04/05/2024 - 15:25

Nơi làm việc toàn phụ nữ thúc đẩy “phái đẹp” Ấn Độ đi làm 

Khi Kavipriya, một phụ nữ 22 tuổi đến từ bang Tamil Nadu, miền Nam Ấn Ðộ, được nhận vào làm việc ở nhà máy, gia đình chồng không mấy vui vì họ muốn cô ở nhà chăm sóc con trai 2 tuổi. Tuy vậy, họ sau đó đổi ý vì nhận ra Kavipriya có chỗ làm việc an toàn và có thể phụ người chồng đang làm tài xế taxi kiếm thêm thu nhập.

Dây chuyền lắp ráp toàn phụ nữ ở nhà máy tại bang Tamil Nadu của Ola.

Những phụ nữ giống như Kavipriya không hiếm tại Ấn Ðộ. Bà Chitra AR, một người đào tạo nữ tài xế xe kéo ở thành phố Chennai (cũng thuộc bang Tamil Nadu), cho biết các quan niệm nặng tính bảo thủ trong xã hội Ấn Ðộ thường lấn át lợi ích tài chính đến từ công việc của phụ nữ. “Chồng và cha của một học viên đã không nói chuyện với cô ấy khi cô bắt đầu lái xe, mặc dù họ thực sự cần tiền”, bà Chitra kể. Cô Rubi, một nhà tổ chức các khóa học lãnh đạo cho phụ nữ trẻ ở New Delhi, cho biết phải dành phần lớn thời gian để thuyết phục các gia đình cho con gái họ ra khỏi nhà.

Nhìn chung, cơ hội đi làm của phụ nữ Ấn Ðộ hạn chế cũng có phần do thị trường việc làm ảm đạm ở nước này. Nhiều thập kỷ qua, thị trường lao động nước này không tạo ra đủ việc làm mới để thu hút nhóm dân số trẻ tuổi và ngày càng tăng của đất nước. Chẳng hạn, trong giai đoạn 2000-2019, tỷ lệ người có việc làm chỉ tăng khoảng 1,6%/năm. Ðáng chú ý là trong 20 năm đó, tỷ lệ phụ nữ đi làm lại giảm từ 31% xuống 26%. Năm 2023, tỷ lệ phụ nữ Ấn Ðộ tham gia thị trường lao động tăng lên 33%, nhưng vẫn thấp hơn so với mức 50% trên toàn cầu và 37% ở Bangladesh, nước láng giềng có nhiều đặc điểm kinh tế - xã hội tương đồng với Ấn Ðộ.

Trong khi đó, quan niệm ưu tiên việc làm cho nam giới và không khuyến khích phụ nữ đi làm cũng khiến sự chênh lệch trong tỷ lệ có việc làm giữa hai giới càng tăng. Trong một thăm dò hồi năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 80% người Ấn Ðộ tin rằng khi công việc khan hiếm thì nam giới nên được ưu tiên hơn, trong khi 67% cho rằng vợ phải luôn nghe lời chồng.

Nơi làm việc toàn phụ nữ có thể tạo điều kiện cho chị em đi làm

Trường hợp Kavipriya là minh chứng cho thấy có một biện pháp có thể khuyến khích nhiều phụ nữ hơn đi làm, đó là thiết kế công việc mà cả lao động nữ và gia đình họ có thể chấp nhận.

Nhà máy mà Kavipriya làm việc được điều hành bởi công ty sản xuất xe máy điện Ola. Tại đây, cô làm việc trong một dây chuyền lắp ráp và kiếm được 20.000 rupee (hơn 6 triệu đồng)/tháng - mức lương khá tốt tại địa phương. Ðược biết, nhà máy có mục tiêu tuyển dụng khoảng 10.000 người và dây chuyền lắp ráp sẽ chỉ gồm toàn bộ nhân viên nữ khi đạt công suất tối đa. Hầu hết nữ công nhân đến từ các làng xung quanh và được đưa rước bằng xe buýt công ty để đảm bảo an toàn.

Ông Josh Foulger, một chuyên gia tại công ty sản xuất theo hợp đồng Zetwerk, cho biết những nhà máy chỉ dành cho phụ nữ hoặc có đa số nhân viên là phụ nữ như vậy có thể tạo ra một “chu kỳ tăng trưởng thuận lợi”. “Nhiều công nhân của chúng tôi đã giới thiệu bạn bè và hàng xóm đến làm việc. Một khi người dân ở các khu vực xung quanh nhận ra rằng công việc này an toàn và được trả lương xứng đáng thì sự phản đối (phụ nữ đi làm) đã giảm bớt”, ông Foulger giải thích.

Thực tế, “chu kỳ tăng trưởng thuận lợi” mà ông Foulger đề cập tới đã xảy ra ở Bangladesh. Mặc dù cũng có quan điểm xã hội bảo thủ giống như Ấn Ðộ, nhưng Bangladesh đã thành công hơn trong việc thu hút phụ nữ đi làm. Chỉ riêng ngành may mặc Bangladesh đã sử dụng khoảng 2,6 triệu phụ nữ, trong khi Ấn Ðộ - nước có dân số gấp 8 lần - chỉ sử dụng tổng cộng 1,6 triệu phụ nữ trong toàn bộ lĩnh vực sản xuất.

NGUYỆT CÁT (Theo The Economist, Deccanherald.com)

Chia sẻ bài viết