06/09/2024 - 08:33

Cần Thơ trong mối liên kết phát triển du lịch vùng ÐBSCL 

Trong quy hoạch và phát triển du lịch ĐBSCL, Cần Thơ được xác định có vai trò trung tâm kết nối du lịch vùng. Nhiều năm qua, Cần Thơ đã trở thành cầu nối quan trọng trong phát triển du lịch ĐBSCL dù đối mặt không ít khó khăn.

Sản phẩm khám phá đường sông bằng cano tại Cần Thơ.

Vai trò và thách thức

Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 509/QĐ-TTg ngày 13-6-2024 (Quy hoạch) có xác định phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các đô thị trung tâm: Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Bên cạnh đó, 8 khu vực động lực phát triển du lịch theo Quy hoạch cũng được xác định, trong đó khu vực Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau tạo sự thúc đẩy phát triển du lịch toàn bộ vùng ĐBSCL, gắn kết phát triển du lịch với kinh tế ven biển thuộc hành lang kinh tế phía Nam. Như vậy, vai trò của Cần Thơ đã được xác định rất cụ thể và quan trọng trong kết nối, phát triển du lịch vùng ĐBSCL.

Trong những năm qua, Cần Thơ cũng xác định rõ vị thế, vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và thương mại của cả vùng. Theo đó, có nhiều công trình trọng điểm, hạ tầng giao thông được đầu tư và đi vào hoạt động, như Cầu Cần Thơ, Cảng Cái Cui, Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ… góp phần kết nối vùng hiệu quả, bao gồm cả du lịch. Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, nói: “Cần Thơ có lợi thế về hạ tầng giao thông, có hệ thống đường bộ, đường hàng không được đầu tư tốt góp phần tạo điều kiện cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, hoạt động du lịch hiện đang gặp khó bởi các chuyến bay kết nối với Cần Thơ đã bị cắt giảm nhiều, điều này làm đứt gãy thị trường khách”.

Thực tế, thời điểm trước dịch COVID-19, Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ có trên 10 tuyến bay kết nối các thị trường trọng điểm về du lịch trong nước và quốc tế, như Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Thái Lan… Nhưng về sau, nhiều tuyến đã bị cắt giảm, ảnh hưởng lớn đến việc kết nối thị trường. Đường bay được xác định không chỉ tạo kết nối về giao thương, vận chuyển giữa các địa phương mà còn thúc đẩy phát triển về du lịch. Khách đến ĐBSCL phần lớn thông qua Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ, đặc biệt là khách ở khu vực miền Bắc - thị trường nội địa trọng điểm của du lịch vùng ĐBSCL.

Trong nhiều cuộc họp hay hội nghị, vấn đề duy trì khai thác đường bay hiệu quả được đề cập nhiều lần. Một thực trạng nổi bật đáng quan tâm khiến các hãng bay khá e dè khi khai thác các tuyến bay từ Cần Thơ chính là các đường bay chỉ hiệu quả một chiều. Khách chỉ lấp đầy ở chiều đi từ Cần Thơ, còn chiều ngược lại gần như rất ít, nhất là với các đường bay quốc tế. Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, nhìn nhận: “Đường bay khó duy trì bởi vì sản phẩm của chúng ta thiếu sức hút, nhất là các chính sách về hỗ trợ, chào đón khách gần như rất ít ở khu vực ĐBSCL”. Tại các quốc gia phát triển về du lịch như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… hay các điểm đến trong nước như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, các đoàn khách lớn đều được tổ chức chào đón, du khách được cung cấp gói dịch vụ ưu đãi cực tốt. 

Ở Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung, các sản phẩm du lịch cũng bị đánh giá là “một màu” bởi hành trình khám phá thường gói gọn trong các trải nghiệm: đi chợ nổi, tham quan vườn cây, làng nghề, đờn ca tài tử, thưởng thức ẩm thực..., thiếu các sản phẩm du lịch về đêm để giữ chân du khách. Trong khi đó, Cần Thơ và ĐBSCL có thế mạnh về sông nước nhưng thực tế các sản phẩm về đường sông còn ít và chưa có liên kết tạo liên tuyến đặc trưng.

Hướng phát triển

Trong Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 có định hướng xây dựng sản phẩm du lịch, trong đó xác định Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, nổi trội theo vùng; hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng và tạo dựng thương hiệu du lịch vùng trên cơ sở tăng cường liên kết vùng; chú trọng gắn kết du lịch với công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế ban đêm.

Thực tế, trong những năm gần đây, các tỉnh, thành ở ĐBSCL cũng đã nhận ra những mặt chưa được, hạn chế trong các hoạt động du lịch, nhất là khâu xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng. Tiếp nhận ý kiến từ du khách, các địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch đã điều chỉnh, mạnh dạn làm mới sản phẩm. Nhiều tỉnh, thành đã từng bước tạo được sự khác biệt, dấu ấn riêng, chẳng hạn như Đồng Tháp khai thác sản phẩm từ sen và hoa, Vĩnh Long với các sản phẩm từ làng gạch… Riêng Cần Thơ, các sản phẩm từ đường sông cũng dần hình thành với sự đa dạng từ ghe, tàu đến cano, du thuyền… Hành trình khám phá cũng được mở rộng liên tuyến đến các tỉnh, thành lân cận: An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, TP Hồ Chí Minh… Ông Đỗ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch thám hiểm và sự kiện đồng bằng Mekong, cho biết: “Tiềm năng du lịch ĐBSCL rất lớn, nhất là các sản phẩm từ đường sông kết hợp trải nghiệm văn hóa bản địa. Chúng tôi hiện có các sản phẩm đường sông đa dạng đi từ Cần Thơ đến các cửa sông trên tuyến sông Mekong. Những sản phẩm này đều khác biệt, tạo dấu ấn riêng cho sản phẩm du lịch Cần Thơ và ĐBSCL”.

Trong định hướng quy hoạch phát triển du lịch của Cần Thơ, du lịch sông nước được xác định là một trong hai sản phẩm đặc thù. Theo đó, Cần Thơ sẽ phát huy thế mạnh sông nước, chú trọng xây dựng sản phẩm theo hướng trải nghiệm sinh hoạt của bà con thương hồ trên chợ nổi, cuộc sống của người dân gắn với ruộng vườn trên các cù lao và vùng đất ven sông… Do vậy, các sản phẩm sẽ được khai thác dựa trên lợi thế chợ nổi, hệ thống cồn, cù lao, hệ thống đường thủy dọc theo sông Hậu, sông Cần Thơ. Những điểm đến quan trọng như chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng), cồn Sơn (quận Bình Thủy), cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt) đều có những đề án, dự án riêng trong đầu tư và xây dựng sản phẩm du lịch. Bên cạnh phát triển các sản phẩm đặc trưng, Cần Thơ cũng định hướng xây dựng chiến lược phát triển các lễ hội văn hóa sông nước mang tầm khu vực, quốc gia và quốc tế. Đây là điểm nhấn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với loại hình du lịch đường sông Cần Thơ.

Phát huy vai trò đô thị trung tâm vùng, Cần Thơ chú trọng phát triển kinh tế đêm, trong đó lựa chọn Ninh Kiều là địa điểm quy hoạch các sản phẩm du lịch đêm. Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định Ninh Kiều (Cần Thơ) là 1 trong 61 địa điểm được quy hoạch phát triển trở thành Khu du lịch quốc gia. Khu du lịch quốc gia là những hạt nhân quan trọng để thu hút đầu tư theo hướng tập trung, hiệu quả, qua đó tạo thành những động lực phát triển du lịch cho các vùng, địa phương và có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho các điểm đến. Mặt khác, trong Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cần Thơ được xác định là 1 trong 12 tỉnh, thành tập trung xây dựng các mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Do đó, Ninh Kiều hiện là địa điểm có sự quy hoạch phát triển về du lịch sông nước đô thị gắn với kinh tế đêm. Cụ thể, Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều) đã đi vào hoạt động và đang có những kết quả bước đầu, hình thành được tuyến phố đi bộ Ninh Kiều, phố ẩm thực Đề Thám - Huỳnh Cương, Hồ Xáng Thổi... Các loại hình sản phẩm, dịch vụ và hoạt động kinh tế ban đêm của Cần Thơ gồm: vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm và du lịch, văn hóa, thể thao. Về lâu dài, không gian du lịch sẽ được mở rộng với những sản phẩm du lịch đa dạng hơn.

Ở vai trò trung tâm kết nối, Cần Thơ cũng đã gắn kết, liên tuyến các sản phẩm. Tại đây có nhiều công ty lữ hành nội địa và quốc tế, góp phần xây dựng các sản phẩm liên tuyến và đưa khách về các tỉnh, thành ĐBSCL. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò trung tâm kết nối, Cần Thơ cần có những chính sách kêu gọi đầu tư, gỡ khó cho các dự án du lịch, phục hồi các tuyến đường bay trọng điểm, kết nối liên tuyến du lịch nội vùng đa dạng và sáng tạo hơn.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết