24/07/2024 - 07:44

Cuộc chiến Ukraine làm bùng phát căng thẳng liên Triều 

Rủi ro đang gia tăng đáng kể trên Bán đảo Triều Tiên khi Bình Nhưỡng và Seoul ở 2 phe đối lập trong cuộc chiến ở Ukraine, trang tin Nikkei đánh giá dựa trên phân tích của giới chuyên môn.

Lãnh đạo Hàn Quốc, Ukraine và Nhật Bản gặp nhau tại lễ chào đón dành cho các đồng minh và đối tác NATO. Ảnh: Reuters

Với cuộc xung đột ở Đông Âu kéo dài sang năm thứ 3, Nga và Ukraine lần lượt hướng đến CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc để tìm kiếm hỗ trợ về đạn dược và vũ khí.

Trong khi cam kết tăng cường viện trợ an ninh, nhân đạo và tái thiết, Hàn Quốc đến nay không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Ngược lại, chính quyền Seoul và giới chức Mỹ cáo buộc Triều Tiên chuyển giao cho Nga hàng triệu quả đạn pháo. Cả Mát-xcơ-va và Bình Nhưỡng đều bác bỏ những thông tin này, nhưng tuyên bố sẽ hợp tác quân sự chặt chẽ hơn nữa. Hồi tháng 6, hai bên ký hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện nhân chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới quốc gia Đông Bắc Á. Điện Kremlin cho biết hiệp ước bao gồm điều khoản phòng thủ chung nếu một trong hai bên rơi vào “tình trạng chiến tranh”.

Theo các nhà phân tích quốc phòng, hiệp ước trên có thể hỗ trợ nhu cầu về đạn dược của Nga trong khi giúp Triều Tiên mở rộng thị trường xuất khẩu và được hỗ trợ đáng kể về mặt kỹ thuật cho các chương trình vũ khí trong nước. Bình Nhưỡng cũng có thể tận dụng hiệp ước quốc phòng mới với Nga để thuyết phục Trung Quốc lập liên minh quân sự 3 bên nhằm ngăn chặn hoạt động phối hợp của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Sun Yun tại Trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington cho rằng Bắc Kinh chưa có ý định này vì muốn “để ngỏ các lựa chọn”.

Về phần mình, Hàn Quốc lập tức phát cảnh báo tới Mát-xcơ-va việc vượt qua “lằn ranh đỏ” nếu cung cấp “vũ khí có độ chính xác cao” cho Triều Tiên. Tại cuộc họp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ở Washington cách nay 2 tuần, Hàn Quốc cũng đã nâng cấp quan hệ liên minh với Mỹ sau khi ký bản “Hướng dẫn răn đe hạt nhân và hoạt động hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên”. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết Seoul quyết tâm hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Nhật Bản để chống lại mối liên lạc quân sự của Triều Tiên và Nga.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên lập tức lên án thỏa thuận này, cáo buộc Seoul và Washington leo thang “mối đe dọa hạt nhân” và cảnh báo sẽ khiến liên minh quân sự trả “cái giá không thể tưởng tượng nổi”. Trước đó, Tổng thống Putin trấn an Hàn Quốc “không có gì phải lo lắng” về hiệp ước giữa 

Mát-xcơ-va với Bình Nhưỡng, nhưng ông cũng cảnh báo Seoul sẽ phạm “sai lầm rất lớn” nếu cung cấp vũ khí cho Kiev.

Mâu thuẫn gia tăng giữa EU và Hungary liên quan vấn đề Ukraine

Mâu thuẫn giữa Liên minh châu Âu (EU) và quốc gia thành viên là Hungary về vấn đề Ukraine càng trở nên nghiêm trong khi Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell thông báo EU sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo của các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên tại Brussels (Bỉ) thay vì tại thủ đô Budapest của Hungary, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU.

Kể từ khi đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên EU vào ngày 1-7, Thủ tướng Hungary Victor Orban đã thực hiện sáng kiến “sứ mệnh hòa bình”, theo đó ông gặp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, thăm Nga và Trung Quốc mà không nhận được đồng tình chung của EU, đồng thời chính quyền của Thủ tướng Orban cũng cáo buộc rằng chính sách của EU là “ủng hộ chiến tranh”.

MAI QUYÊN (Theo Nikkei, Yonhap)

Chia sẻ bài viết