Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT). Những cách làm hay, thiết thực của các địa phương đã mang lại hiệu quả tích cực.
Cộng tác viên tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT ở xã Giai Xuân (bên trái) tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.
Là lao động tự do, khi được vận động, tuyên truyền về quyền, lợi ích, ý nghĩa của chính sách BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện, chị Lê Thị Thanh Tâm ở xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ đã tiết kiệm chi tiêu hằng ngày để tham gia cả 2 loại hình bảo hiểm. Chị Tâm cho biết: “Khi bị ốm đau, bệnh tật mới thấy BHYT quan trọng đến mức nào bởi số tiền tham gia không đáng kể, nhưng quyền lợi thụ hưởng rất lớn, có khi lên đến cả tỉ đồng, giúp người bệnh có điều kiện điều trị đến nơi đến chốn. Còn mục đích tôi tham gia BHXH tự nguyện là tiết kiệm để an hưởng tuổi già. Tôi là lao động tự do, đến khi về già, không còn lao động được nữa thì BHXH là “phao cứu sinh” giúp tôi ổn định cuộc sống, không phụ thuộc vào con cháu”.
Xã Ðông Hiệp là điểm sáng trong việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Hằng năm, UBND xã tham mưu và đưa chỉ tiêu này vào nghị quyết của Ðảng ủy, HÐND xã. Theo ông Phạm Văn Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Ðông Hiệp, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT xã xác định tập trung vào các đối tượng có khả năng tham gia BHXH tự nguyện, như các hộ buôn bán trên địa bàn vì có thu nhập hằng ngày; gia đình có con đi nước ngoài; gia đình có ruộng đất và vườn nhiều, đối tượng này tập trung vận động tham gia, đóng theo mùa vụ, 3 tháng, 4 tháng…”. Với những cách làm trên, năm 2023, xã Ðông Hiệp thực hiện đạt 107% chỉ tiêu về BHXH tự nguyện. Từ đầu năm 2024 đến nay, xã đạt hơn 90% chỉ tiêu về BHXH tự nguyện…
Từ ngày 1-7-2024, thực hiện Nghị định số 75/2024/NÐ-CP của Chính phủ về tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng mỗi tháng, đã tạo niềm vui, sự phấn khởi và là động lực lớn đối với người lao động có việc làm ổn định. Tuy nhiên, khi mức đóng BHYT tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động tự do, do thu nhập bấp bênh, không ổn định lại là nỗi lo của nhiều địa phương. Bên cạnh đó, một bộ phận nhỏ người dân còn tư tưởng chỉ mua BHYT khi có bệnh. Trước tình hình đó, tại xã Giai Xuân, huyện Phong Ðiền, UBND xã tập trung chỉ đạo cán bộ các ban, ngành, đoàn thể phối hợp MTTQVN và các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông, vận động phát triển và duy trì số người tham gia BHYT theo nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT ở xã Giai Xuân đạt hơn 75% dân số. Ông Huỳnh Việt Cường, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Giai Xuân, cho biết: “Ðể hoàn thành chỉ tiêu năm 2024, Thường trực Ðảng ủy đã chỉ đạo hệ thống Dân vận, Mặt trận và đoàn thể xã rà soát trong đoàn viên, hội viên và người thân của đoàn viên, hội viên để tiếp tục vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. Ðồng thời, từng ấp thực hiện chia tổ nhỏ, vận động trực tiếp trên danh sách quản lý của ấp đối với những trường hợp đến hạn nhưng chưa tái tục và người chưa tham gia bảo hiểm. Cập nhật, theo dõi danh sách người tham gia trên từng file riêng của ấp quản lý để nắm bắt việc tăng giảm và có kế hoạch vận động người dân khi thẻ đến hạn…”.
Ðể người dân hiểu rõ chính sách BHYT hộ gia đình và BHXH tự nguyện, ngành BHXH TP Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, đoàn viên, hội viên tham gia. Ðồng thời, công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT được thực hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về số liệu, kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT; tăng cường vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện tại các chợ, các cụm dân cư... nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa trong nhân dân.
Bài, ảnh: CHẤN HƯNG