21/03/2018 - 21:59

Nỗ lực bảo vệ nguồn tài nguyên nước 

Hiện nay, tình trạng nguồn nước trên thế giới và ở nước ta nói chung và ĐBSCL nói riêng đang ngày càng khan hiếm, bị ô nhiễm là vấn đề đáng báo động. Trước thực trạng trên, TP Cần Thơ đã và đang nỗ lực tìm  giải pháp để quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nước sạch, bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này!

Theo đánh giá của các chuyên gia, ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững. Biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao gây nhiều hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng. Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Trân - Nguyên Chủ nhiệm Chương trình Nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL, sự khan hiếm nước ngọt và những tình huống cực đoan sẽ xảy ra nhiều hơn với cường độ mạnh hơn như được dự báo. Nước ngọt không còn là nguồn tài nhiên vô hạn nữa. Do đó, vùng ĐBSCL không nên lãng phí nguồn nước ngọt, nước mưa …                  

TP Cần Thơ nỗ lực tìm kiếm giải pháp hiệu quả bảo vệ tài nguyên nước. (Ảnh chụp một đoạn sông Hậu đi qua TP Cần Thơ). Ảnh: T. TRINH
TP Cần Thơ nỗ lực tìm kiếm giải pháp hiệu quả bảo vệ tài nguyên nước. (Ảnh chụp một đoạn sông Hậu đi qua TP Cần Thơ). Ảnh: T. TRINH

Để bảo vệ nguồn tài nguyên nước, thời gian qua, TP Cần Thơ triển khai thực hiện nhiều giải pháp tận dụng nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất... mang lại hiệu quả. Trong đó, Dự án “Thích ứng BĐKH thông qua phát triển đô thị bền vững - Thí điểm nghiên cứu hệ thống và môi trường nước TP Cần Thơ” do Tổ chức CSIRO và AusAID của Úc phối hợp Trường Đại học Cần Thơ, Văn phòng Công tác BĐKH TP Cần Thơ thực hiện từ năm 2014 đến nay. Dự án đã khảo sát, tìm hiểu hiện trạng hệ thống nước, quy hoạch phát triển đô thị và những tác động BĐKH lên môi trường nước thành phố; thiết lập, tập hợp các phương án chiến lược nhằm phát triển bền vững hệ thống môi trường nước có tính thích nghi với BĐKH. Trong đó, nổi bật nhất là mô hình nghiên cứu chất lượng nước mưa, xây dựng phương án tận dụng nguồn nước này tại 1.200 gia đình thuộc 5 quận trên địa bàn thành phố thực hiện. Dự án này sẽ tiếp tục được nhân rộng tới các hộ dân trong thành phố.

Xác định những các chính sách, chiến lược và quy hoạch phù hợp đối với công tác quản lý nguồn tài nguyên nước tại thành phố trong bối cảnh nguồn nước đang thay đổi dưới tác động của BĐKH và sự phát triển kinh tế là quan trọng. Đồng thời, xây dựng và mở rộng mạng lưới các đối tác để tìm kiếm sự hợp tác tiềm năng trong vấn đề quản lý nguồn nước hiệu quả trong tương lai. Từ năm 2015-2017, thành phố thực hiện dự án “Khung hỗ trợ quá trình ra quyết định (RDS) cho công tác quản lý nước trong điều kiện nguồn nước thay đổi” do Viện Nghiên cứu BĐKH và Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ, Văn phòng công tác BĐKH thành phố, Tổ chức Stockholm Environment Institute (SEI) phối hợp thực hiện. Dự án triển khai tại 10 phường thuộc quận Ninh Kiều. Qua đó, xác định công cụ hỗ trợ quá trình ra quyết định (RDS) với sự tập trung vào khái niệm XLRM cho việc quản lý tài nguyên nước. Thông qua số liệu thu thập, xây dựng hoàn chỉnh mô hình đa tác nhân hỗ trợ quá trình ra quyết định. Từ đó đưa ra các kịch bản khác nhau liên quan đến công tác quản lý và quy hoạch nguồn nước. Đây là cơ sở đề xuất các chính sách và chiến lược phù hợp về công tác quản lý nguồn tài nguyên nước cho thành phố.

Rác thải nhựa là vấn đề đăt ra trong lĩnh vực môi trường hiện nay. Bởi là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước các dòng sông, rạch và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Hướng đến những dòng sông không rác thải, UBND thành phố Cần Thơ phối hợp với Văn phòng Dự án 100 thành phố có khả năng chống chịu tại TP Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Upcycling Việt Nam - thành viên Công ty Upp! Upcycling Plastic Hà Lan nghiên cứu xây dựng Công viên sử dụng vật liệu nhựa tái chế ở TP Cần Thơ. Theo đó, sẽ lắp đặt hệ thống thực hiện việc thu gom rác thải nổi trên sông theo cơ chế dòng chảy của nước, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tái tạo hệ sinh thái sông. Đồng thời, sử dụng các loại rác thải nhựa tái chế để thực hiện những công viên nổi qua đó để nâng cao nhận thức của người dân Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung trong vấn đề bảo vệ môi trường. Bà Sabine Voermans - Trường Đại học Công nghệ ứng dụng HZ (Hà Lan) cho biết: Mô hình này sẽ không làm hết được lượng rác thải của thành phố cũng như ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, đây là một trong những sáng kiến góp phần làm giảm lượng rác thải cho khu vực, giúp thành phố Cần Thơ xanh, sạch hơn. Bên cạnh đó, ý tưởng này cũng góp phần thu gom rác thải trôi nổi trên sông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tái tạo hệ sinh thái sông, nâng cao nhận thức của người dân Cần Thơ nói riêng và người dân ĐBSCL nói chung về môi trường. Dự kiến sẽ xây dựng hoàn thành thí điểm dự án vào giữa năm 2019.

Trong công tác quản lý nhà nước, thành phố cũng triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước. Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, công tác cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất và xả nước thải vào nguồn nước được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Sở tham mưu lập hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn thành phố theo Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 6-5-2015 của Chính phủ. Bên cạnh đó, ngành Tài nguyên và Môi trường quan tâm công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước. Công tác quan trắc môi trường được thực hiện định kỳ theo kế hoạch, kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường của nguồn nước. Trong năm 2018, Sở tập trung hoàn thiện dự án Quy hoạch tài nguyên nước TP Cần Thơ, góp phần quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước hiệu quả...

T. TRINH

Chia sẻ bài viết