05/05/2025 - 08:50

Trí tuệ nhân tạo tác động đến sản xuất phim ảnh Hàn Quốc 

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành công cụ hữu ích hỗ trợ các nhà làm phim Hàn Quốc. AI được vận dụng trong nhiều khâu sản xuất phim ảnh và tạo nên nhiều tác phẩm thu hút khán giả.

"Kiss Lighting - Ghost Cupid" (ảnh) ra mắt vào tháng 12-2024 là phim truyền hình Hàn Quốc đầu tiên do AI thực hiện. Theo thông tin từ công ty sản xuất Kings Creative, AI được sử dụng để viết kịch bản và tạo hình ảnh. Cụ thể, đạo diễn viết phác thảo sơ bộ nội dung, sau đó sử dụng ChatGPT để chỉnh sửa kịch bản dựa trên các ý tưởng trong các cuộc thảo luận để hoàn thiện kịch bản. Các công cụ AI: HeyGen, ElevenLabs và Midjourney được sử dụng để tạo hình ảnh.

Jung In Su, nhà sản xuất tại Kings Creative, cho rằng AI đơn giản hóa đáng kể các quy trình vốn mất rất nhiều thời gian và công sức. Trước đây việc thay đổi khuôn mặt diễn viên trên màn hình mất nhiều ngày để dựng hình nhưng với AI việc đó được thực hiện trong thời gian ngắn lại có nhiều tùy chọn khác nhau. Ngoài ra khi sử dụng AI chỉ tốn khoảng 100.000 won cho vô số hình minh họa, còn tạo một hình minh họa do con người làm ra có chi phí khoảng 200.000-300.000 won. Đây cũng là nguyên do mà nhiều nhà sản xuất phim ảnh tại Hàn Quốc đang sử dụng AI ngày càng nhiều.

Cụ thể, MBC C&I đã triển khai chương trình chọn 12 nhà sáng tạo mới để phát triển phim với công nghệ AI và thực tế mở rộng (XR). Trong số này có 9 tác phẩm được sản xuất thử nghiệm bằng AI. Yang Eek Jun, nhà sản xuất tại Mateo AI Studio, cho rằng khi có AI, việc làm phim có thể diễn ra tại nhà và tốn ít công sức, thời gian hơn. Điều này tạo điều kiện cho các nhà làm phim trẻ, nhà làm phim độc lập có thể tự mình làm sản phẩm mà không phải đau đầu vì kinh phí. Ví như phim "One More Pumpkin" của đạo diễn Kwon Han-seul gần như sử dụng hoàn toàn AI để tạo ra tất cả các cảnh vật, âm thanh, nhân vật chính là đôi vợ chồng già. Phim được làm trong 5 ngày, khi chiếu rất được khán giả đón nhận. "One More Pumpkin" đã thắng Giải thưởng lớn và Giải khán giả bình chọn tại Liên hoan phim AI Dubai năm 2024.

Các chuyên gia cũng cho rằng một trong những lợi thế lớn nhất của việc sử dụng AI trong sản xuất phim là giảm đáng kể thời gian và chi phí, giúp bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà làm phim. Nhà sản xuất Jung In Su nói rằng nhiều biên kịch, đạo diễn mà ông biết cũng thường sử dụng ChatGPT để nghiên cứu hỗ trợ cho quá trình viết kịch bản, làm phim. Trong khi đó, nhà sản xuất Yang Eek Jun cho rằng việc sử dụng AI trong sản xuất phim ảnh là cần thiết trong sự cạnh tranh công nghệ hiện nay, nhưng muốn kể câu chuyện hấp dẫn thu hút khán giả thì không thể lệ thuộc vào AI. Thực tế, nội dung do AI tạo ra thường không giữ khán giả quá lâu, do đó vẫn cần có sự sáng tạo của con người làm nên những mạch truyện có thể kéo khán giả xem một phim dài mấy chục phút. Do đó, AI là công cụ hỗ trợ tốt cho quá trình làm phim nếu biết vận dụng phù hợp.

BẢO LAM
(Tổng hợp từ Korea Times, South China Morning Post)

Chia sẻ bài viết