Trong nhiều lần tổ chức Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ (DGNB), Hội thi Bánh DGNB là một trong điểm nhấn không thể thiếu. Hội thi không chỉ là sân chơi để nghệ nhân giới thiệu các loại bánh gia truyền, đặc sản quê nhà mà còn là không gian kết nối, lan tỏa tình yêu chiếc bánh quê đến du khách gần xa. Những chiếc bánh không chỉ mang tinh túy truyền thống mà còn được sáng tạo, góp phần làm nên sức hút mới cho bánh DGNB.
Giới thiệu tinh hoa dân tộc
Điển hình ở Hội thi năm nay có món bánh chưng Nam Bộ, bánh lá dừa nhưn mặn của cô Cao Thị Mạnh ở xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Cô Mạnh cho biết: “Nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, tôi muốn làm những chiếc bánh để tỏ lòng thành kính. Bánh xưa thì có bánh chưng bánh giầy tượng trưng cho trời đất; nay tôi cải tiến, làm mới với chiếc bánh theo khối vuông khối tròn, sử dụng các nguyên liệu đặc trưng của Nam Bộ”. Theo đó, bánh được gói bằng lá dừa, thay đổi nhưn ngọt thành các nhưn mặn: tôm thịt và trứng muối. Bánh chưng cũng được biến tấu theo khuôn nhỏ vài centimet. Cô Mạnh nói rằng biến tấu như thế để bánh chưng dễ mang theo và nấu nhanh chín, phù hợp với nhịp sống hiện đại ngày nay. Cô chia sẻ: “Nhà tôi làm bánh truyền thống, đến đời tôi đã là thế hệ thứ 5. Theo tôi, bánh dân gian cần được bảo tồn, do đó tôi đi thi vừa để giới thiệu bánh gia truyền vừa mong muốn kết nối với lớp trẻ để các cháu quan tâm đến bánh dân gian nhiều hơn”.
Cô Mai Hoàng Lý (Trà Vinh, phải) giới thiệu bánh ú cốm dẹp với Ban giám khảo hội thi.
Tương tự, với ý nghĩa mang chiếc bánh cúng ông bà, tổ tiên và Thần Nông, cô Mai Hoàng Lý ở xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh, đã sáng tạo ra những chiếc bánh hòa quyện nét văn hóa ẩm thực của các dân tộc Kinh, Hoa và Khmer: bánh ú cốm dẹp. Cô Lý nói: “Cốm dẹp là đặc sản của người Khmer, còn bánh ú là bánh đặc trưng của người Hoa và người Kinh. Tôi sống ở Trà Vinh, nơi có cộng đồng cả 3 dân tộc nên muốn sáng tạo một loại bánh thể hiện đầy đủ nét tinh hoa ẩm thực đó”. Bánh ú cốm dẹp có thành phần chính là cốm dẹp thơm ngon, nhưn dừa đậu phộng béo ngọt, giòn sựt. Cô Lý chia sẻ: “Tôi mong ước làm ra những chiếc bánh ngon từ nguyên liệu quê nhà, đạt tiêu chuẩn và được nhiều người đón nhận. Nhà tôi làm bánh đến tôi là đời thứ 3 và cũng đã có truyền nhân đời thứ 4 là các con của tôi. Hơn 30 năm qua, tôi luôn dành hết tâm huyết để tìm hiểu, làm ra những chiếc bánh ngon và ý nghĩa. Phải làm sao để chiếc bánh vừa giữ tinh túy gia truyền lại vừa truyền tải được nét văn hóa, có câu chuyện đằng sau, mang lại nhiều giá trị”.
Cũng với mong muốn giới thiệu đến du khách những nét văn hóa đặc trưng của địa phương, chị Phol Sa Rếth ở An Giang, mang chiếc bánh gừng đến với hội thi. Chị Sa Rếth cho biết: “Bánh gừng là loại bánh đặc trưng trong các kỳ lễ Tết lớn của người Khmer và Chăm; có cách làm khác nhau theo cộng đồng dân tộc. Lần này tôi giới thiệu cách làm bánh gừng của người Khmer. Qua đó, tôi cũng mong muốn giới thiệu bánh đặc trưng cũng như những nét văn hóa quê nhà đến với mọi người”. Theo đó, người Khmer gọi bánh gừng là Num-Khnhây. Bánh gắn liền câu chuyện về sự thủy chung của người phụ nữ và vì thế bánh thường xuất hiện trong lễ cưới hỏi của người Khmer, cũng như các dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sene - Dolta... Bánh có nguyên liệu đơn giản là bột nếp và trứng nhưng điểm độc đáo của chiếc bánh này là tạo hình. Tùy theo sự sáng tạo và khéo tay của người làm mà chiếc bánh sẽ có hình củ gừng hay chim, hoa, cá, tôm, cua… Khi bài trí để dâng cúng, bánh sẽ được xếp tạo hình nghệ thuật rất đẹp mắt.
Lan tỏa tình yêu bánh quê
Hội thi là dịp những chiếc bánh truyền thống xuất hiện trong diện mạo mới, đầy sáng tạo và hợp với xu hướng thời đại. Ví như chuyện về bánh hỏi mặt võng ngũ sắc của chị Nguyễn Thị Bích Duyên (Công ty TNHH MTV Dịch vụ hôn lễ Đăng Khoa, TP Cần Thơ). Chị Bích Duyên chia sẻ: “Hồi xưa, nội tôi hay làm bánh hỏi, bánh tằm cho con cháu ăn. Đây là bánh gia truyền của gia đình và tôi muốn đem đến hội thi để giới thiệu với mọi người”. Theo chị Bích Duyên, trước đây bánh hỏi mặt võng chỉ thuần màu trắng, nhưng để chiếc bánh thêm bắt mắt, chị đã sử dụng nghệ, lá dứa, lá cẩm, gấc... để tạo màu. Bên cạnh đó, chị cũng tạo hình hoa, rồng để bánh có thêm diện mạo mới. Chị Bích Duyên còn kỳ công mang cả cối đá (hơn 30 năm), bộ ép bánh đến để du khách xem và trải nghiệm. Chị Bích Duyên nói: “Đây là cách trực tiếp để tôi giới thiệu về quá trình làm bánh. Khách được xem tường tận, trải nghiệm mới hiểu làm chiếc bánh kỳ công thế nào, từ đó thêm trân trọng những chiếc bánh quê. Tôi muốn lan tỏa tình yêu bánh quê đến du khách theo cách đó”.
Chị Nguyễn Thị Bích Duyên (TP Cần Thơ) với bánh hỏi mặt võng ngũ sắc.
Còn chị Trần Lê Thị Huệ Linh (Bánh dân gian Cô Mười, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết: “Tôi đã có hơn 20 năm gắn bó với bánh dân gian, đi nhiều nơi để giới thiệu và học hỏi về nghề bánh. Tôi luôn tâm niệm phải giữ hương vị và bản sắc của chiếc bánh quê”. Không chỉ làm nên thương hiệu với những chiếc bánh gia truyền như bánh trôi nước nhưn mặn, bánh quy dừa... chị Huệ Linh còn không ngừng học hỏi và có duyên tiếp cận loại bánh độc đáo được gọi là bánh công tử Bạc Liêu. Đây là chiếc bánh mà chị Huệ Linh mang đến cuộc thi năm nay với mong muốn gìn giữ loại bánh gần như thất truyền. Theo chia sẻ của chị Huệ Linh, chị may mắn gặp gỡ truyền nhân đời thứ hai của người làm bánh phục vụ trong gia đình công tử Bạc Liêu khi xưa. Yêu thích tay nghề và tâm huyết với nghề bánh của chị Huệ Linh mà người đó đã đồng ý truyền dạy công thức của gia đình với mong muốn gìn giữ một loại bánh độc đáo. Nguyên liệu chính của chiếc bánh này là bí đỏ, nước cốt dừa… với cách làm như bánh đúc, nhưng hương vị kết hợp phương Đông và phương Tây.
Chị Trần Lê Thị Huệ Linh (TP Cần Thơ) với bánh công tử Bạc Liêu.
Hội thi Bánh DGNB năm nay có 125 nghệ nhân đến từ 14 tỉnh, thành tham gia, quy tụ hàng chục loại bánh ngon, đều là tinh túy gia truyền, đặc sản của mỗi vùng đất, cộng đồng dân tộc. Có thể nói, qua mỗi kỳ hội thi như thế, nhiều chiếc bánh quê đã được lưu giữ và tạo nên danh tiếng, thương hiệu riêng. Đó là điều đáng mừng trong công tác bảo tồn và phát huy các loại bánh dân gian qua mỗi kỳ Lễ hội.
Bài, ảnh: ÁI LAM