02/05/2024 - 09:43

Vĩnh Long hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp 

Thời gian qua, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long không những mang lại hiệu quả kinh tế to lớn mà còn giải phóng đáng kể sức lao động cho nông dân. Tuy nhiên, kết quả bước đầu này vẫn chưa đồng bộ và toàn diện, thời gian tới tỉnh hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, các khâu làm đất, bơm tưới nước, thu hoạch lúa ở Vĩnh Long được cơ giới hóa từ 99,9-100%.

Thực hiện nhiều khâu canh tác bằng máy

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 118.637ha đất sản xuất nông nghiệp (trong đó có 48.310ha đất trồng cây hằng năm, 70.327ha đất trồng cây lâu năm). Ðầu tư thủy lợi trong những năm qua giúp khép kín 112.855ha (chiếm 94,24% diện tích đất sản xuất nông nghiệp) và hình thành 416 tiểu vùng sản xuất, bảo đảm sản xuất ngày càng hiệu quả. Ðây là điều kiện thuận lợi giúp tỉnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Xác định tầm quan trọng của máy nông nghiệp trong sản xuất, tỉnh đã triển khai rất sớm các chương trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Từ hỗ trợ của Nhà nước và tự đầu tư của các tổ chức sản xuất (hợp tác xã, tổ hợp tác), của nông dân, nhiều khâu trong sản xuất cây trồng trên địa bàn tỉnh được ứng dụng mạnh mẽ, rộng rãi các máy móc, thiết bị cơ giới. Ðầu tiên là Chương trình hỗ trợ nông dân đầu tư trang bị máy phục vụ sản xuất nông nghiệp triển khai rộng rãi trong 3 năm (2007-2010). Trong thời gian đó, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã giải ngân 41,68 tỉ đồng hỗ trợ nông dân mua 355 loại máy nông nghiệp (máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy gặt xếp dãy, máy gom lúa, máy xới). Tiếp theo đó, thông qua các chương trình, dự án, mô hình do ngành Nông nghiệp, do các tổ chức quốc tế hỗ trợ, nguồn vốn vay từ các ngân hàng... các tổ chức sản xuất, nông dân trong tỉnh có điều kiện mua nhiều loại thiết bị, máy móc cơ giới phục vụ sản xuất. Qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng hiệu quả trong sản xuất; giảm công lao động thủ công, giảm thất thoát sản phẩm, giảm mức độ khai thác tài nguyên, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, từng bước thực hiện tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Ðồng thời giải quyết vấn đề manh mún về đất đai trong sản xuất nông nghiệp vốn là trở ngại cho mở rộng cơ giới hóa trong sản xuất bấy lâu nay.

Vũng Liêm là một trong những huyện điển hình về cơ giới hóa trong lĩnh vực trồng trọt của tỉnh Vĩnh Long. Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Vũng Liêm, đến cuối năm 2023, toàn huyện có 256 máy gặt đập liên hợp, 12 máy gặt lúa xếp dãy, 597 máy cày xới, 243 máy kéo rơm, 9.948 máy bơm nước, 15 lò sấy lúa, 7.099 máy phun thuốc bảo vệ thực vật và 1.335 dụng cụ sạ hàng, đảm bảo cơ giới hóa trong sản xuất lúa được 100% khâu làm đất, 100% khâu thu hoạch... Theo Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, ở 3 vụ lúa năm 2023, các khâu làm đất, bơm tưới nước cho lúa và thu hoạch lúa được cơ giới hóa từ 99,9-100%; khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đạt 88,1-93,8% diện tích gieo trồng; sản lượng sấy khô đạt khoảng 50% sản lượng lúa hè thu. Gần đây, nông dân đã đưa các máy, như máy sạ theo khóm, máy phun hạt và máy bay không người lái vào phục vụ gieo cấy lúa, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật. Riêng mức động lực tính cho máy kéo, bình quân toàn tỉnh đạt gần 5HP/ha, thuộc loại khá cao ở ÐBSCL và cả nước (cả nước là 2,4HP/ha)…

Hướng đến cơ giới hóa đồng bộ

Tuy mức độ cơ giới hóa trong trồng trọt đã đạt được nhiều thành tựu, nhất là trên sản xuất lúa, nhưng còn có những hạn chế nhất định. Ðó là, mức độ cơ giới hóa hiện chưa toàn diện và đồng bộ, chỉ tập trung vào một số khâu như làm đất, chăm sóc lúa, thu hoạch lúa. Một số khâu có mức độ cơ giới hóa còn thấp như cấy lúa, chăm sóc và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây ăn trái và rau màu (diện tích cây trồng cạn mới đảm bảo tưới tiết kiệm nước chỉ đạt gần 20%), chế biến sau thu hoạch (năng lực bảo quản lúa gạo hiện nay của tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 25-30%); khâu gieo trồng lúa bằng dụng cụ sạ hàng không có động cơ chỉ đạt từ 21,1-22,9%, khâu gieo trồng bằng máy cấy đạt 1,1%.

Nguyên nhân, trước hết là do đặc điểm của điều kiện tự nhiên của tỉnh có hệ thống sông ngòi, kinh, rạch chằng chịt nhưng đầu tư hạ tầng giao thông nội đồng còn thiếu, khiến cho việc cơ giới hóa trong khâu làm đất, vận chuyển ở những nơi này gặp khó khăn. Bên cạnh đó, diện tích đất sản xuất của nông hộ không lớn, dưới 1ha/hộ và ruộng đồng, vườn cây ăn trái, khu trồng rau màu còn manh mún, nhỏ lẻ. Ðiều này đã hạn chế rất lớn đến việc đầu tư trang thiết bị để cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất. Trước tồn tại, hạn chế đó, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển cơ giới hóa đồng bộ, tiến tới tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhất là lĩnh vực trồng trọt.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định rõ các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và quy hoạch vùng chuyên canh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với tiêu thụ trên một số sản phẩm chủ lực; cùng với Kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Long sẽ củng cố, phát triển các vùng chuyên canh lúa, khoai lang, vùng cây ăn trái tập trung, nâng cao diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn xuất nông nghiệp tốt (GAP), tiêu chuẩn hữu cơ để mở rộng thị trường xuất khẩu. Các vùng này được đầu tư cơ giới hóa đồng bộ và toàn diện đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu và kết nối với khu chế biến nông sản và dịch vụ thương mại nông nghiệp.

Bên cạnh, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số chính sách nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản; tiến hành phát triển các hình thức tổ chức hợp tác sản xuất phù hợp theo hướng nâng cao năng lực và hoạt động hiệu quả. Ðồng thời đẩy mạnh tập trung ruộng đất, đất đai nhằm mở rộng vùng sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, các tổ chức sản xuất áp dụng rộng rãi máy móc, thiết bị nông nghiệp vào canh tác và chế biến nông sản.

Bài, ảnh: HẠNH LÊ

Chia sẻ bài viết