Việc tìm thấy thi thể của 6 con tin ở Dải Gaza vào cuối tuần qua đã thổi bùng làn sóng biểu tình tại Israel, yêu cầu giới chức nhanh chóng giải cứu những người còn lại trong tay phong trào Hamas. Nhưng đến nay, vấn đề kiểm soát Hành lang Philadelphi vẫn là rào cản chính trong tiến trình đàm phán ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel - Hamas.
Hành lang Philadelphi nằm dọc theo biên giới phía Nam của Gaza với Ai Cập.
Ngày 2-9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tái khẳng định quyết tâm của Israel về việc kiểm soát Hành lang Philadelphi sau khi truyền thông nước này đưa tin Nội các Israel đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất duy trì lực lượng tại biên giới Gaza - Ai Cập trong thời kỳ hậu xung đột.
Ông Netanyahu một lần nữa bác bỏ những lời kêu gọi hạ thấp yêu cầu duy trì lực lượng tại hành lang này để đổi lấy thỏa thuận ngừng bắn, khi nói rằng kiểm soát “dây cứu sinh” của Hamas là điều quan trọng đối với Israel.
Về phần mình, Hamas tuyên bố chỉ chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với Israel nếu Tel Aviv rút quân hoàn toàn khỏi Hành lang Philadelphi - dải đất hẹp dài 14km nằm dọc theo biên giới phía Nam của Gaza với Ai Cập, bao gồm cửa khẩu Rafah.
Hành lang Philadelphi từ lâu đã nằm trong tâm trí của Thủ tướng Netanyahu. Ngay cả trước khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) giành quyền kiểm soát hành lang này hồi tháng 5 vừa rồi, ông cho rằng Tel Aviv có ý định quản lý khu vực biên giới Gaza - Ai Cập.
Để thay thế sự hiện diện của quân đội Israel ở khu vực biên giới này, các chuyên gia đã đề xuất những giải pháp công nghệ bao gồm giám sát và cảm biến mặt đất có thể kiểm soát hiệu quả các nỗ lực tái thiết các đường hầm mà Hamas dùng để tuồn vũ khí vào Gaza.
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy yếu tố quan trọng là sự thiếu vắng ý chí chính trị của Cairo nhằm trấn áp nạn buôn lậu ở phía Ai Cập đã gây ra nhiều vấn đề ở cả hai bên biên giới. Ở hậu trường, các nhà trung gian Ai Cập, Mỹ và Qatar cũng dốc sức đưa ra một giải pháp thay thế.
Khi giới lãnh đạo chính trị Israel đã xác định rằng Hành lang Philadelphi là thiết yếu cho an ninh, giờ đây thách thức đối với nước này là tìm giải pháp để bảo vệ hành lang.
Hamas đã kiểm soát Gaza trong hơn một thập kỷ, xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm hàng trăm kí-lô-mét đường hầm bên dưới, tên lửa, súng chống tăng và các thiết bị nổ tự chế.
Hiện nay, quân đội Israel có nhiều lợi thế ở Gaza với vô số công nghệ có thể giúp phát hiện các tay súng Hamas, như máy bay không người lái (UAV) và camera quang điện tử; công nghệ quân sự và quốc phòng của Israel sử dụng ngày càng nhiều trí tuệ nhân tạo.
Israel có mọi cách để bảo vệ lực lượng của mình ở Gaza. Tuy nhiên, lịch sử chỉ ra rằng bảo vệ một tuyến phòng thủ tĩnh là không hề dễ. Những bức tường dài, giống như những bức tường được Đế chế Đông La Mã hoặc Athens sử dụng, sẽ trở nên dễ bị tấn công theo thời gian.
Ngoài ra, ngay cả khi Israel không có ý định xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng ở Hành lang Philadelphi, thì việc bảo vệ biên giới cũng rất phức tạp. Israel có thể chọn sử dụng các phương tiện điều khiển từ xa và đặt các cảm biến trên và bên dưới mặt đất. Dù vậy, phần lớn những loại cảm biến này đã không ngăn chặn được vụ Hamas tấn công đẫm máu và bắt cóc con tin ở miền Nam Israel vào ngày 7-10-2023, nghĩa là chúng dễ bị tấn công.
Israel đồng ý rút quân khỏi một số khu vực dọc Hành lang Philadelphi?
Trong cuộc họp báo ngày 3-9, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby tuyên bố rằng đề xuất thỏa thuận trao đổi con tin mới nhất mà Israel đã đồng ý sẽ bao gồm việc IDF rút khỏi các khu vực đông dân cư dọc theo Hành lang Philadelphi trong giai đoạn đầu kéo dài 6 tuần.
Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Netanyahu khẳng định Tel Aviv phải duy trì sự hiện diện vô thời hạn dọc theo biên giới Gaza - Ai Cập. Theo tờ Times of Israel, giai đoạn hai của thỏa thuận yêu cầu Israel phải rút quân hoàn toàn khỏi Gaza.
|
HẠNH NGUYÊN (Theo Guardian, Jerusalem Post)