25/04/2024 - 08:38

Nhiều công trình, dự án phòng chống sạt lở cần hỗ trợ đầu tư 

Đứng trước công trình xây dựng bờ kè kiên cố vừa được khởi công ở sông Ô Môn, ông Trần Văn Tâm, ở phường Thới Hòa, quận Ô Môn, cho biết: "Tuyến đường bê tông dọc theo sông Ô Môn bị sạt lở nghiêm trọng. Có đoạn sạt lở hàng chục mét, đứt cả đường giao thông, gây khó khăn cho việc đi lại. Cuối tháng 3-2024, ngành chức năng TP Cần Thơ triển khai xây dựng kè kiên cố. Đến nay, công trình tập trung xây dựng, bà con cũng di dời cây cối, vật kiến trúc để  việc thi công thuận lợi...".

Điểm sạt lở nguy hiểm tại bờ sông Cần Thơ Bé (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) xảy ra vào đầu tháng 4-2024 đang cần hỗ trợ kinh phí xây dựng kè chống sạt lở.

Phòng chống sạt lở, chỉnh trang đô thị

Dự án Kè chống sạt lở sông Ô Môn đoạn từ Vàm Ba Rích đến Rạch Tầm Vu (nằm phía bờ trái sông Ô Môn) thuộc phường Thới Hòa và phường Thới An. Công trình là giai đoạn 2 của dự án chống sạt lở sông Ô Môn, có chiều dài 2.200m được thiết kế và xây dựng theo phương án kiên cố, kết cấu dạng tường chắn bê tông cốt thép kết hợp thảm đá gia cố mái sông. Công trình gồm một số hạng mục cơ bản, như tường kè, hệ thống đường giao thông sau kè, vỉa hè, lan can, cây xanh, hệ thống thu và thoát nước mưa, điện chiếu sáng… Tổng mức đầu tư xây dựng trên 277 tỉ đồng (trong đó nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 250 tỉ đồng). Mục tiêu của dự án nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, chống sạt lở khẩn cấp sông Ô Môn, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Dự án được phát lệnh khởi công vào cuối tháng 3 vừa qua. Hiện chủ đầu tư và đơn vị thi công đang thực hiện việc đúc cọc và giải phóng mặt bằng. Tổng thời gian thi công dự án là 270 ngày. Theo thông tin từ chủ đầu tư (Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ), dự kiến đến cuối tháng 4 này dự án sẽ được giải ngân khoảng 60 tỉ đồng; đồng thời, đơn vị thi công khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, góp phần thực hiện giải ngân dự án đến cuối tháng 12-2024 theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Còn Dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp kênh Cái Sắn được Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phê duyệt tại Quyết định số 2118/QĐ-UBND về việc ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp ngày 12-9-2023. Công trình được xây dựng tại bờ Bắc kênh Cái Sắn, đoạn qua ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh do Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ làm chủ đầu tư. Toàn tuyến có chiều dài 601m, tổng mức đầu tư hơn 66 tỉ đồng; trong đó chi phí xây dựng công trình hơn 55 tỉ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 3 tỉ đồng, chi phí dự phòng 6 tỉ đồng, chi phí quản lý dự án hơn 1,4 tỉ đồng cùng các chi phí khác. Dự án được khởi công ngày 5-12-2023, dự kiến hoàn thành vào dịp Lễ Quốc khánh 2-9-2024, sớm hơn kế hoạch 3 tháng. Hết quý I-2024, dự án thực hiện đạt khối lượng trên 55% giá trị hợp đồng; đồng thời, đơn vị thi công cũng cam kết hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đề ra…

Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) TP Cần Thơ, gần đây tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra ngày càng nghiêm trọng, công tác phòng chống, ứng phó đang được thành phố tập trung thực hiện. Cụ thể, trong năm 2023, Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố tham mưu UBND thành phố xem xét ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để khắc phục 20/41 điểm sạt lở nguy hiểm. Qua đó, UBND thành phố đã ban hành 17 lệnh xây dựng công trình khẩn cấp, tổng chiều dài xử lý 1.742m, tổng mức đầu tư 150,922 tỉ đồng. Trong đó có nhiều công trình xây dựng hoàn thành, phát huy hiệu quả…

Cần triển khai nhiều công trình

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra 6 vụ sụt lún, sạt lở bờ sông. Đáng chú ý, chỉ trong tháng 4 này đã liên tiếp xảy ra 5 vụ sụt lún, sạt lở. Các vụ sụt lún, sạt lở làm sạt hoàn toàn 12 căn nhà, ảnh hưởng nghiêm trọng 9 căn nhà, một dãy nhà kho của doanh nghiệp, chiều dài sạt lở gần 300m, thiệt hại tài sản trên 11,7 tỉ đồng. Dự báo, thời kỳ chuyển mùa, đầu mùa mưa 2024, sạt lở bờ sông có khả năng diễn ra nghiêm trọng hơn, do đó công tác phòng tránh sạt lở đang cần các địa phương thực hiện nghiêm túc.

Qua đó, các quận, huyện cần chủ động tổ chức các đoàn đi thực địa để tiến hành rà soát các nơi có nguy cơ sạt lở cao có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước trên các tuyến sông, kênh, rạch; kịp thời thông báo, cảnh báo để người dân chủ động di dời đến nơi an toàn; thường xuyên cập nhật các điểm có nguy cơ sạt lở cao báo cáo về Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để không ngừng nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt là nâng cao ý thức phòng chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch...

Đối với các công trình phòng, chống sạt lở, dự kiến thời gian tới thành phố tiếp tục gia cố tại các vị trí sạt lở bằng các giải pháp dân gian, truyền thống với tổng chiều dài khoảng 5.000m, kinh phí thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi và từ Quỹ Phòng chống thiên tai. Theo Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ, trong các năm qua, TP Cần Thơ rất quan tâm đến công tác phòng, chống thiên tai, sạt lở… Tuy nhiên, ngân sách của địa phương còn nhiều khó khăn, hạn hẹp, chưa đủ vốn để đầu tư một số công trình ứng phó thiên tai, kè chống sạt lở trọng điểm bức xúc. Do đó, thành phố kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ bố trí vốn để thành phố đầu tư xây dựng một số công trình kè chống sạt lở trọng điểm, bức xúc, như 2 dự án kè chống sạt lở sông Trà Nóc, với chiều dài 2,5km, kinh phí đầu tư dự kiến 250 tỉ đồng; Dự án kè chống sạt lở khẩn cấp sông Bình Thủy (đoạn từ cầu Rạch Chanh đến cầu Rạch Cam), với chiều dài xây dựng 650m, kinh phí đầu tư dự kiến 100 tỉ đồng; Dự án kè chống sạt lở khẩn cấp kênh Cái Sắn với chiều dài 2km, kinh phí đầu tư dự kiến 300 tỉ đồng… Các dự án trên được triển khai thực hiện sẽ góp phấn ổn định bờ sông, phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch và đô thị tại TP Cần Thơ.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

 

Chia sẻ bài viết