Trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Ðông cũng như mối lo ngại ngày càng tăng về vấn đề Ðài Loan, Mỹ đang tích cực củng cố chiến lược phòng thủ nhằm chống lại các mối đe dọa và tham vọng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, trong đó đáng chú ý nhất là việc lập một liên minh chiến lược mới gọi là “Biệt đội”, gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc, Nhật Bản, Philippines và Mỹ. Ảnh: Asia Times
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin mới đây đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc phòng với những người đồng cấp đến từ Nhật Bản, Úc và Philippines ở Hawaii nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác quốc phòng “Biệt đội” (Squad). Lãnh đạo quốc phòng đến từ 4 nước tại hội nghị đã phác thảo “tầm nhìn chung về hòa bình, ổn định và răn đe ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương”.
Asia Times cho hay, hội nghị diễn ra chỉ vài tuần sau khi 4 nước tiến hành cuộc tuần tra chung đầu tiên ở Biển Ðông cũng như chỉ ít lâu sau khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh 3 bên lịch sử Mỹ, Nhật Bản, Philippines. Trong những tháng tới, 4 quốc gia trong “Biệt đội” có kế hoạch tăng cường khả năng tương tác quân sự, tiến hành nhiều cuộc tuần tra và tập trận chung, đồng thời cải thiện hợp tác tình báo và an ninh hàng hải, qua đó nhằm đối phó với những thách thức do Trung Quốc đặt ra trên khắp Tây Thái Bình Dương.
“Biệt đội” (Squad) làm liên tưởng đến “Bộ tứ” (Quad) gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ. Tuy nhiên, theo bà Lisa Curtis, giám đốc chương trình an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ, “Biệt đội” không phải là sự thay thế “Bộ tứ” và nó nên được coi là sự bổ sung. “Bộ tứ” đã trải qua 3 hội nghị thượng đỉnh và các tuyên bố chung chỉ đề cập đến từ “hòa bình” và “ổn định”, chứ không có từ “răn đe” như tầm nhìn của “Biệt đội”. Nguyên nhân của sự khác biệt này có thể nằm ở Ấn Độ, quốc gia vẫn duy trì quan hệ với Nga và từ chối đứng hẳn về phía phương Tây trong các cuộc xung đột toàn cầu, bao gồm cuộc chiến Ukraine. |
Giới phân tích cho rằng chính chính sách “xoay trục” sang phương Tây của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr và lập trường ngày càng cứng rắn của ông đối với Trung Quốc ở Biển Ðông đóng vai trò then chốt trong việc thể chế hóa một cách nhanh chóng nhóm 4 bên mới nói trên. Việc Manila tham gia “Biệt đội” đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với chính sách đối ngoại dè dặt hơn dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, giúp Philippines giữ vai trò trung tâm trong chiến lược “răn đe tổng hợp” rộng lớn hơn của Mỹ tại khu vực.
Dưới thời chính quyền ông Duterte, Manila cố tình tránh tham gia bất kỳ liên minh hoặc nhóm đối đầu Bắc Kinh nào. Ban đầu, ông Marcos Jr cũng báo hiệu một chiến lược tương tự, tuyên bố Philippines “là bạn” của tất cả các nước và không muốn có bất kỳ kẻ thù nào. Tuy nhiên, sau chuyến thăm cấp nhà nước gần như không có kết quả tới Bắc Kinh hồi năm ngoái, ông Marcos Jr đã “chuyển hướng” bằng cách nhanh chóng tăng cường hợp tác an ninh với các đồng minh truyền thống của Mỹ. Ðáng chú ý, ông Marcos Jr đã mở rộng Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) với Mỹ, cho phép Lầu Năm Góc tiếp cận các căn cứ bổ sung ở miền Bắc Philippines, theo đuổi việc thiết lập khuôn khổ an ninh 3 bên Mỹ, Nhật và Philippines (JAPHUS) và ký hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện mới với Úc.
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc mới đây đã chỉ trích “Biệt đội”, cho rằng liên minh này “làm trầm trọng thêm những rủi ro trong khu vực” và làm phức tạp thêm tình hình vốn đã căng thẳng ở Biển Ðông. Bắc Kinh coi liên minh này là sự mở rộng các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, từ đó có thể dẫn đến căng thẳng quân sự và ngoại giao trong khu vực. “Mỹ rõ ràng đang cố gắng tập hợp đồng minh để hỗ trợ Philippines, khuyến khích Philippines tham gia nhiều hành động quyết đoán hơn ở Biển Ðông, làm trầm trọng thêm sự phức tạp của tình hình khu vực rồi tìm cớ để tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ, Nhật và Úc ở Biển Ðông” - Wei Dongxu, nhà phân tích quân sự Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu.
TRÍ VĂN