05/05/2025 - 08:50

Người sử dụng lao động nếu để xảy ra tai nạn lao động có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự 

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, các hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động (ATLÐ), vệ sinh lao động (VSLÐ) và an toàn ở nơi đông người, có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Hiện trường vụ tai nạn lao động ở Bình Dương. Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ

Khoảng 10 giờ 30 phút, ngày 17-4-2025, tại nhà xưởng đang sửa chữa trong Khu công nghiệp Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm tử vong 3 người. Trước đó, vào khoảng 7 giờ, ngày 17-4, ông Tr cùng ông T.Q.Th, ông H.P.H, ông T.V.Q và ông T.V.L đến làm việc tại Công ty M.V.A trong Khu công nghiệp Đất Cuốc. Trong quá trình tháo gỡ những cây chống sàn (sàn bằng kim loại), bất ngờ sàn sắt đổ sập lan ra khu vực xung quanh, nên công nhân bỏ chạy. Ông Tr và ông H.P.H thoát nạn, 3 người còn lại bị sàn đè trúng và không qua khỏi. 

Trước đó, vào ngày 24-1, Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam 2, ở xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, có báo cáo nhanh về vụ tai nạn lao động khiến 3 công nhân tử vong. Theo đó, chiều cùng ngày 24-1, một số công nhân được phân công nhiệm vụ vệ sinh bên trong nhà máy của công ty. Vào 15 giờ 15 phút, công nhân N.H.Ng và công nhân T.V.H được xưởng giao nhiệm vụ thay vải máng khí động. Lúc đó, công nhân T.B.M phối hợp cùng làm. Trong quá trình 3 công nhân này đang làm việc, bất ngờ xảy ra hiện tượng tụt mảng vữa xi măng, dẫn đến cả 3 người bị vùi lấp. Lúc đó, cán bộ, công nhân viên nhà máy tập trung tham gia cứu hộ, cố gắng gấp rút đưa nạn nhân ra ngoài nhưng do bị ngạt khí và vùi lấp nên cả 3 công nhân nói trên đã tử vong tại chỗ. Đến 18 giờ 10 phút cùng ngày, thi thể 3 công nhân đã đưa được ra ngoài. Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng phong tỏa hiện trường để điều tra, xác định nguyên nhân vụ tai nạn. Chính quyền địa phương cùng Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam 2 đã phối hợp thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình lo hậu sự cho nạn nhân tử vong theo phong tục địa phương.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người nào vi phạm quy định về ATLĐ, VSLĐ, về an toàn ở nơi đông người, gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm: làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61-121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 3-7 năm: làm chết 2 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122-200%; gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng; là người có trách nhiệm về ATLĐ, VSLĐ, về an toàn ở nơi đông người. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 6-12 năm: làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên.

Vi phạm quy định về ATLĐ, VSLĐ, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả theo quy định nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.

HOÀNG YẾN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết