07/04/2024 - 18:15

Israel sử dụng AI để lựa chọn mục tiêu ở Gaza? 

Israel đã dùng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có tên Lavender để lập “danh sách tiêu diệt” gồm ít nhất 37.000 người ở Dải Gaza, theo báo cáo mới đăng trên tạp chí +972 và Local Call ngày 3-4. Ðây là hệ thống AI thứ hai của Israel bị phanh phui sau sự tồn tại của The Gospel (nhắm vào các tòa nhà) được nhắc đến lần đầu vào năm ngoái.

Một nhà thờ trở thành đống đổ nát sau cuộc không kích của Israel tại Gaza. Ảnh: AFP

Báo cáo mới dẫn lời 6 quan chức tình báo Israel giấu tên, những người đã nói với +972 về việc quân đội nước này “gần như hoàn toàn phụ thuộc” vào Lavender trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến chống phong trào Hồi giáo Hamas, mặc dù thực tế hệ thống đã xác định nhầm các mục tiêu tiềm tàng là khủng bố.

Lavender được cho là hoạt động bằng cách phân tích thông tin của gần như toàn bộ 2,3 triệu người Palestine ở Gaza “thông qua một hệ thống giám sát hàng loạt”, đánh giá khả năng của bất kỳ người cụ thể nào thuộc Hamas trong một hệ thống xếp hạng không rõ ràng. Mỗi người Palestine được xếp hạng từ 1 đến 100 để xác định khả năng họ trở thành thành viên của Hamas.

Theo +972, quân đội Israel đã “chấp thuận” cho các quan chức tình báo sử dụng Lavender để nhắm mục tiêu ở Gaza, nhưng không yêu cầu phải kiểm tra kỹ “tại sao máy lại đưa ra những lựa chọn đó hoặc đánh giá dữ liệu tình báo thô mà họ dựa vào”. Theo “các cuộc kiểm tra nội bộ”, khâu kiểm tra con người liên quan đến các quyết định nhắm mục tiêu của Lavender chủ yếu chỉ kiểm tra nhằm đảm bảo mục tiêu là nam giới, mặc dù ít nhất 10% mục tiêu không có khả năng dính líu tới Hamas.

Phần lớn các mục tiêu đều bị đánh bom tại nhà của họ, theo +972. Một hệ thống tự động khác mang tên “Bố đâu rồi?” được sử dụng cùng với Lavender để tấn công các mục tiêu bên trong nhà của họ. “Chúng tôi không quan tâm đến việc tiêu diệt các thành viên Hamas chỉ khi họ ở trong một tòa nhà quân sự hoặc tham gia một hoạt động quân sự. Ngược lại, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) không ngần ngại ném bom vào nhà họ, coi đây như lựa chọn đầu tiên. Ðánh bom nhà của một gia đình sẽ dễ dàng hơn nhiều. Hệ thống Lavender được phát triển để tìm kiếm các thành viên Hamas trong những tình huống này,” một sĩ quan tình báo trả lời phỏng vấn +972.

Cũng theo +972, Lavender từng chỉ được sử dụng như một “công cụ phụ trợ” trước khi Hamas tấn công vào lãnh thổ Israel ngày 7-10-2023, nhưng toàn bộ danh sách tiêu diệt với hàng chục ngàn người đã được thông qua sau vụ đột kích đó.

Israel phủ nhận

Trong tuyên bố về hệ thống Lavender gửi đến tờ Guardian ngày 3-4, Israel nhấn mạnh rằng Hamas sử dụng người Palestine ở Gaza làm “lá chắn sống” trong khi Tel Aviv tôn trọng luật pháp quốc tế. “Trái ngược với các báo cáo, IDF không sử dụng hệ thống AI để xác định các thành viên khủng bố hoặc tìm cách dự đoán liệu một người có phải là khủng bố hay không. Các hệ thống thông tin chỉ đơn thuần là công cụ dành cho các nhà phân tích trong quá trình xác định mục tiêu”, tuyên bố của Israel nêu rõ.

Tài liệu mới của +972 ghi nhận việc sử dụng Lavender đã bị thu hẹp đáng kể kể từ khi chiến sự bắt đầu, một phần là do không còn nhà dân để quân đội Israel nhắm mục tiêu bởi “hầu hết các ngôi nhà ở Gaza đã bị phá hủy hoặc hư hỏng”.

Israel phát động cuộc chiến ở Gaza nhằm trả đũa Hamas về vụ đột kích khiến khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng và bắt cóc 240 người. Theo Liên Hiệp Quốc, hơn 32.600 người Palestine ở Gaza, với phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đã chết kể từ khi xung đột nổ ra. Ước tính còn hàng ngàn người khác bị chôn vùi dưới đống đổ nát của dải đất tan hoang này.

Cuối năm ngoái, Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết bày tỏ “những thách thức và quan ngại rất lớn” về công nghệ quân sự mới, bao gồm những công nghệ sử dụng AI.

IDF lần đầu tiên công khai sử dụng tính năng nhắm mục tiêu do AI hỗ trợ sau cuộc xung đột kéo dài 11 ngày ở Gaza vào tháng 5-2021, điều mà các chỉ huy mô tả là “cuộc chiến AI đầu tiên” trên thế giới. Người đứng đầu quân đội Israel trong cuộc xung đột đó, Aviv Kohavi, nói với truyền thông rằng hệ thống AI đã cho phép IDF xác định “100 mục tiêu mới mỗi ngày” trong khi các phân tích của con người trước đây chỉ có thể tạo ra “50 mục tiêu trong một năm”. Được biết, tình báo quân đội Israel đang sử dụng nhiều chương trình AI.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết