Mặt trăng, thiên thể mà lần gần nhất con người ghé thăm là trong sứ mệnh Apollo 17 của Mỹ vào năm 1972, một lần nữa trở thành mục tiêu hàng đầu trong cuộc đua không gian mới. Cả Mỹ và Trung Quốc đều vạch ra các kế hoạch đầy tham vọng để đưa phi hành gia trở lại bề mặt hành tinh này và thiết lập các căn cứ cố định, báo hiệu một kỷ nguyên mới trong cuộc cạnh tranh tại nơi cách Trái đất gần 390.000km.

Mô phỏng căn cứ của Trung Quốc trên Mặt trăng. Ảnh: Human Mars
Để con người định cư lâu dài trên Mặt trăng, các nhà khoa học phải giải quyết 2 vấn đề lớn: tìm nguồn nước và tạo ra năng lượng. Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua giải bài toán năng lượng bằng cách xây dựng các lò phản ứng hạt nhân trên Mặt trăng.
Cả hai siêu cường này đang thúc đẩy kế hoạch lắp đặt các nhà máy điện phân hạch trên bề mặt Mặt trăng. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đặt mục tiêu phóng hệ thống Năng lượng bề mặt phân hạch (FSP) vào đầu thập niên 2030, trong khi Trung Quốc hợp tác với Nga phát triển kế hoạch xây dựng một lò phản ứng trên Mặt trăng giai đoạn 2033-2035.
Tham vọng Mặt trăng của Trung Quốc được gói gọn trong chương trình Hằng Nga, bắt đầu từ năm 2007. Chương trình đã tiến triển qua 3 giai đoạn và 3 giai đoạn trong tương lai sẽ tập trung vào các nhiệm vụ có người lái và xây căn cứ.
Thông qua chương trình Artemis của NASA, Mỹ cũng đang theo đuổi mục tiêu quay lại Mặt trăng với trọng tâm là khám phá bền vững. Chương trình gồm 10 sứ mệnh, khởi xướng từ năm 2022.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tiến bộ nhanh chóng trong công cuộc thám hiểm Mặt trăng bằng robot, bao gồm việc trở thành quốc gia duy nhất mang về các mẫu vật từ vùng tối của hành tinh này. Nhưng Trung Quốc có thực sự vượt qua Mỹ trong cuộc đua đưa con người lên Mặt trăng và thiết lập sự hiện diện liên tục của nhân loại tại đây?
So sánh các cột mốc chính và phương pháp tiếp cận công nghệ giữa hai nước có thể giúp trả lời câu hỏi này.
Cuộc đổ bộ có người lái đầu tiên. Mỹ dự kiến sẽ đưa con người đáp xuống Mặt trăng vào năm 2027, sớm hơn 3 năm so với mục tiêu năm 2030 của Trung Quốc. Nhưng đánh giá gần đây cho thấy Washington sẽ không thể hoàn thành sứ mệnh trước năm 2028, trong khi Bắc Kinh có thể đạt được mục tiêu vào năm 2029, tức Mỹ vẫn nhanh chân hơn ở mặt trận này.
❝ Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong vài năm gần đây, bao gồm hoàn thành trạm vũ trụ của riêng mình và hạ cánh một tàu thám hiểm trên sao Hỏa. Bắc Kinh cũng đã đẩy nhanh thời gian biểu cho sứ mệnh mang về mẫu vật từ sao Hỏa vào năm 2028. Trong khi đó, Mỹ đã hoãn các kế hoạch này, mặc dù xe tự hành Perseverance của NASA trên “hành tinh đỏ” đang thu thập nhiều đất đá. Về động lực, sự thống trị trong không gian sẽ giúp các quốc gia nắm lợi thế về khả năng quân sự, truyền thông và tình báo. |
Sự hiện diện liên tục. Cả hai quốc gia đều đặt ra mục tiêu hiện diện liên tục vào khoảng năm 2035. Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế (ILRS) của Trung Quốc được lên kế hoạch rõ ràng là có thể hiện diện lâu dài trên Mặt trăng sau năm 2035, trong khi Artemis X của Mỹ dự kiến được phóng vào năm 2035, cho thấy mốc thời gian tương tự. Artemis X là sứ mệnh đưa các nhà du hành lên và ở lại Mặt trăng trong tối đa 180 ngày.
Các phương pháp tiếp cận công nghệ. Việc Trung Quốc tập trung vào kỹ thuật làm gạch bằng kỹ thuật in 3D sử dụng đất trên Mặt trăng có thể tăng tính bền vững và giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Trái đất. Mỹ cũng có kế hoạch sử dụng tài nguyên tại chỗ và hưởng lợi từ kinh nghiệm trong lịch sử, hợp tác quốc tế và thương mại rộng rãi hơn, do đó nước này có khả năng đẩy nhanh quá trình phát triển cơ sở hạ tầng.
Kết quả chung cuộc sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện, tài trợ và đột phá công nghệ. Những bước tiến vượt bậc của Trung Quốc đã cho thấy động lực, nhưng chương trình không gian có từ lâu và sự đổi mới thương mại của Mỹ (với sự tiếp sức của hãng tư nhân SpaceX) có thể tạo lợi thế cho nước này. Tuy nhiên, sự bất ổn về ngân sách, chậm trễ kỹ thuật và các ưu tiên chính trị thay đổi có nguy cơ đẩy mốc thời gian của Washington sang đầu thập niên 2030.
Trong khi đó, chương trình không gian của Trung Quốc, do nhà nước thúc đẩy và được tài trợ đều đặn, có tính liên tục về mặt chính trị và các mối quan hệ đối tác ngày càng phát triển. Dù vậy, thẩm định công nghệ, độ tin cậy của khả năng hỗ trợ sự sống và hậu cần không gian sâu vẫn là những rào cản lớn.
Thập niên tới sẽ cho biết Trung Quốc có thể vượt mặt Mỹ về việc tạo chỗ đứng liên tục của con người trên Mặt trăng hay không.
HẠNH NGUYÊN
(Theo Asia Times, Human Mars)