07/05/2025 - 09:39

Nỗ lực đàm phán “gỡ” thuế đối ứng từ Hoa Kỳ 

Hiện tại, Việt Nam đang trong thời hạn tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng 90 ngày và đang chịu mức thuế nhập khẩu 10% dành cho tất cả đối tác thương mại của Hoa Kỳ. Theo các chuyên gia, các hoạt động đối thoại cấp cao và sự chủ động trong đàm phán giữa 2 bên đang mở ra triển vọng duy trì và thúc đẩy quan hệ thương mại song phương. Việt Nam nằm trong nhóm các nước Hoa Kỳ ưu tiên đàm phán gồm Ấn Ðộ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia.


Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH  May xuất khẩu Việt Thành.

 

Tìm kiếm cơ hội

Quý I-2025, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 31,4 tỉ USD, tăng 22% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 4,1 tỉ USD tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Ðiều này cho thấy, cơ cấu ngoại thương của 2 nước mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp và giúp cho người tiêu dùng của Hoa Kỳ được tiếp cận với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam với chất lượng ngày càng được cải thiện và giá cả cạnh tranh.

Ông Ðỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại tại Hoa Kỳ, nhận định: Hoạt động thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang gặp phải những thách thức liên quan đến vấn đề thuế quan, nhưng trong thách thức vẫn có cơ hội. Các tập đoàn hàng tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ hàng đầu như Walmart, Target (thu mua nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 30%), Costco, HomeDepot trong cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng chính sách thuế quan đang tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng và gây áp lực tăng giá. Tình trạng bất ổn thương mại và kinh tế khiến người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu, ảnh hưởng rõ rệt đến kết quả kinh doanh (nếu kéo dài chỉ trong vài tuần các kệ hàng sẽ trống trơn). Ở một góc độ khác, nhiều DN lớn của Hoa Kỳ thể hiện sự ủng hộ và tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ, thông qua gỡ bỏ mức thuế đối ứng và cân nhắc tham dự sự kiện thu mua quốc tế do Bộ Công Thương tổ chức trong tháng 9-2025 tại Việt Nam (Vietnam International Sourcing Expo 2025).

Các cuộc trao đổi cấp cao, cụ thể cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump, các chuyến công tác của đặc phái viên Việt Nam, cũng như gần đây nhất là cuộc điện đàm ngày 23-4 giữa Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Trưởng Ðại diện Thương mại Hoa Kỳ đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và xuyên suốt của lãnh đạo Ðảng và Chính phủ trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Sau cuộc điện đàm ngày 23-4, Văn phòng đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã đăng tải thông cáo báo chí ghi nhận kết quả trao đổi với Việt Nam. Qua trao đổi với một số đơn vị tư vấn, động thái trên cũng như việc nghiêm túc xem xét đề xuất họp song phương cấp cao và mời đoàn công tác liên ngành sang họp khởi động đàm phán trong thể hiện sự quan tâm, coi trọng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Hiện Việt Nam nằm trong nhóm các nước Hoa Kỳ ưu tiên đàm phán gồm Ấn Ðộ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia.

Hỗ trợ DN kịp thời

Mới đây, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4-2025 với chủ đề “Chủ động thích ứng với chiến tranh thương mại và chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ: Vai trò của hệ thống xúc tiến thương mại và thương vụ trong bảo vệ và phát triển thị trường xuất khẩu”. Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, trước chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ Công Thương đã có nhiều hội nghị làm việc xin ý kiến các hiệp hội, tìm giải pháp ứng phó. Hội nghị lần này tiếp tục cập nhật tình hình, phân tích tác động của chính sách thuế đối ứng từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác, đồng thời đánh giá thực trạng và khó khăn của DN xuất khẩu trong bối cảnh mới; kiến nghị, đề xuất của các hiệp hội ngành hàng, DN.

Dệt may là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết: Hiện các DN đang dồn sức hoàn thành đơn hàng trong 90 ngày Hoa Kỳ hoãn thuế. DN rất cần thông tin mới nhất để đánh giá tình hình thị trường và quyết định có nên tiếp tục ký kết đơn hàng hay không. Do đó, cơ quan thương vụ thông tin thường xuyên tình hình thị trường, xu hướng mới nhất của người tiêu dùng tại thị trường này, cũng như tiến độ đàm phán chính sách thuế. Nhiều ý kiến cho rằng, cộng đồng DN tin tưởng và kỳ vọng vào các giải pháp ứng phó của các cơ quan chức năng, song DN vẫn không tránh khỏi nhiều lo ngại, bất an. Vì vậy, DN mong muốn các cơ quan chức năng và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ ngành khơi thông các thị trường tiềm năng để DN mở rộng thị trường.

Theo ông Ðỗ Ngọc Hưng, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường nỗ lực ngoại giao, các cuộc đàm phán để vận động xử lý vấn đề thuế đối ứng, triển khai lộ trình cụ thể để Việt Nam bảo vệ lợi ích thương mại trước các biện pháp thuế quan tiềm tàng từ Hoa Kỳ. Ðồng thời, tăng cường hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong quan hệ song phương giữa hai nước, từ công nghiệp, đến thương mại, đầu tư, năng lượng, trí tuệ nhân tạo… Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới; kích thích nhu cầu nội địa thông qua các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước để bù đắp cho sự suy giảm tiềm tàng trong giảm xuất khẩu. DN cũng nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước, từ đó củng cố xuất khẩu thông qua đầu tư vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh tổng thể của các ngành công nghiệp quan trọng mang tính hỗ trợ, nền tảng, nâng cấp công nghệ, khuyến khích đổi mới, đơn giản hóa các quy định kinh doanh và cải thiện cơ sở hạ tầng để giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết