách.
Có thể thấy, liên kết vùng luôn là một trong những giải pháp được nhiều địa phương lựa chọn để thúc đẩy phát triển du lịch. Không chỉ đa dạng hóa hệ thống sản phẩm, liên kết vùng còn là tiền đề mở ra nhiều cơ hội kết nối thị trường, các cơ chế thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng thông qua du lịch.
ÁI LAM