15/08/2024 - 21:00

Mỹ “khoe” tên lửa có tầm bắn xa nhất thế giới 

Gần đây, Mỹ gây bất ngờ khi sử dụng tên lửa SM-6 phóng từ tàu chiến để trang bị cho tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet của hải quân. Đây là tên lửa không đối không tầm xa nhất thế giới, vượt trội đáng kể so với các tên lửa của Nga và Trung Quốc.

Tên lửa XAIM-174B trên tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet. Ảnh: The War Zone

Phiên bản mới của SM-6 dành cho chiến đấu cơ mang tên XAIM-174B. Một nhiếp ảnh gia đã chụp được bức ảnh tiêm kích Super Hornet mang theo 2 tên lửa XAIM-174B trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) tại Hawaii kết thúc hồi tháng 7. Hải quân Mỹ xác nhận tên lửa XAIM-174B được triển khai để tham gia hoạt động với các hạm đội, nghĩa là nó đã sẵn sàng khai hỏa trong chiến đấu.

XAIM-174B có ba lợi thế lớn: tầm bắn xa gấp 3 lần so với lựa chọn tốt thứ hai của Mỹ là tên lửa AIM-120 AMRAAM, không yêu cầu dây chuyền sản xuất mới và tương thích với máy bay của ít nhất một đồng minh là Úc. Úc cũng có F/A-18E/F Super Hornet.

SM-6 được chế tạo cho tàu chiến của Hải quân Mỹ, có tầm bắn lên tới 442km. Trong khi đó, tên lửa không đối không tầm bắn xa nhất của Trung Quốc là PL-15 chỉ có 250km. Các quốc gia châu Âu, vốn không có khả năng tiếp cận công nghệ tàng hình cho đến những năm gần đây, đã phát triển tên lửa Meteor với tầm bắn 200km.

Tên lửa không đối không ưu việt

“SM-6 là tên lửa 3 trong 1. Đây là vũ khí duy nhất có thể thực hiện nhiệm vụ tác chiến phòng không, tác chiến chống tàu mặt nước, phòng thủ tên lửa đạn đạo hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác trên biển”, Raytheon, tập đoàn sản xuất SM-6, thông báo.

Việc loại bỏ bộ tăng áp MK72 đã biến XAIM-174B thành tên lửa không đối không ưu việt. Giới phân tích cho rằng nhiều khả năng phiên bản mới không sử dụng MK72 vẫn giữ được tốc độ Mach 3.5 (gần 4.200km/h) khi được phóng trong bầu khí quyển loãng hơn so với khu vực gần mặt đất.

Mặc dù có thể xuất kích từ tàu sân bay và được trang bị một số vũ khí tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Mỹ, song chiến đấu cơ Super Hornet không thể tấn công mục tiêu trên đất liền, trên biển hoặc ở khoảng cách xa với tốc độ gần như siêu thanh, cho đến khi tên lửa XAIM-174B ra đời.

Với tầm bắn “khủng”, XAIM-174B giúp Super Hornet bay ở khoảng cách đáng kể, tránh xa mạng lưới phòng không của đối phương. XAIM-174B có khả năng hạ gục nhiều loại máy bay, như máy bay cảnh báo sớm, trinh sát và tuần tra trên biển, tiếp nhiên liệu trên không và oanh tạc cơ ở khoảng cách cực xa. Khi được phóng nhanh từ độ cao lớn, XAIM-174B có thể phá hủy tàu chiến, thậm chí tên lửa đạn đạo của đối phương đang bay tới ở khoảng cách xa hàng trăm km.

Ước tính SM-6 có giá khoảng 4 triệu USD/tên lửa, so với 1 triệu USD của AMRAAM.

Việc cải tiến SM-6 để lắp trên máy bay chiến đấu không gặp nhiều khó khăn bởi Mỹ đã có sẵn dây chuyền sản xuất tên lửa này. Ngoài ra, hải quân nước này cũng nắm rõ khái niệm về hoạt động hoặc cách sử dụng tên lửa, nên không mất nhiều thời gian làm quen với phiên bản mới.

Sau khi loại bỏ máy bay F-14 Tomcat và tên lửa AIM-54 Phoenix vào năm 2004, quân đội Mỹ thiếu trầm trọng các tên lửa có tầm bắn khoảng 200km. Để lấp đầy khoảng trống này, Washington đã điều chỉnh tên lửa phòng không phóng từ tàu chiến thành phiên bản phóng từ máy bay. Cuộc xung đột Nga - Ukraine và nhu cầu cung cấp vũ khí cho Kiev cũng đã dẫn đến nhiều cải tiến tương tự với khí tài quân sự của Mỹ. Chẳng hạn như tên lửa HARM, được thiết kế từ thời Chiến tranh Lạnh để săn lùng radar phòng không của Liên Xô, đã được hoán cải để trang bị cho các tiêm kích Su-27 Flanker và MiG-29 Fulcrum cũ của Không quân Ukraine.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết