06/05/2025 - 22:46

Mỹ có ngăn được Iran xuất khẩu dầu sang Trung Quốc? 

Trong “tối hậu thư” đưa ra hôm 1-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố bất kỳ quốc gia hay cá nhân nào mua dầu thô hoặc sản phẩm hóa dầu từ Iran sẽ không được phép giao thương với Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào.

“Bất kỳ quốc gia hoặc cá nhân nào mua bất kỳ lượng dầu hay sản phẩm hóa dầu nào từ Iran sẽ ngay lập tức bị áp lệnh trừng phạt thứ cấp. Họ sẽ không được phép làm ăn với Mỹ dưới bất cứ hình thức nào” - ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.

Trước đó, ông Trump hồi tháng 2 đã ra lệnh thực hiện chiến dịch “gây sức ép tối đa” đối với Iran nhằm mục đích ngăn chặn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu của Cộng hòa Hồi giáo. Theo đó, ông chỉ đạo Ngoại trưởng Marco Rubio “thực hiện chiến dịch mạnh mẽ và liên tục”, phối hợp với Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và các bộ, cơ quan hành pháp có liên quan khác để đưa xuất khẩu dầu của Iran về mức 0, gồm cả xuất khẩu dầu thô của Iran sang Trung Quốc. Ông cáo buộc Tehran sử dụng nguồn thu này để tài trợ cho các nhóm vũ trang trên khắp Trung Ðông.

Những động thái trên của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran, bất chấp lệnh trừng phạt của Washington. Theo tờ DW, Mỹ đã áp các lệnh trừng phạt mới đối với các thực thể bị cáo buộc tạo điều kiện cho Iran bán dầu, gồm một nhà máy lọc dầu độc lập có trụ sở tại Trung Quốc bị cáo buộc tham gia mua dầu thô của Iran trị giá hơn 1 tỉ USD. Ðây là nhà máy lọc dầu độc lập thứ hai tại Trung Quốc bị chính quyền Trump trừng phạt cho đến nay. Mỹ cũng áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với một số công ty và tàu thuyền mà Washington cho là chịu trách nhiệm hỗ trợ vận chuyển dầu của Iran sang Trung Quốc.


Tàu chở dầu của Iran. Ảnh: AP

 

Song, Scott Modell, giám đốc điều hành công ty tư vấn Rapidan Energy cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ khó ảnh hưởng đến dòng chảy dầu Iran vào Trung Quốc trừ khi Nhà Trắng trực tiếp nhắm vào các doanh nghiệp nhà nước và cơ sở hạ tầng năng lượng của Bắc Kinh.

Thật vậy, bất chấp những nỗ lực của Mỹ nhằm bóp nghẹt hoạt động thương mại dầu mỏ, Iran vẫn đang xuất khẩu lượng dầu thô ước tính từ 1,2 - 1,5 triệu thùng/ngày. Con số này đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ so với giữa năm 2020, thời điểm các lệnh trừng phạt “bắt tay” đại dịch COVID-19 đẩy lượng dầu xuất khẩu của Iran xuống còn chưa tới 400.000 thùng/ngày. Ðáng chú ý, phần lớn dầu thô của Iran được bán với giá rẻ cho Trung Quốc, khách hàng lớn nhất. Giới phân tích ước tính, Iran mỗi năm kiếm được từ 30 - 40 tỉ USD từ lượng dầu bán cho Trung Quốc.

Giới chuyên gia cho biết, việc Iran xuất khẩu dầu sang Trung Quốc phụ thuộc vào một mạng lưới vận chuyển phức tạp, hoạt động bí mật. Ðể tránh bị phát hiện, các tàu chở dầu của Iran thường xuyên tắt máy phát tín hiệu. Và để che giấu nguồn gốc, dầu thường được chuyển qua lại giữa các tàu trên biển, trong khi các tàu cũng thường xuyên được đổi tên, cờ và sổ đăng ký để gây nhầm lẫn. Trong nhiều trường hợp, dầu Iran còn được “hô biến” có nguồn gốc từ các nước như Iraq hoặc Malaysia.

Trong bối cảnh trên, giới chức Mỹ thúc giục các đối tác trong khu vực thắt chặt việc giám sát thương mại hàng hải và chuyển giao dầu. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Trump còn gia tăng áp lực lên hệ thống tài chính và các chính phủ trong khu vực - những bên hỗ trợ nỗ lực xuất khẩu dầu và thu tiền dầu của Iran. “Chúng tôi sẽ chặn quyền tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế của Iran bằng cách nhắm mục tiêu vào các bên trong khu vực tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao doanh thu của nước này. Bộ Tài chính Mỹ đã chuẩn bị tham gia vào các cuộc thảo luận thẳng thắn với các quốc gia này” - ông Bessent cho biết.

Song, sự liên kết về chính trị và kinh tế đã góp phần khiến nỗ lực này thêm phức tạp. Ví dụ, Malaysia duy trì mối quan hệ chặt chẽ với cả Iran và Trung Quốc, từ đó khiến việc ngăn chặn dòng chảy dầu của Iran vào Trung Quốc trở nên cực kỳ khó khăn. Mặt khác, do Trung Quốc chiếm thị phần lớn trong thương mại quốc tế và có mối liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế Mỹ nên Washington vẫn thận trọng khi nhắm mục tiêu vào các công ty Trung Quốc có hoạt động quốc tế rộng khắp.

Trong tuyên bố ngày 2-5, Bộ Ngoại giao Iran đã kịch liệt lên án các biện pháp trừng phạt mới của Tổng thống Trump nhắm vào các khách hàng mua dầu của Iran, cho rằng đây là hành động lặp lại chiến thuật nhằm làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao trong giải quyết căng thẳng về chương trình hạt nhân của Tehran. Hiện nay, các phái đoàn của Iran và Mỹ đã tổ chức 3 vòng đàm phán gián tiếp thông qua vai trò trung gian của Oman và được các bên ghi nhận đạt “kết quả tích cực”. Riêng vòng đàm phán thứ 4 được lên kế hoạch ngày 3-5 đã bị hoãn lại vì “lý do hậu cần và kỹ thuật”.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết