Trong nhiệm kỳ hai làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen tiếp tục theo đuổi giấc mơ cân bằng về giới trong đội ngũ các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU). Song, mục tiêu này hiện khó đạt được khi các yêu cầu của bà bị hầu hết nước thành viên phớt lờ.
Bà von der Leyen nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng về giới sau khi tái đắc cử Chủ tịch EC.
Năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Đức von der Leyen được bầu làm Chủ tịch EC, trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm cương vị này. EC là nhánh lập pháp của liên minh, chịu trách nhiệm đề xuất các dự luật trong khối, thực thi các hiệp định và đại diện cho lợi ích của EU trên chính trường thế giới.
Trong 5 năm của nhiệm kỳ đầu tiên, bà von der Leyen được ca ngợi là người tiên phong về bình đẳng giới khi thiết lập cân bằng giữa nam và nữ trong số 27 ủy viên EC. EU vì thế cũng được coi là nhóm quốc gia tiến bộ nhất trong vấn đề giới mặc dù tới cuối những năm 1980, quyền lãnh đạo EU vẫn là “câu lạc bộ” dành riêng cho nam. Sau khi tái đắc cử chức Chủ tịch EC vào tháng 7, các nỗ lực phá vỡ rào cản thể chế tiếp tục được bà von der Leyen thúc đẩy, trước mắt là trong tiến trình lập nhóm làm việc cho nhiệm kỳ tới.
Thế khó của Chủ tịch EC
Được biết, mỗi nước EU nhận được hướng dẫn đề cử một nam và một nữ ứng cử viên. Tuy thời hạn đã qua, yêu cầu của bà von der Leyen bị phớt lờ hoàn toàn khi có 17 quốc gia chỉ đề cử nam giới mà không có ứng cử viên nữ nào.
“Chúng tôi đã đề cử ứng cử viên có trình độ cao nhất, với tôi đó mới là tiêu chí quan trọng” - Ngoại trưởng Ireland Micheál Martin lý giải. Chỉ có Bỉ, Croatia, Estonia, Phần Lan, Đức, Bồ Đào Nha, Romania, Tây Ban Nha và Thụy Điển đề cử nữ trong khi Bulgaria đề cử một nam và một nữ.
Nhiệm kỳ trước, bà von der Leyen thành công giảm tỷ lệ mất cân bằng nội bộ xuống còn 14 nam và 13 nữ. Nếu theo danh sách hiện nay, EC nhiệm kỳ tới sẽ có 21 quan chức là đàn ông, mức độ “nam trị” chưa từng thấy trong hơn 20 năm qua.
Trong nhiệm kỳ trước, sự lãnh đạo của bà von der Leyen để lập ủy ban làm việc cân bằng về giới tính được đánh giá là một bước đột phá. Nó đặt ra tiêu chuẩn mới cho công tác quản lý trong EU, cũng như hình ảnh mà khối này thể hiện qua các giá trị như hòa nhập và đa dạng trên bình diện quốc tế. Song, hành vi “gây sốc” của các nước thành viên mới đây lại phần nào nói lên sự thiếu ý chí chính trị và suy giảm tôn trọng quyền phụ nữ ở tầng lớp cấp cao EU. Đây không chỉ là ý kiến mà còn về vấn đề chính sách và quyền lực thực sự.
Giới phân tích cho biết, vấn đề đối với bà von der Leyen hiện nay là không có nhiều lựa chọn để buộc các quốc gia thành viên cùng đạt mục tiêu bình đẳng giới. Một trong những giải pháp bà có thể chọn là phủ quyết những người được đề cử, nhưng đó là điều chưa từng có và cần lý do chính đáng. Động thái kiên quyết như vậy cũng bị cảnh báo khơi mào mâu thuẫn giữa EC với chính phủ các nước thành viên, gây khó cho việc hợp tác trong 5 năm tới.
Cũng có ý kiến cho rằng Chủ tịch von der Leyen nên nêu quan điểm và yêu cầu các nước bổ sung ứng viên, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu bà có muốn như vậy hay không vì điều này sẽ làm chậm việc thành lập Ủy ban châu Âu mới.
Thuyết phục hậu trường
Chủ tịch von der Leyen chưa công khai bình luận việc các yêu cầu của bà bị phớt lờ. Nhưng theo người phát ngôn của EU Arianna Podesta, bà vẫn đang làm mọi thứ trong khả năng để có nhóm làm việc cân bằng về giới cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Thay vì tham gia các cuộc đấu khẩu công khai, bà dường như đang vận động sau hậu trường để thuyết phục các nước thành viên. Chẳng hạn như trường hợp Romania, nước này đã đổi ứng cử viên nam thành phụ nữ vào phút cuối. Trước đó, truyền thông địa phương tiết lộ Chính phủ Malta đã chịu áp lực từ Chủ tịch EC để thay đổi người được đề cử.
Ngoài ra, bà von der Leyen trong những tuần tiếp theo có thể gửi thông điệp tới các nước EU thông qua thực tế phụ nữ đang được trao những vị trí quyền lực hơn trong khối. Được biết, một trong những ghế quan trọng nhất là đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh đang do phụ nữ đảm nhiệm, cụ thể là Thủ tướng Estonia Kaja Kallas khi bà được chọn thay nhà ngoại giao Tây Ban Nha Josep Borrell hồi tháng 6. Hồi tháng 7, nữ chính trị gia người Malta Roberta Metsola cũng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 trong cuộc bầu cử chủ tịch Nghị viện châu Âu.
Hiện Tổ chức Vận động Phụ nữ châu Âu hy vọng Nghị viện châu Âu, vốn có quyền phủ quyết các đề cử nhưng không đề xuất các ủy viên, sẽ thể hiện tiếng nói của mình. “Chúng tôi tin tưởng bà von der Leyen và Nghị viện châu Âu sẽ chứng minh cho các quốc gia thành viên thấy rằng ban lãnh đạo EU không còn là câu lạc bộ của nam giới nữa”, người phát ngôn Mirta Baselovic của Tổ chức Vận động Phụ nữ châu Âu bày tỏ.
MAI QUYÊN (Theo AP, DW)