05/05/2025 - 08:50

Vì sao nhiều nước phản ứng sắc lệnh khai thác biển sâu của ông Trump? 

Trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khoáng sản từ Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã ký sắc lệnh đẩy nhanh hoạt động khai thác hơn 1 tỉ tấn nickel, đồng cũng như các khoáng sản quan trọng cho xe điện và thiết bị điện tử tại vùng biển nước này. Chính quyền ông Trump ước tính, hoạt động khai thác biển sâu có thể giúp GDP xứ cờ hoa tăng thêm 300 tỉ USD trong 10 năm tiếp theo và tạo ra 100.000 việc làm.

Tổng thống Trump cầm sắc lệnh khai thác biển sâu. Ảnh: Reuters

“Mỹ có lợi ích cốt lõi về an ninh quốc gia và kinh tế trong việc duy trì vị thế dẫn đầu về khoa học và công nghệ biển sâu cũng như tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển. Hành động đơn phương này nhằm mục đích chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển, tăng cường quan hệ đối tác với các đồng minh và đảm bảo cho các công ty Mỹ có vị thế tốt hơn trong việc hỗ trợ những bên quan tâm đến khai thác khoáng sản dưới đáy biển một cách có trách nhiệm” - ông Trump tuyên bố.

Theo hãng tin Reuters, sắc lệnh thúc giục chính quyền ông Trump đẩy nhanh hoạt động cấp phép khai thác theo Đạo luật Tài nguyên Khoáng sản cứng dưới biển sâu năm 1980, đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick “thúc đẩy quá trình xem xét, cấp phép thăm dò khoáng sản dưới đáy biển và cấp phép khai thác thương mại ở những khu vực nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia”. “Chúng tôi hy vọng lượng khoáng sản được khai thác sẽ được sử dụng cho mục đích quốc phòng, tài nguyên, cơ sở hạ tầng và năng lượng. Chúng tôi muốn vượt lên trước Trung Quốc trong lĩnh vực tài nguyên dưới đại dương này” - một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền ông Trump cho biết.

Khai thác biển sâu là hoạt động nhằm mục đích thu hồi các mỏ khoáng sản có giá trị được tìm thấy dưới đáy đại dương, nằm sâu hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn mét dưới bề mặt của nó. Tuy nhiên, hoạt động này hiện đang bị cấm, bởi EU, Nga, Trung Quốc và 167 quốc gia khác đang trong quá trình thống nhất về cách thức quản lý hoạt động này.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Nhà Trắng chạy đua tìm kiếm các nguồn vật liệu đóng vai trò quan trọng trong sản xuất thiết bị điện tử tiên tiến, vũ khí và xe điện; giữa lúc việc tiếp cận của Mỹ đối với các khoáng sản quan trọng, đặc biệt là các khoáng sản do Trung Quốc thống trị, giảm sút trong những tháng gần đây, bởi Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu. Gần đây, các quan chức chính quyền ông Trump đã đẩy nhanh quá trình cấp phép cho 10 dự án khai thác mỏ trên khắp nước Mỹ, đồng thời thực hiện quy trình phê duyệt tinh gọn cho các dự án khai thác mỏ. Chính quyền ông Trump cũng cho biết sẽ phê duyệt một trong những mỏ đồng lớn nhất nước này.

Song, động thái trên đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ. Theo tờ Bưu điện Washington, hàng chục nước đang kêu gọi Mỹ tạm dừng sắc lệnh khai thác biển sâu nói trên trong bối cảnh xuất hiện lo ngại rằng hoạt động này gây ra nhiều mối nguy cho môi trường. Riêng Trung Quốc cho rằng hoạt động này “vi phạm” luật pháp quốc tế và gây tổn hại đến lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU), Anh cũng kêu gọi Mỹ hoãn hoạt động khai thác biển sâu cho đến khi có thêm nhiều nghiên cứu khoa học.

Trong khi đó, các nhà môi trường và giới khoa học cảnh báo rằng việc Mỹ xâm nhập vào vùng biển quốc tế sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về ngoại giao và môi trường, trong khi khó có thể làm suy yếu sự thống trị của Trung Quốc đối với nguồn cung cấp khoáng sản quý hiếm. “Nếu mối quan tâm của Mỹ là địa chính trị và kiểm soát các nguồn tài nguyên này thì điều đó sẽ khiến chúng ta thụt lùi. Trung Quốc sẽ đánh bại chúng ta nếu chúng ta chọn cách không tuân theo bộ quy tắc toàn cầu được phê chuẩn” - Douglas McCauley, giáo sư khoa học đại dương tại Đại học California, lo ngại.

Đồng quan điểm, Jeff Watters, Phó chủ tịch phụ trách đối ngoại của nhóm bảo vệ môi trường Ocean Conservancy, cảnh báo: “Khai thác biển sâu là một nỗ lực vô cùng nguy hiểm đối với đại dương của chúng ta. Tác hại do khai thác biển sâu gây ra không chỉ giới hạn ở đáy đại dương mà còn tác động đến toàn bộ cột nước, ảnh hưởng đến mọi sinh vật sống phụ thuộc vào đó”.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết