21/07/2024 - 07:40

Hàng tái chế bùng nổ ở Trung Quốc 

Từ quần áo, túi xách qua sử dụng cho đến đồ nội thất và sách cũ, hoạt động buôn bán hàng hóa tái chế đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc, không chỉ mang lại giá hời cho người tiêu dùng, lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn mang lại lợi ích “xanh” cho môi trường.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại một cửa hàng của Deja Vu ở Bắc Kinh.

Nhiều lợi ích

Đối với Kang Lin, một phụ nữ hơn 40 tuổi ở tỉnh Quảng Đông, mua đồ cũ không chỉ là biện pháp tiết kiệm tiền, mà đó là lối sống nhằm tôn vinh sự bền vững và khám phá những vật phẩm quý báu. Bà Kang cho biết: “Khi tôi sống ở nước ngoài, mua đồ cũ là lựa chọn tiết kiệm chi phí nhất vì những món đồ này không đắt và tôi không ngại vứt bỏ chúng khi rời đi. Nó cũng thân thiện với môi trường, vì giúp những món đồ còn sử dụng được không bị lãng phí”.

Mua sắm đồ cũ còn mang lại cho Kang cơ hội khám phá “những kho báu”, đặc biệt là những món đồ cổ gợi nhớ về kỹ thuật chế tác trong quá khứ. Bà kể mình từng tìm ra những vật phẩm nguyên vẹn có từ những năm 1920 đến 1950, như một chiếc bình giữ nhiệt có từ năm 1925 và quần dài quân đội có từ những năm 1950.

Ngoài phục vụ nhu cầu cá nhân, hoạt động kinh doanh hàng hóa tái chế cũng giúp nhiều doanh nghiệp sinh lợi ở thị trường Trung Quốc. Chẳng hạn, cửa hàng tái chế Deja Vu bắt đầu kinh doanh quần áo cũ năm 2020, với việc mở một cửa hàng ở Thượng Hải. Nhờ kinh doanh hiệu quả, họ đã mở thêm một cửa hàng khác cũng ở Thượng Hải vào năm 2024, đồng thời phát triển thêm mảng đồ điện tử cũ. Tính đến tháng 7-2024, Deja Vu tái chế gần 600.000 cuốn sách và khoảng 300.000 mặt hàng quần áo mỗi năm. Hiện tại, doanh nghiệp này bày bán hơn 8.000 thương hiệu khác nhau.

Theo một báo cáo của Đại học Thanh Hoa, khối lượng giao dịch trên thị trường hàng hóa đã qua sử dụng của Trung Quốc đã vượt qua 1.000 tỉ NDT (139,9 tỉ USD) vào năm 2020 và dự kiến đạt 3.000 tỉ NDT vào năm 2025. Dữ liệu từ Xianyu, một nền tảng mua sắm trực tuyến đồ cũ Trung Quốc, cho thấy khối lượng giao dịch hằng ngày trên nền tảng này đã vượt quá 1 tỉ NDT. Trong năm qua, mỗi ngày có khoảng 4 triệu món đồ cũ được rao bán trên Xianyu. Dữ liệu cho thấy 43% người dùng thuộc thế hệ sinh sau năm 1995 và 22% thuộc thế hệ sinh sau năm 2000.

Xu hướng thú vị

Là thị trường tiêu dùng lớn thứ hai thế giới và thị trường bán lẻ trực tuyến lớn nhất, Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra nhiều chính sách khác nhau nhằm khuyến khích và hỗ trợ tiêu dùng “xanh” cũng như thúc đẩy việc tái chế các mặt hàng không sử dụng. Như vào tháng 7-2021, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) đã ban hành Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về phát triển kinh tế tuần hoàn, khuyến khích rõ ràng việc phát triển mô hình “internet kết hợp với đồ cũ”. Ðến năm 2022, NDRC và Bộ Thương mại cùng với các cơ quan khác của Trung Quốc đã ban hành kế hoạch thực hiện cho việc thúc đẩy tiêu dùng “xanh”.

Xu hướng mua sắm mới còn thể hiện sự thay đổi trong suy nghĩ của người dân Trung Quốc, khi ngày càng nhiều người tiêu dùng nhận ra giá trị của việc kéo dài tuổi thọ của sản phẩm thông qua việc tái sử dụng và tái chế.

Wen Tianyi, một nữ sinh 21 tuổi tại Bắc Kinh, thường chi khoảng 1.000NDT - 2.000NDT mua đồ cũ mỗi năm và bỏ đi khoảng 10 món đồ mỗi năm. Từ lý do đơn giản ban đầu là để tiết kiệm tiền, cô cho biết việc mua bán đồ cũ đã thay đổi quan điểm tiêu dùng của mình. Hiện tại, cô ủng hộ lối sống tối giản và tập trung hơn vào việc tiết kiệm tiền, trong khi loại bỏ những món đồ không dùng đến.

Mặt khác, việc tái chế đồ gia dụng, hàng hóa, quần áo và thực phẩm quyên góp từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của các tổ chức từ thiện tại Trung Quốc. Bà Jiang Shujie, giám đốc điều hành của Buy42 (một tổ chức từ thiện được thành lập vào năm 2010), cho biết mình hiện điều hành 14 cửa hàng từ thiện ở Thượng Hải và bán hàng hóa quyên góp với giá thấp hơn 30%- 70% so với giá thị trường.

Trong 7 năm qua, Jiang đã chứng kiến ​​nhiều khách hàng chuyển từ thái độ nghi ngờ về độ an toàn, vệ sinh của những món đồ đã qua sở hữu sang xem việc mua hàng hóa cũ là “xu hướng thú vị”. Điều này được thúc đẩy bởi thế hệ Z Trung Quốc (sinh vào giai đoạn 1997-2012), nhóm tiêu dùng ban đầu theo đuổi những mặt hàng cao cấp có giá ngoài tầm với của họ, nhưng giờ đây đã có thể mua những mặt hàng này dưới hình thức đồ cũ. Nó cũng đáp ứng nhu cầu của họ về những sản phẩm độc đáo, bền với giá phải chăng.

NGUYỆT CÁT (Theo Chinadaily)

 

Chia sẻ bài viết