Iran vừa trình làng tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn mới có tầm bắn 1.200km trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa nước này với phương Tây liên quan lực lượng Houthi ở Yemen.

Binh sĩ Israel thực hiện chiến dịch quân sự tại Dải Gaza. Ảnh: IDF
Tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn Ghassem Basir được xem là thành tựu quốc phòng mới nhất của Iran. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Aziz Nasirzadeh cho biết tên lửa mới có những cải tiến về hệ thống dẫn đường và khả năng cơ động để xuyên thủng nhiều lớp phòng thủ và dễ dàng qua mặt các hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo.
Vận hành bằng nhiên liệu rắn, Ghassem Basir được chế tạo để đối phó với việc Israel đánh chặn thành công nhiều tên lửa của Iran trong vụ tập kích ồ ạt hồi tháng 4 và tháng 10-2024. Theo ông Nasirzadeh, Israel sẽ không thể đánh chặn được hơn 5 trong số 200 tên lửa mới.
Israel phơi bày điểm yếu phòng thủ
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn IRIB ngày 4-5, Bộ trưởng Nasirzadeh tuyên bố nếu Mỹ hoặc Israel khởi xướng chiến tranh, Iran sẽ tấn công các lợi ích, căn cứ và lực lượng của họ “ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào cần thiết”. Cảnh báo này nhằm đáp lại lời đe dọa hôm 1-5 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth trên nền tảng X khi cảnh báo Iran về hậu quả của việc hỗ trợ lực lượng Houthi ở Yemen.
Về vụ Houthi gần đây phóng tên lửa vào Israel, Tướng Nasirzadeh nhấn mạnh Yemen là một quốc gia độc lập tự đưa ra quyết định và bác bỏ nỗ lực của Mỹ nhằm gắn kết Iran với xung đột ở đó.
Cùng ngày, phát ngôn viên quân sự của Houthi Yahya Sarea tuyên bố lực lượng này phong tỏa toàn diện trên không đối với Israel để đáp trả quyết định mở rộng cuộc tấn công của Nhà nước Do Thái vào Dải Gaza. Ông Sarea cho biết Houthi sẽ thực hiện phong tỏa bằng cách liên tục nhắm vào các sân bay, đặc biệt là phi trường Ben Gurion, đồng thời kêu gọi các hãng hàng không quốc tế hủy tất cả các chuyến bay dự kiến đến bất kỳ sân bay nào của Israel.
Trước đó, Houthi đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công tên lửa vào đường dẫn tới nhà ga chính của sân bay Ben Gurion ở miền Trung Israel sáng 4-5, khiến 8 người bị thương.
Quân đội Israel cho biết nguyên nhân hệ thống phòng không để lọt tên lửa có thể là do “vấn đề kỹ thuật”. Truyền thông Israel đưa tin Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tiên tiến do Mỹ sản xuất và hệ thống phòng thủ tầm xa Arrow của Israel đã không thể đánh chặn tên lửa này. Sự cố đã phơi bày điểm yếu của Israel và khả năng tiếp tục tấn công các mục tiêu xa của Houthi bất chấp chiến dịch không kích của Mỹ.
Sau vụ tấn công, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu viết trên mạng xã hội rằng các cuộc tấn công của Houthi cuối cùng “xuất phát từ Iran”. Ông tuyên bố rằng Tel Aviv sẽ trả đũa Houthi và đáp trả Iran.
Mở rộng cuộc tấn công ở Gaza
Theo truyền thông Israel ngày 5-5, Nội các an ninh của Thủ tướng Netanyahu đã thông qua quyết định mở rộng cuộc tấn công chống phong trào Hồi giáo Hamas ở Gaza.
Trước đó, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Eyal Zamir cho biết quân đội nước này đã bắt đầu triệu tập hàng chục ngàn quân dự bị nhằm tăng cường và mở rộng hoạt động quân sự tại Gaza. Theo ông, mục tiêu chính của chiến dịch này là gia tăng áp lực lên Hamas nhằm giải cứu các con tin bị giam giữ và tiêu diệt nhóm vũ trang người Palestine.
Tuy nhiên, theo tờ Washington Post, các hoạt động mở rộng liên quan đến việc chiếm đóng nhiều lãnh thổ hơn ở Gaza, do vậy chiến dịch đòi hỏi nhiều bộ binh hơn.
Động thái quân sự này có thể được triển khai sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Trung Đông vào tuần tới. Đồng thời, các cuộc đàm phán quốc tế vẫn chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn hay cam kết thả các con tin. Hiện còn 59 con tin bị Hamas giam giữ, trong đó có 24 người vẫn còn sống. Không có con tin Israel nào được trả tự do kể từ khi Tel Aviv nối lại hoạt động trên bộ ở Gaza hồi tháng 3 sau khi lệnh ngừng bắn kéo dài 60 ngày với Hamas sụp đổ.
Kể từ đó, quân đội Israel đã thay đổi đáng kể bản đồ vùng lãnh thổ này, tuyên bố khoảng 70% dải đất là “khu vực đỏ” quân sự hoặc đang trong lệnh sơ tán, đồng thời đẩy hàng trăm ngàn người Palestine vào những nơi ngày càng chật hẹp.
Nội các an ninh Israel cũng đã phê duyệt một kế hoạch mới về phân phối hàng viện trợ tại Gaza. Israel muốn kiểm soát và thu hẹp đáng kể hoạt động phân phối viện trợ bên trong dải đất này.
Israel cũng đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng lớn về việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa viện trợ mà nước này áp đặt hồi tháng 3.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)