Rác thải sinh hoạt là một trong những hiện tượng gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị trên địa bàn TP Cần Thơ. Ðể hạn chế tình trạng này, thời gian qua ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ tăng cường công tác quản lý, hợp đồng đơn vị công ích thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cần đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường và nỗ lực thực hiện trong thời gian tới…

Lực lượng đoàn viên thanh niên phường Xuân Khánh thu gom rác thải tại bờ kè sông Cần Thơ.
Xử lý rác thải
Những ngày giữa tháng 4-2025, lực lượng đoàn viên thanh niên phường Xuân Khánh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại khu vực bờ kè sông Cần Thơ. Hoạt động diễn ra trong không khí sôi nổi, nghiêm túc với hơn 70 đoàn viên thanh niên cùng nhau dọn dẹp, thu gom rác thải nhằm tạo môi trường đô thị ngày càng xanh - sạch - đẹp. Qua hoạt động đã thu gom hơn 3,5 tấn rác được vận chuyển đến nơi xử lý; hoạt động trên cũng nhằm tuyên truyền đoàn viên thanh niên và người dân nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, giữ gìn mỹ quan đô thị và không xả rác bừa bãi.
Theo ngành Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) quận Ninh Kiều, thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn, phòng đã phối hợp với UBND các phường, các đơn vị công ích thu gom vận chuyển rác đến nhà máy xử lý bình quân khoảng 310 tấn/ngày. Ðịa phương cũng thống nhất thời gian thu gom rác tại các tuyến đường, tuyến hẻm đảm bảo đúng thời gian; tăng cường xử lý đối với các trường hợp đổ phế thải, rác xây dựng trên các tuyến đường, các khu dân cư không đúng nơi quy định; phối hợp với các đơn vị thu gom hỗ trợ địa phương trong công tác phát hiện, xử phạt nguội qua camera các trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường. Trong quý I, năm 2025, các phường trên địa bàn quận Ninh Kiều đã xử lý 27 trường hợp về vệ sinh môi trường, trong đó có 1 tổ chức và 26 cá nhân. Ngành NN&MT quận đã tham mưu UBND quận Ninh Kiều ban hành 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng, với tổng số tiền phạt trên 260 triệu đồng... Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều đề nghị ngành NN&MT quận, Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Ðô thị, UBND 8 phường trên địa bàn tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị, trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường trên địa bàn, trong đó cần đặc biệt quan tâm các vấn đề về vệ sinh môi trường, đảm bảo mỹ quan đô thị…
Sở NN&MT TP Cần Thơ cũng cho biết hiện nay lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố ngày càng tăng từ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt... của người dân. Ðiển hình, năm 2024 toàn thành phố có tổng khối lượng CTRSH phát sinh ở đô thị và nông thôn là 226.818,7 tấn, tương đương 621,421 tấn/ngày. Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở NN&MT) đã phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện tăng cường quản lý công tác thu gom, vận chuyển CTRSH, hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ rác thải tại các điểm tập kết rác trên địa bàn. Ðồng thời, đơn vị cũng xây dựng phương án xử lý rác thải triệt để ở các điểm tập kết rác, bãi rác hiện hữu, hoàn trả mặt bằng, bảo vệ cảnh quan môi trường sạch đẹp, đặc biệt là tại các quận trung tâm thành phố. Qua đó, nâng cao tỷ lệ thu gom CTRSH đô thị đạt 99% trong năm 2024.
Tăng cường bảo vệ môi trường
TP Cần Thơ hiện có 2 nhà máy xử lý CTRSH. Ðó là Nhà máy Ðiện rác của Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (Cần Thơ), có khối lượng xử lý trung bình trên 470 tấn/ngày, rác thải của 4 quận, huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Thới Lai, với công nghệ đốt phát điện hiện đại và là nhà máy xử lý CTRSH đầu tiên của Việt Nam. Công ty TNHH TM DV Minh Thông xử lý khoảng 151,055 tấn/ngày của 5 quận, huyện: Ô Môn, Cờ Ðỏ, Vĩnh Thạnh, Phong Ðiền và Thốt Nốt. Hiện tại tổng lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn đã được đưa về 2 nhà máy này xử lý với khối lượng 621,421 tấn/ngày đêm. Qua đó hạn chế được tình trạng đổ rác ở các bãi rác lộ thiên hiện hữu, góp phần bảo vệ môi trường, đô thị thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp và bền vững.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân bỏ rác sau giờ xe thu gom rác và bỏ không đúng vị trí quy định; các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển đôi lúc còn chưa thường xuyên thu gom theo đúng lịch trình đã đăng ký... Do đó, rác ứ đọng tại một số tuyến đường, gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Ðể nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn thành phố, Sở NN&MT đề nghị các địa phương nhắc nhở, kiểm tra các đơn vị thu gom CTRSH có kế hoạch cụ thể, xác định thời gian, địa điểm, tần suất, tuyến thu gom CTRSH và công bố rộng rãi tại các điểm dân cư, nơi công cộng trên địa bàn thu gom, tuyên truyền nhắc nhở người dân để rác, đổ rác đúng nơi quy định. Sở NN&MT sẽ phối hợp các địa phương xây dựng kế hoạch kinh phí, quỹ đất để xây dựng các trạm trung chuyển, điểm tập kết CTRSH trên địa bàn thành phố, nhất là phối hợp với UBND huyện Thới Lai và các sở ngành có liên quan tham mưu, mời gọi đầu tư thêm Nhà máy xử lý CTRSH số 2 tại khu xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai, nhằm đảm bảo tiếp nhận và xử lý CTRSH của thành phố, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị trong thời gian tới.
Theo ông Trần Phú Lộc Thành, Giám đốc Sở NN&MT TP Cần Thơ, ngoài các nhiệm vụ trên, Sở tiếp tục tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý rác thải tại địa phương, cụ thể như quyết định ban hành quy định về giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; quy định cụ thể về hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; quyết định ban hành về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế; quyết định ban hành khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển. Tiếp tục phối hợp với địa phương triển khai hoạt động phân loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn của Bộ NN&MT, UBND thành phố. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nội dung về quản lý chất thải quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các nghị định, thông tư... liên quan bảo vệ môi trường đến các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân. Tăng cường trao đổi, tham quan, học tập kinh nghiệm trong triển khai công tác quản lý chất thải, chú trọng đến tính khả thi, sự phù hợp khi triển khai áp dụng cùng mô hình xử lý chất thải. Ðẩy mạnh việc xây dựng và phổ biến cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về chất thải rắn; các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về quản lý, xử lý chất thải rắn; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trong kiểm soát chặt chẽ các khu xử lý chất thải, bãi chôn lấp chất thải; thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm...