13/02/2020 - 15:09

Đưa hàng Việt đến người tiêu dùng

Lực đẩy từ nhà phân phối 

Hệ thống phân phối hiện đại ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc quảng bá hàng Việt. Đặc biệt, trong những mùa cao điểm mua sắm lễ, Tết, các trung tâm thương mại, siêu thị luôn chủ động chuẩn bị hàng hóa cung ứng ra thị trường với giá tốt nhất. Các nhà phân phối còn là “bà đỡ”, giúp tiêu thụ khi hàng hóa trong nước gặp khó đầu ra...

"Cầu nối" hàng Việt

Các nhà phân phối được xem là "cầu nối" giữa hàng Việt và người tiêu dùng. Hệ thống phân phối đóng vai trò trung gian từ phía nhà sản xuất tới khách hàng và từ khách hàng truyền trở lại nhà sản xuất. Đây cũng được xem là một trong những thành công lớn của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Khách hàng mua dưa hấu tại siêu thị Co.opmart Cần Thơ.

Hệ thống phân phối hàng Việt phủ rộng tại hầu hết các địa phương. Không chỉ tập trung tại trung tâm thành phố, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi hiện có mặt tại các tuyến quận, huyện, thị trấn..., góp phần thay đổi diện mạo của hệ thống phân phối hàng Việt trong nền kinh tế, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng và tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công thương, tỷ lệ hàng Việt trong các siêu thị trên 70%. Trong đó, tại hệ thống siêu thị: Co.opmart, LOTTE Mart, Big C, VinMart… tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 90%. Theo đại diện các siêu thị, khách hàng chuộng hàng Việt vì chất lượng ổn định, giá cả hợp lý và quen thuộc với người tiêu dùng. Big C luôn tích cực phối hợp với nhà cung cấp vừa và nhỏ tại các tỉnh chuẩn hóa quy trình sản xuất. Big C hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam kinh doanh vào kênh bán lẻ hiện đại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam. Big C Cần Thơ, đơn vị dành riêng khu vực trưng bày cho các sản phẩm địa phương và những sản phẩm trong danh sách hơn 40 doanh nghiệp vừa và nhỏ theo định hướng hỗ trợ phát triển của Tập đoàn Central Group Việt Nam.

Tuy là doanh nghiệp ngoại (Hàn Quốc) nhưng tại thị trường Việt Nam, hệ thống siêu thị LOTTE Mart luôn ưu tiên cho hàng Việt Nam. Trong hệ thống siêu thị LOTTE Mart có trên 90% gian hàng bày bán là hàng sản xuất tại Việt Nam. Tại mỗi siêu thị LOTTE Mart đều có những khu vực trưng bày riêng dành cho đặc sản địa phương. Theo LOTTE Mart, tại TP Cần Thơ, người tiêu dùng đánh giá cao và ưa chuộng sản phẩm Việt Nam bởi giá cả phải chăng, mẫu mã đa dạng. Thời gian tới, LOTTE Mart tiếp tục ưu tiên và hỗ trợ hàng Việt Nam, đặc biệt sẵn sàng tiếp nhận phân phối các sản phẩm của TP Cần Thơ, đạt yêu cầu về chất lượng.

Việc tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa trong nước tạo ra không gian giao lưu để các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước, đặc biệt là các nông sản, đặc sản của các địa phương. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết, bên cạnh chương trình bình ổn thị trường, thông qua chương trình ký kết thỏa thuận kết nối cung cầu hàng hóa ổn định thị trường với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL giúp các địa phương chủ động nguồn hàng cung ứng. Thông qua đó, các đơn vị thường xuyên trao đổi thông tin diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu giữa các tỉnh, thành để kịp thời xử lý, nhằm ổn định thị trường giá cả. Chẳng hạn, trong dịp Tết Nguyên đán 2020, để chuẩn bị đủ nguồn cung cho thị trường Tết, đặc biệt là thịt heo, từ trước Tết vài tháng, Sở đã làm việc với các đơn vị chăn nuôi, cung ứng và ký liên kết với TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận sẵn sàng ứng cứu nếu nhu cầu tăng đột biến. Nhờ sự chủ động tích cực, thị trường hàng hóa, mặt hàng thịt heo cũng không xảy ra tình trạng khan hàng, giá tăng bất hợp lý.

"Bà đỡ" cho hàng Việt

Nhiều năm qua, mỗi khi hàng hóa nông sản trong nước gặp khó về đầu ra, các nhà phân phối luôn đứng ra với vai trò "bà đỡ" chia sẻ bớt tổn thất cho nông dân khi hàng hóa không tiêu thụ được với giá bán tính bằng giá gốc tại ruộng. 

Trước tác động của dịch bệnh do virus Corona chủng mới gây ra (nCoV) đã khiến nhiều hàng hóa nông sản: dưa hấu, thanh long gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Trước tình hình trên, Big C và GO!, một thành viên của Tập đoàn Central Retail triển khai chương trình "Chung tay hỗ trợ nông dân trồng dưa hấu, thanh long", áp dụng bán hàng không lợi nhuận đối với sản phẩm thanh long và dưa hấu, nhằm kích cầu tiêu thụ, chung tay giúp nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail, cho biết, chương trình này thực hiện trên toàn bộ hệ thống 37 siêu thị Big C và GO! toàn quốc, chương trình sẽ kéo dài liên tục cho đến khi việc tiêu thụ hàng hóa nông sản của bà con dần đi vào ổn định. Với chương trình này, Big C hy vọng mỗi ngày sẽ tiêu thụ khoảng 40 tấn trái cây mỗi loại (thanh long, dưa hấu). Big C dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 4.000 tấn thanh long và dưa hấu trong khuôn khổ chương trình.

Thời điểm này, hệ thống bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) sẽ bán hàng không lợi nhuận đặc biệt cho 3 mặt hàng nông sản gồm: thanh long, dưa hấu và cá basa của các tỉnh miền Tây Nam bộ. Với giá thu mua tại nguồn cao hơn thương lái, hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food đang bán thanh long ruột trắng và ruột đỏ với giá khuyến mãi từ 4.800-9.900 đồng/kg, dưa hấu quanh mức 9.500 đồng/kg, tùy theo khu vực địa lý của siêu thị. Hai mặt hàng này được Saigon Co.op chọn lọc và thu mua giá cao từ nguồn hàng của các nhà vườn, hợp tác xã khu vực miền Tây Nam bộ, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về ngoại quan, độ trưởng thành, các yếu tố vi sinh để đưa vào bán hàng không lợi nhuận. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op cũng đang áp dụng giảm giá 20%, giá bán còn 44.500 đồng/kg cho mặt hàng cá basa nguyên con không đầu đạt chuẩn xuất khẩu. Tổng lượng dự kiến tiêu thụ của 3 mặt hàng nông thủy sản này trong thời gian tới dự kiến khoảng 6.000 tấn.

Riêng các mặt hàng giúp tăng sức đề kháng và có lợi cho sức khỏe cũng được hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op trên cả nước phối hợp các nhà cung cấp cùng giảm giá, khuyến mãi để tiếp tục hỗ trợ người tiêu dùng. Tham gia giảm giá nhiều nhất là nhóm hàng thương hiệu Co.op Select với các mặt hàng: chanh tươi không hạt, chuối tươi loại 1, bưởi da xanh, trứng gà, giò sống, bắp cải, nấm mỡ,… với mức giảm giá trung bình 15-20% so với giá bán trước đó. Trái với thông tin thịt heo khan hàng giá cao trên thị trường, hiện lượng thịt heo an toàn, heo VietGAP về các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food của Saigon Co.op vẫn ổn định và đang áp dụng giảm giá từ 20.000-40.000 đồng/kg, tương đương 15%. Dự kiến tổng lượng hàng hóa Saigon Co.op phối hợp các nhà cung cấp, các đơn vị sản xuất tham gia giảm giá để hỗ trợ cho người tiêu dùng trước dịch bệnh nCoV là 12.000 tấn nông thủy sản, trong đó, có khoảng 6.000 tấn hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân miền Tây gặp khó đầu ra và hơn 6.000 tấn nhu yếu phẩm, thực phẩm. Trước đó, Saigon Co.op cũng là nhà bán lẻ hàng tiêu dùng duy nhất tại Việt Nam cung cấp ra thị trường hơn 5 triệu khẩu trang y tế đạt chuẩn nhưng hoàn toàn không nâng giá. Hiện Saigon Co.op vẫn đều đặn cung cấp 200.000 khẩu trang mỗi ngày với giá không đổi để góp phần giúp người dân bảo vệ bản thân và gia đình trước đại dịch.

Công ty MM Mega Market Việt Nam (MM)  tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân, nhà sản xuất trong nước và tăng cường dự trữ hàng hóa. Theo MM, đơn vị sẽ tăng lượng hàng thiết yếu bán ra từ 19-40% so với kế hoạch nhằm đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, tránh tình trạng thiếu hàng và sốt giá. Hiện các mặt hàng: gạo, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống… đơn vị tăng lượng mua vào với tổng giá trị hàng hóa hơn 1.200 tỉ đồng. Đặc biệt, các mặt hàng: khẩu trang y tế, nước rửa tay, nước sát trùng... MM đã tăng lượng đặt hàng lên từ 190-1.500% để sớm đưa vào hệ thống phục vụ khách hàng. Hiện nay, MM còn triển khai hoạt động hỗ trợ nông dân tiêu thụ thanh long và dưa hấu tại 20 trung tâm và siêu thị trên toàn quốc, chương trình hỗ trợ này sẽ kéo dài không giới hạn về thời gian, sản lượng, dự kiến sẽ kết thúc khi thị trường thanh long và dưa hấu ổn định trở lại.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết