02/05/2024 - 17:48

Sức mạnh của học viện La Masia 

Trong giai đoạn quản lý yếu kém, bê bối tham nhũng và khủng hoảng tài chính bao trùm Barcelona những năm gần đây, học viện La Masia đôi khi bị lãng quên nhưng vẫn luôn là tài sản lớn nhất của CLB xứ Catalonia.

Hậu vệ Cubarsi (giữa) ra sân trận lượt về tứ kết Champions League tuần rồi. Ảnh: AP

Một nguồn tin nội bộ tiết lộ trong suốt chiều dài lịch sử của Barcelona, lò La Masia đã chứng minh đây là cách an toàn và nhanh nhất để cung ứng cầu thủ cho đội một. Mạng lưới tuyển trạch viên là một trong những thế mạnh của học viện. La Masia đã ký hợp đồng với những cầu thủ trẻ trong vùng Catalonia và cả tài năng ở nơi khác, đơn cử như Gavi và Fermin Lopez gia nhập từ Real Betis.

Ở La Masia, những cầu thủ trẻ phải đối mặt với vô số áp lực. Tuy nhiên, học viện đã thiết kế các dịch vụ tâm lý riêng để giúp cầu thủ đối phó với những tình huống khó khăn hoặc cách cư xử trong thời điểm tốt và xấu. Cạnh tranh ở cấp độ trẻ hình thành tính cách các cầu thủ La Masia và các em cũng được dạy cách chơi bóng giống như đội một Barcelona. Đây là cách tiếp cận rất khác với đại kình địch Real Madrid, nơi có học viện La Fabrica.

Tại La Fabrica, các cầu thủ nhí được giáo dục bóng đá thiên về sự linh hoạt, khả năng phục hồi và thích ứng với một số phong cách chiến thuật khác nhau. Mục tiêu là đào tạo những cầu thủ có khả năng thi đấu chuyên nghiệp và điều này có nghĩa họ phải thi đấu xa Madrid. Cuối năm ngoái, Trung tâm Nghiên cứu Thể thao Quốc tế phát hiện Real Madrid là CLB sản sinh cầu thủ thi đấu ở 5 giải hàng đầu châu Âu nhiều nhất, với 44 ngôi sao.

Còn tại Barcelona, ​​​​sản phẩm của La Masia thường xuyên xuất hiện ở đội một. Trong trận thắng Levante vào ngày 25-11-2012, Barcelona từng tung ra sân tới 11 cầu thủ trẻ.

Trước đó, Barcelona đã chuyển học viện đến địa điểm mới ở ngoại ô thành phố, cách sân Nou Camp khoảng 8km về phía Tây. Trong những năm gần đây, La Masia thay đổi rất nhiều, từ các chính sách cho đến cơ sở vật chất được hiện đại hóa. Số lượng cầu thủ nhí cũng đã tăng lên hơn 80 em, so với chưa tới 20 em hồi ở cơ sở cũ.

Nhận thấy tiền là “yếu tố quyết định phần lớn các cầu thủ rời học viện” trong mười năm qua, La Masia cũng đã có những động thái đối phó. Theo đó, học viện chiêu mộ Ansu Fati và Ilaix Moriba với mức giá cao hơn bình thường vào năm 2019, ở thời điểm Nice và Manchester City rất mê mệt bộ đôi cầu thủ này. Các hợp đồng mới của họ trị giá 2 triệu Euro/năm, mức lương khổng lồ đối với các cầu thủ chỉ mới 16 tuổi. Hai năm sau, Barcelona bán Moriba cho RB Leipzig với giá 16 triệu Euro.

Do Brexit, hiện các CLB Anh không được phép ký hợp đồng với tài năng nước ngoài dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, Man City năm ngoái vẫn hỏi mua hậu vệ Pau Cubarsi (17 tuổi).

Cubarsi là cầu thủ thứ 204 tốt nghiệp La Masia kể từ khi lò đào tạo bắt đầu hoạt động vào năm 1979. Cubarsi ra mắt giải La Liga hồi đầu năm nay, trong khi khả năng chuyền bóng và sự điềm tĩnh của anh cũng vừa được kiểm chứng ở sân khấu lớn nhất châu Âu, Champions League.

Theo báo cáo gần đây của tổ chức Football Observatory CIES, Barcelona đang là CLB sử dụng cầu thủ dưới 20 tuổi nhiều nhất ở 5 giải hàng đầu châu lục (chiếm 15% lực lượng đội một).

BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết