05/10/2008 - 09:42

Sự cố hổng chân kè rạch Khai Luông

Khắc phục cách nào ?

Dự án nạo vét và xây dựng kè rạch Khai Luông được UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) phê duyệt năm 2002 với tổng mức đầu tư 32,3 tỉ đồng. Dự án được thực hiện nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển khu Trung tâm thương mại Cái Khế, tạo điều kiện phát triển giao thông thủy và tạo mỹ quan đô thị cho TP Cần Thơ. Thế nhưng, đến nay mục tiêu đó chưa thành hiện thực do sự cố hổng chân kè, giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?

* Hiện trạng

Dự án nạo vét và xây dựng kè rạch Khai Luông có hạng mục kè bờ tả rạch Khai Luông dài 1.050 mét do Công ty Nông súc sản xuất nhập khẩu Cần Thơ trúng thầu thi công với giá trúng thầu 9,4 tỉ đồng. Theo hợp đồng, kè rạch Khai Luông bờ tả sẽ hoàn thành vào cuối tháng 5-2006. Tuy vậy, đến thời điểm này các cơ quan chức năng phát hiện gần 500 mét dài tường kè bờ tả bị hổng chân. Tại hiện trường, bờ kè phía tả đã thi công xong phần cọc và tường chắn nhưng không thể tiếp tục thi công các hạng mục còn lại do cao trình mặt đất tự nhiên (đoạn từ k0+150 đến k0+650) thấp hơn cao trình đáy tường kè từ 1-4 mét hay còn gọi là “hổng chân kè”. Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng quận Ninh Kiều, có 2 phương án thiết kế kỹ thuật của dự án bờ kè rạch Khai Luông là xây dựng tuyến kè gần bờ (kinh phí 32,3 tỉ đồng) và phương án xa bờ (kinh phí 43 tỉ đồng). Phương án được duyệt là phương án 2 nhưng kinh phí thực hiện lại của phương án 1, nên khối lượng thi công bị cắt bớt mới dẫn đến tình trạng hổng chân kè như trên. Vì thế cần phải khắc phục 500 mét hổng chân kè cho bờ tả rạch Khai Luông nhằm thực hiện đúng mục tiêu của dự án đã được phê duyệt, nhưng giá thành thực hiện phải hợp lý... Theo ông Bùi Hữu Nhơn, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, quận đang khẩn trương chọn phương án khắc phục thích hợp để nhanh chóng đưa công trình này thi công trở lại theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Theo Công ty Tư vấn xây dựng Thủy lợi 2 (đơn vị tư vấn lập thiết kế kỹ thuật kè bổ sung bờ tả) nếu việc khắc phục vẫn đắp đất như thiết kế cũ, thì chân kè không đủ khả năng chịu lực. Nên xử lý bằng cách giảm tải hoặc gia cường kết cấu.

* Nhiều phương án khắc phục

Phía tư vấn đã đưa ra 3 phương án, gồm: Phương án thứ nhất, giảm tải- cọc 40x40. Phương án này dựa trên cơ sở giảm tải ngang tác dụng lên tường và hệ thống cọc móng kè. Thực hiện theo cách này, cần làm một tuyến kè mới cách kè hiện hữu 10 mét kết cấu bê tông cốt thép (BTCT) bao gồm một tường chắn BTCT cao 2,35 mét trên hệ cọc 30x30 dài 19 mét cách khoảng 4 mét được liên kết với kè hiện hữu bằng hệ sàn BTCT trên hệ cọc 40x40x19 mét (hoặc cọc 30x30x19 mét ). Sàn BTCT được thiết kế để chịu tải trọng sử dụng 400 kg/mét. Đồng thời, chân kè được gia cố bằng bao tải cát kết hợp với vải lọc và thảm đá dài 30 cm, mái chân kè m=2, cao trình đảm bảo chân kè là +0,8 mét cao trình đỉnh kè –2 mét. Chân kè được kéo dài xuống cao độ đáy sông và được kéo dài thêm 2 mét.

Hiện trạng của bờ kè rạch Khai Luông.

Phương án thứ hai, gia cường kết cấu và làm chân kè rọ đá hộc, dựa trên cơ sở gia cường kết cấu và nền để chịu được tải trọng khi đắp đất nền cao trình 2,5 mét. Bờ kè được đóng cọc bổ sung 40x40 dài 19 mét , cách khoảng 2 mét ngay tại chân kè liên kết với chân kè hiện hữu. Đóng bổ sung hàng cọc 30x30 dài 19 mét cách khoảng 4 mét. Hàng cọc này cách bờ kè hiện hữu 10 mét và được liên kết neo vào kè hiện hữu thông qua cọc neo 11 mét và tường bản giằng nhằm giải quyết chuyển vị ngang. Chân kè bằng rọ đá hộc có cao trình đỉnh chân kè là – 0,8 mét , dưới đáy chân kè là lớp vải bọc. Đoạn thân kè từ đỉnh chân kè đến đáy tường được kết cấu bằng bao tải cát kết hợp rọ đá và vải lọc, mái dốc m=2. Đắp đất đến cao trình đỉnh kè +2,5 mét.

Trên cơ sở gia cường kết cấu và nền để chịu lực được tải trọng khi đắp đất đến cao trình 2,5 mét, phương án thứ ba là: gia cường kết cấu bằng cừ bản ứng suất trước. Theo đó, bờ kè được đóng bổ sung cọc bản bê tông dự ứng lực dài 19 mét ngay tại chân kè liên kết với chân kè hiện hữu. Đóng bổ sung hàng cọc 30x30 dài 19 mét cách khoảng 4 mét, hàng cọc này cách bờ kè hiện hữu 10 mét và được liên kết neo vào kè hiện hữu nhằm giảm chuyển vị ngang. Đắp đất đến cao trình đỉnh kè +2,5 mét.

Cũng theo đơn vị tư vấn, phương án giảm tải cọc (phương án 1) là phương án tốt nhất, bởi giá thành thấp, kinh phí thực hiện khoảng 28 tỉ đồng. Trong khi đó, phương án 2 là 30,8 tỉ đồng và phương án 3 là 38 tỉ đồng. Nếu chọn phương án có chi phí thấp nhất thì giá thành để khắc phục đoạn kè bị sạt lở đã lên đến 56 triệu đồng/mét khiến nhiều sở, ngành băn khoăn. Ông Phan Đại, chuyên viên Phòng Giám định- Kỹ thuật của Sở Xây dựng, cho biết: Nếu so sánh với một số dự án bờ kè khác trên địa bàn thành phố thì kinh phí này quá cao. Trong khi đó, yêu cầu của UBND thành phố là biện pháp xử lý phải đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật nhưng giá thành phải hợp lý. Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Văn Sáng, Phó phòng Thẩm định Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị trừ khối lượng mà nhà thầu đã thi công ra và tách khối lượng san lấp ra để kinh phí khắc phục sự cố giảm xuống. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng: “Nếu quá chú trọng vào kinh phí thì việc khắc phục sự cố sẽ không có lối ra”.

Ông Bùi Hữu Nhơn, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết thêm: “Từ ý kiến đóng góp của các ngành chuyên môn, quận đã chọn phương án thứ nhất để khắc phục sự cố trên, nhưng có yêu cầu đơn vị tư vấn chỉnh sửa lại đôi chút cho phù hợp. Hạng mục xử lý hổng chân kè được chia thành một gói thầu riêng, còn hạng mục san lấp, hệ thống thoát nước mưa thuộc một gói thầu khác. Quận sẽ nhanh chóng trình UBND thành phố phê duyệt, đồng thời làm các thủ tục cần thiết đưa ra đấu thầu, thi công và hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất”.

Bài, ảnh: TRUNG DÂN

Chia sẻ bài viết