06/09/2024 - 08:33

Trước áp lực từ phương Tây, Trung Quốc định hướng tầm nhìn mới cho châu Phi 

Với chủ đề “Chung tay thúc đẩy hiện đại hóa, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - châu Phi trình độ cao”, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC 2024) diễn ra từ 4-6/9 tại thủ đô Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trong cuộc gặp hôm 2-9. Ảnh: Xinhua

Theo tờ Nikkei Asia, FOCAC 2024 có sự tham dự của đại diện đến từ 53 trong số 54 quốc gia châu Phi. Tại hội nghị, Trung Quốc và châu Phi sẽ xác lập “định vị mới” trong quan hệ giữa hai bên và đưa ra một loạt biện pháp quan trọng để cùng nhau thúc đẩy hiện đại hóa, đồng thời vạch ra kế hoạch chi tiết mới cho việc phát triển quan hệ. Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ đưa ra các cam kết về tài chính cho châu Phi dù Bắc Kinh có kế hoạch cắt giảm các khoản cho vay lớn để giảm thiểu rủi ro nợ nần.

Theo giới phân tích, FOCAC 2024 là cơ hội quan trọng để Trung Quốc gây ảnh hưởng thông qua hợp tác và viện trợ, đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia khác cũng đang tăng cường sự hiện diện tại lục địa giàu tài nguyên nhưng kém phát triển về kinh tế này. Mới đây, Indonesia đã tổ chức Diễn đàn Indonesia - châu Phi lần thứ 2, tuyên bố việc “bảo vệ lợi ích của Nam bán cầu” và các nền kinh tế mới nổi là giải pháp thay thế cho trật tự quốc tế do Mỹ và các cường quốc phương Tây khác thống trị.

Trong những thập niên gần đây, Trung Quốc không ngừng cấp vốn cho nhiều dự án đường cao tốc, đường sắt và nhà máy điện trên khắp châu Phi, từ đó giúp lấp đầy khoảng trống về vốn đầu tư và mở rộng ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh. Song, Trung Quốc hiện đang chuyển sang triển khai mô hình đầu tư “nhỏ mà đẹp” bền vững, thúc đẩy các công nghệ xanh mà quốc gia Đông Á này dẫn đầu thế giới về năng lực sản xuất. FOCAC 2024 được cho sẽ là cơ hội để Bắc Kinh truyền tải tầm nhìn đó; xác định hướng đi cho mối quan hệ với một châu lục mà sự ủng hộ chính trị ngày càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington; phục vụ mục tiêu của Trung Quốc nhằm trở thành quốc gia dẫn dắt của Nam bán cầu và thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Tuy nhiên, những thay đổi này diễn ra như thế nào đối với các nhà lãnh đạo châu Phi vẫn còn là nghi vấn. Theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc, thặng dư thương mại của Trung Quốc với toàn bộ châu Phi hồi năm 2023 lên tới hơn 63 tỉ USD. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 2-9 đã nêu bật tình trạng này, qua đó kêu gọi Bắc Kinh “thu hẹp thâm hụt thương mại và giải quyết cơ cấu thương mại song phương”. “Chúng tôi kêu gọi đầu tư sản xuất bền vững và tạo ra nhiều việc làm hơn” - ông Ramaphosa cho biết. Dẫu vậy, giới phân tích cho rằng tình trạng mất cân bằng thương mại khó có thể biến mất trong thời gian tới, bởi châu Phi thiếu sức mạnh kinh tế và sự gắn kết để đàm phán với Bắc Kinh.

Lâu nay, Chính phủ Trung Quốc sử dụng FOCAC để thúc đẩy hợp tác chiến lược. Trong khi Bắc Kinh cho rằng mối quan hệ được hình thành thông qua hội nghị là có lợi cho cả hai bên, giới quan sát cho rằng mọi chuyện không đơn giản như vậy. “Trung Quốc đang nắm quyền kiểm soát. Mối quan hệ này thật sự không cân xứng, bởi nó vẫn mang đặc điểm của mối quan hệ bên tài trợ và bên nhận tài trợ” - Paul Nantulya, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi thuộc Đại học Quốc phòng Washington (Mỹ), nhận định.

Hiện một số quốc gia châu Phi vẫn đang vật lộn với khoản nợ quốc tế khổng lồ, gồm các khoản vay từ Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm thêm đầu tư và thương mại để thúc đẩy nền kinh tế của họ. Báo cáo gần đây của Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu thuộc Đại học Boston (Mỹ) cho thấy, trong giai đoạn 2000-2023, các chủ nợ Trung Quốc đã cung cấp khoản vay trị giá lên tới hơn 182 tỉ USD cho 49 quốc gia châu Phi. Trong đó, Angola, Ethiopia, Ai Cập, Nigeria và Kenya là những “con nợ” hàng đầu của Trung Quốc. Riêng Kenya nợ Trung Quốc gần 6 tỉ USD trong khi nợ các ngân hàng đa phương lên tới hơn 20 tỉ USD. Gần đây, biểu tình đã nổ ra ở Kenya để phản đối dự luật tài chính do chính phủ đưa ra nhằm kiềm chế nợ công.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết