05/05/2025 - 20:52

Đông Nam Á chuyển hướng năng lượng xanh sang Trung Quốc 

Trong bối cảnh thế giới tiếp tục dịch chuyển sang nguồn năng lượng sạch hơn, vai trò của các siêu cường đang trở nên rõ ràng hơn. Trong khi Trung Quốc tăng cường hỗ trợ năng lượng xanh ở các nước đang phát triển thì Mỹ lại lùi bước. Chính sự thay đổi này khiến nhiều nước Đông Nam Á thay đổi cách lựa chọn đối tác năng lượng.

Một trang trại năng lượng mặt trời do Trung Quốc đầu tư ở Đông Nam Á. Ảnh: AFP

Tại Philippines, các công ty năng lượng tái tạo địa phương hiện đang chọn các công ty Trung Quốc để giúp họ xây dựng các dự án điện gió và điện mặt trời, bởi các doanh nghiệp đến từ quốc gia Đông Á này đưa ra mức giá thấp hơn so với các công ty đến từ Mỹ hoặc châu Âu. “Giá chào hàng của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với các đối tác châu Âu” - Gerry P. Magbanua, chủ tịch công ty năng lượng tái tạo Alternergy, nơi gần đây đã chọn các công ty Trung Quốc để xây dựng 2 trang trại gió, cho biết. Được biết, Alternergy từng hợp tác với nhà cung cấp châu Âu nhưng hiện nhận thấy công nghệ của Trung Quốc có giá cả phải chăng hơn.

Không riêng gì công ty Philippines nói trên, ở nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, chi phí xây dựng các dự án năng lượng tái tạo hiện vẫn là mối quan tâm chính. Hầu hết các nước trong khu vực đều muốn giảm ô nhiễm nhưng cũng cần tiết kiệm ngân sách. Và khả năng sản xuất tua-bin gió, tấm pin mặt trời và xe điện giá rẻ của Trung Quốc đã giúp Bắc Kinh lọt vào “tầm ngắm” của các nước trong khu vực.

Trong khi Trung Quốc gia tăng sự hiện diện trong thế giới năng lượng xanh, Mỹ lại đang cắt giảm nỗ lực hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo. Năm 2021, dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã chi khoảng 1,5 tỉ USD cho viện trợ khí hậu toàn cầu. Đến năm 2024, số tiền này tăng lên mức 11 tỉ USD. Song, chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện đang cắt giảm khoản tiền hỗ trợ đó cũng như chấm dứt nhiều chương trình hỗ trợ năng lượng xanh ở các quốc gia khác, gồm các chương trình của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), nơi đã giúp nhiều nước lập kế hoạch và xây dựng các dự án năng lượng sạch.

Trong bối cảnh đó, Samantha Custer, giám đốc tại tổ chức chuyên theo dõi viện trợ phát triển quốc tế AidData, cho rằng Trung Quốc không cần phải làm bất kỳ điều gì mới để giành chiến thắng trước Mỹ. “Mỹ đang rút lui và điều đó tạo cơ hội cho Trung Quốc bước vào. Nhiều nước trên khắp thế giới đang bắt đầu cảm thấy rằng Mỹ không đáng tin cậy để trở thành một đối tác năng lượng lâu dài. Ngược lại, Trung Quốc lại cho thấy điều đó” - bà Custer cho biết thêm.

Chỉ tính riêng trong năm 2024, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận đầu tư năng lượng trị giá gần 40 tỉ USD với các quốc gia tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)”. Đáng chú ý, 11,8 tỉ USD trong số này được “rót” vào các dự án năng lượng xanh. Yang Muyi, nhà phân tích năng lượng cấp cao tại tổ chức nghiên cứu năng lượng toàn cầu Ember, cho biết nhờ sự hỗ trợ của Trung Quốc, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Đông Nam Á đã “khởi sắc”. Ông Yang cho rằng các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn ở Đông Nam Á đã thu hút vốn, tạo việc làm và hỗ trợ nâng cấp các ngành công nghiệp địa phương - một trong những lý do khiến các chính phủ Đông Nam Á “gần như đồng loạt chào đón và tìm kiếm” nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc.

Không những “mạnh tay” hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo, Trung Quốc còn là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất thiết bị năng lượng xanh. Bắc Kinh sản xuất nhiều tấm pin mặt trời, tua-pin gió và xe điện hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Do đó, nước này có thể bán những sản phẩm đó với giá thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Chính điều này góp phần khiến căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng. Gần đây, Chính phủ Mỹ đã áp dụng mức thuế mới đối với các tấm pin mặt trời của Trung Quốc. Một số nhà sản xuất tấm pin mặt trời của nước này thậm chí bị Mỹ áp mức thuế lên tới 3.500%.

Trung Quốc không chỉ tập trung vào Đông Nam Á. Tại châu Phi, Nam Mỹ và Đông Âu, các dự án năng lượng xanh của Trung Quốc cũng đang phát triển. Các trang trại gió ở Kenya, các công viên năng lượng mặt trời ở Pakistan và xe buýt điện ở Mỹ Latinh đều mang nhãn hiệu “Sản xuất tại Trung Quốc”.

 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết