24/04/2024 - 10:03

Cùng FHF nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe mắt cho cộng đồng 

Tổ chức The Fred Hollows Foundation (FHF) mang tên cố giáo sư nhãn khoa người Úc, có lịch sử hơn 30 năm hỗ trợ Việt Nam phòng chống các tật, bệnh về mắt. Sự đồng hành của FHF đã giúp ngành nhãn khoa Việt Nam nâng cao năng lực, đem lại ánh sáng cho hàng triệu đôi mắt. Tại TP Cần Thơ, trong khuôn khổ dự án nâng cao chất lượng dịch vụ khúc xạ cho cộng đồng giai đoạn 2023-2028 với tổng kinh phí hơn 4,2 tỉ đồng, FHF cam kết cùng thành phố thực hiện nhiều chương trình mục tiêu, hứa hẹn cải thiện chất lượng tầm soát và điều trị, quản lý tật khúc xạ cho cộng đồng.

Hiểu đúng để tránh hệ lụy

Con gái chị Ngọc Hà ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, đang học lớp 7. Bé không nhìn rõ chữ trên bảng cô giáo viết, thường xuyên phải mượn tập của bạn chép bài lại. Chị Hà đưa bé đến một cửa hàng kính ở quận Ninh Kiều kiểm tra mắt. Nhân viên của tiệm đo thị lực cho bé bằng máy kết hợp với bảng chữ. Kết quả, bé bị cận thị, cần đeo kính. Khi đã có kính, mặc dù bé nhìn được xa hơn, thấy chữ rõ hơn, nhưng lại cảm thấy chóng mặt, đau nhức mắt. Chị Ngọc Hà phải đưa bé đến bệnh viện (BV) chuyên khoa mắt để bác sĩ khám lại. Chị cho biết: “Tôi cứ nghĩ các cửa hàng kính có máy móc hiện đại, có thể chẩn đoán và cắt kính phù hợp với độ cận của bé. Tuy nhiên, qua giải thích của bác sĩ nhãn khoa, tôi mới hiểu, tật khúc xạ thường gặp ở học sinh rất đa dạng và việc điều trị, quản lý để bệnh chậm tiến triển rất quan trọng trong quá trình phát triển của bé”.

BS Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ hy vọng dự án sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khúc xạ cho người dân thành phố.

Kết quả khảo sát gần đây của ngành y tế TP Cần Thơ đối với tất cả các cơ sở kinh doanh kính thuốc và mắt kính tại 5 quận, huyện trên địa bàn thành phố, chỉ 16 cơ sở được Sở Y tế cấp phép, đa phần tập trung ở quận Ninh Kiều. Trong khi đó, thị trường kính thuốc trên địa bàn thành phố rất đa dạng, cả về số lượng, quy mô và chất lượng.

Theo Bộ Y tế, hơn 70% trẻ em Việt Nam mắc các tật khúc xạ, do ảnh hưởng của môi trường và thói quen hành vi trong sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ việc sử dụng kính không đúng chuẩn. Các cửa hàng kinh doanh mắt kính, “phòng khám mắt” tự phát với các loại máy móc cơ bản như máy đo võng mạc, bảng kiểm tra thị lực chưa đạt chuẩn và nhân viên chưa đủ trình độ theo yêu cầu có thể đưa đến các kết luận không chính xác, ảnh hưởng trầm trọng đến thị lực bệnh nhân.

Theo TS.BS Hoàng Quang Bình, Phó Giám đốc BV Mắt - Răng Hàm Mặt Cần Thơ, tỷ lệ tật khúc xạ được phát hiện khá cao trong cộng đồng có thể bao gồm cả nguyên nhân đo sai chỉ số thị lực từ những cơ sở cung cấp dịch vụ khúc xạ. Dẫn chứng, có những em nhỏ bị viễn thị, nhưng lại đo thành cận thị, vì nhân viên cửa hàng mắt kính không phải bác sĩ chuyên khoa, không sử dụng kết hợp các kỹ thuật chuyên môn chính xác. Hoặc có những trường hợp, trong thời gian tập trung học hành cao độ, học sinh có thể bị tăng độ cận, nhưng sau đó được nghỉ ngơi thì thị lực sẽ hồi phục trở lại bình thường. Những trường hợp này, nếu đến với cơ sở kính thuốc không đạt chuẩn, các em có thể phải mang kính. Từ chỗ không có bệnh, các em trở nên có bệnh và nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe mắt.

Hỗ trợ từ FHF

Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ phòng chống mù lòa tại 25 quốc trên thế giới, tổ chức FHF đã hỗ trợ Việt Nam 30 năm qua. Các hoạt động của FHF bao gồm: phát triển và tăng cường cơ sở hạ tầng y tế địa phương; tìm kiếm các giải pháp bền vững đối với khả năng tiếp cận các chương trình sức khỏe cũng như khả năng duy trì phát triển các dịch vụ chăm sóc mắt; thông qua các chương trình đào tạo và phát triển công nghệ mới. Ông Lê Quang Trầm Tĩnh, Giám đốc chương trình Quỹ FHF Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, FHF đã có nhiều dự án hợp tác với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, BV Mắt Trung ương, các trường đại học y khoa và hơn 20 đơn vị chăm sóc mắt cấp tỉnh...

Chất lượng dịch vụ khúc xạ ảnh hưởng đến kết quả tầm soát, điều trị và quản lý các tật, bệnh khúc xạ của người dân thành phố.

FHF hỗ trợ dự án tại TP Cần Thơ với tổng nguồn vốn không hoàn lại 4,275 tỉ đồng, giai đoạn 2023-2028. Dự án đã được UBND thành phố phê duyệt theo Quyết định 31/QĐ-UBND ngày 5-1-2024, với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ tật khúc xạ và kính thuốc, tạo điều kiện thuận lợi để người bệnh tiếp cận dịch vụ kính thuốc theo tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Y tế, góp phần mô hình hóa để nhân rộng tại Cần Thơ cũng như toàn quốc. Sở Y tế TP Cần Thơ và BV Mắt - Răng Hàm Mặt là đơn vị tiếp nhận triển khai.

Dự án của FHF tại TP Cần Thơ cũng như nhiều tỉnh thành trong cả nước, hướng đến hỗ trợ Bộ Y tế phát triển hướng dẫn chất lượng dịch vụ khúc xạ để áp dụng tại các cơ sở dịch vụ kính thuốc. Bên cạnh đó, hỗ trợ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị; các chỉ số đo lường chất lượng dịch vụ khúc xạ; quy định về báo cáo chất lượng dịch vụ khúc xạ. Dựa trên danh sách khảo sát tất cả cơ sở dịch vụ mắt kính, kính thuốc tại TP Cần Thơ do Sở Y tế điều phối, các cơ sở này sẽ được hướng dẫn và yêu cầu áp dụng hướng dẫn chuẩn chất lượng dịch vụ khúc xạ.

Các cơ sở khi áp dụng hướng dẫn chất lượng dịch vụ khúc xạ và được đánh giá đạt tiêu chuẩn, sẽ được cấp chứng nhận quầy kính tiêu chuẩn. Các cơ sở này sẽ được hỗ trợ phát triển chiến lược kinh doanh, đào tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống quản lý. Đồng thời cung cấp dịch vụ đến cộng đồng thông qua các chương trình khám sàng lọc cho học sinh, hội viên đoàn thể và lực lượng công nhân. Bên cạnh đó, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng cũng được chú trọng. Đó là những cách tiếp cận cùng phát triển cho cơ sở dịch vụ kính thuốc và cộng đồng. Quá trình thực hiện, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn tại Cần Thơ sẽ được nhân rộng ở nhiều địa phương trong cả nước.

Trong lĩnh vực đào tạo, dự án đồng thời phối hợp các cơ sở đào tạo để nhân rộng các chương trình đào tạo khúc xạ và nâng cao năng lực đào tạo, cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo. Các chương trình đào tạo sẽ được mở rộng đến tất cả cơ sở dịch vụ kính thuốc có nhu cầu. Bên cạnh đó, hướng dẫn chất lượng dịch vụ khúc xạ sẽ được lồng ghép trong các chương trình đào tạo để giúp các cơ sở này lên kế hoạch đăng ký quầy kính tiêu chuẩn.

Theo TS.BS Hoàng Quang Bình, Phó Giám đốc BV Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ, chất lượng dịch vụ khúc xạ là một mảng trong quản lý khúc xạ. Bộ Y tế, Sở Y tế đến các BV chuyên khoa có vai trò quản lý; bên cạnh đó, liên quan đến cá nhân người bệnh, học sinh, gia đình, trường học. Song song đó là các cơ sở kinh doanh kính thuốc, mắt kính. Cuối cùng là các cơ quan truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về các dịch vụ khúc xạ, đảm bảo chất lượng để tầm soát, điều trị hiệu quả.

Theo BS CKII Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, tật khúc xạ là 1 trong 4 ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong chiến lược quốc gia về phòng, chống mù lòa đến năm 2030. Vì thế, với sự hỗ trợ của FHF, Sở Y tế đề nghị các sở ngành, đơn vị liên quan của thành phố tạo điều kiện thuận lợi để dự án được triển khai thành công. BV Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ tích cực phối hợp với các đơn vị tài trợ, cơ sở kính thuốc thí điểm cùng các địa phương triển khai hiệu quả các hợp phần của dự án trên nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp nhận dự án quốc tế. Các đơn vị y tế tuyến quận huyện, cơ sở kinh doanh mắt kính cũng tranh thủ sự hỗ trợ từ dự án và sự hướng dẫn điều hành của Sở Y tế và BV để đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe mắt cho cộng đồng. Hy vọng Dự án sẽ góp phần tăng cường hơn nữa chất lượng cung ứng dịch vụ khám, phát hiện sớm và điều trị kịp thời tật khúc xạ trên địa bàn Cần Thơ.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết