03/05/2024 - 07:28

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 

* Tổng đài hỗ trợ thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2024

(TTXVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Theo hướng dẫn, đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GD&ĐT thực hiện thanh tra, kiểm tra việc ban hành văn bản, công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, Sở GD&ĐT, hội đồng thi, điểm thi và công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra thi của Sở GD&ĐT.

Đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở GD&ĐT thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi của hội đồng thi, các ban của hội đồng thi và điểm thi.

Với công tác chuẩn bị thi, việc thanh tra, kiểm tra sẽ chú ý các nội dung: thẩm quyền ban hành quyết định thành lập hội đồng thi, các ban của hội đồng thi và các văn bản khác có liên quan; tiêu chuẩn, điều kiện đối với những người tham gia tổ chức Kỳ thi; nội dung văn bản, hướng dẫn, chỉ đạo; công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện thông tin, liên lạc tại địa điểm in sao đề thi, hội đồng thi và điểm thi…

Đối với công tác coi thi, các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thành lập, điều kiện, tiêu chuẩn, thành phần của ban coi thi, ban thư ký và các ban có liên quan; phương án xử lý tình huống bất thường; bảo đảm an ninh, an toàn tại điểm thi; việc bố trí, sử dụng thiết bị, cơ sở vật chất tại điểm thi…

Việc thanh tra, kiểm tra công tác chấm bài thi tự luận sẽ chú ý đến khu vực chấm thi, khu vực làm phách, khu vực bảo quản bài thi; việc thực hiện quy trình làm phách bài thi tự luận; bảo đảm an ninh, an toàn tại khu vực làm phách, khu vực chấm thi, khu vực bảo quản bài thi tự luận. Bên cạnh đó, thanh tra, kiểm tra việc bố trí, sử dụng thiết bị, cơ sở vật chất tại khu vực làm phách, các khu vực chấm thi; quy trình giao nhận bài thi, quy trình chấm thi, thống nhất điểm, chấm kiểm tra; ghép phách, nhập điểm bài thi tự luận; xử lý tình huống bất thường (nếu có).

Đối với công tác chấm bài thi trắc nghiệm, chú ý việc thực hiện quy trình chấm thi của trưởng ban chấm thi, tổ trưởng và các thành viên làm nhiệm vụ chấm thi; việc xử lý kết quả chấm thi; thực hiện quy trình về xử lý bài thi trắc nghiệm, chấm điểm…

Đối với công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT, việc thanh tra, kiểm tra sẽ chú ý đến đối tượng miễn thi, đặc cách tốt nghiệp; đối tượng bảo lưu điểm thi; việc cộng điểm ưu tiên, điểm khuyến khích; quy trình tổng hợp và duyệt công nhận tốt nghiệp.

Hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời nêu rõ quy trình, hồ sơ đoàn thanh tra, kiểm tra; trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, kiểm tra và người tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra, cùng các đối tượng có liên quan; điều kiện, tiêu chuẩn của người tham gia thanh tra, kiểm tra; công tác tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT...

Các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT phối hợp cung cấp thông tin, xử lý thông tin, phản ánh tiêu cực trong quá trình tổ chức, thanh tra, kiểm tra thi. Khi phát hiện vi phạm, thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra lập biên bản ghi nhớ và kiến nghị xử lý theo thẩm quyền.

Cổng đăng ký trực tuyến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

* Từ ngày 2-5 đến 17 giờ ngày 10-5, cổng đăng ký trực tuyến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 mở phục vụ thí sinh đăng ký dự thi chính thức. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) không phân luồng đăng ký dự thi theo các tỉnh, thành phố như các năm trước. Vì vậy, thí sinh trên cả nước có thể cùng vào đăng ký dự thi.

Tổng đài hỗ trợ thí sinh và điểm tiếp nhận đăng ký dự thi là 18008000, nhánh số 2. Bộ GD&ĐT luôn trực hệ thống cùng bộ phận kỹ thuật để hỗ trợ các Sở GD&ĐT, các trường THPT trong thời gian thí sinh đăng ký dự thi.

Để thực hiện việc đăng ký dự thi bảo đảm an toàn, chính xác, Bộ GD&ĐT lưu ý thí sinh thực hiện 3 bước khi đăng ký dự thi, cụ thể như sau:

Bước 1: Thí sinh dùng tài khoản được nhà trường cung cấp và đăng nhập vào website: https://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn/.

Sau khi đăng nhập Hệ thống lần đầu, Hệ thống yêu cầu người dùng bắt buộc phải đổi mã đăng nhập (mật khẩu). Thí sinh có trách nhiệm bảo mật thông tin tài khoản, mật khẩu được cấp để đăng nhập vào Hệ thống. Thí sinh cần ghi nhớ mật khẩu sau khi đổi.

Bước 2: Nhập và kiểm tra lại thông tin của thí sinh trên Hệ thống (nếu thông tin bị sai thì sửa và nhập bổ sung thông tin vào Hệ thống).

Thí sinh cập nhật đầy đủ và chính xác các thông tin bắt buộc trên Hệ thống, lưu ý một số thông tin: họ và tên thí sinh, ngày sinh, giới tính, số căn cước công dân…; nơi ở/hộ khẩu thường trú; đăng ký đúng tổ hợp bài thi/môn thi (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội); thí sinh có dùng kết quả để xét tuyển sinh đại học và cao đẳng không.

Bước 3: Lưu phiếu đăng ký.

Trong thời gian đăng ký dự thi chính thức, thí sinh có thể đăng nhập vào Hệ thống để kiểm tra và chỉnh sửa lại thông tin của mình cho chính xác. Đối với thí sinh tự do thực hiện nộp hồ sơ theo hướng dẫn của các đơn vị.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Từ ngày 24-28/4, Bộ GD&ĐT đã mở cổng cho phép thí sinh thử đăng ký dự thi trực tuyến. Trong 5 ngày, đã có gần 650.000 thí sinh đăng ký thử. Hệ thống vận hành ổn định, sẵn sàng cho thí sinh đăng ký dự thi chính thức theo quy định. Mọi công tác chuẩn bị trước ngày đăng ký dự thi chính thức đã hoàn tất đúng quy trình.

Chia sẻ bài viết