24/03/2019 - 09:14

Gỡ khó cho giao thông ĐBSCL

Mới đây, tại TP Cần Thơ, trong Hội nghị liên ngành triển khai Hiệp định CPTPP, phát triển thị trường các nhóm ngành hàng, nhiều ý kiến của đại biểu và lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp (DN) băn khoăn về điểm nghẽn phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong đó, điểm nghẽn về hạ tầng giao thông cả thủy, bộ, cảng biển đang là bức xúc lớn. Bởi muốn phát triển, hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, để DN có thể thông thoáng trong vận chuyển hàng hóa và giao thông kết nối đồng bộ là yếu tố quan trọng giúp DN giảm chi phí vận chuyển, nâng cao khả năng cạnh tranh giá cho từng sản phẩm. Một số đại biểu đặt vấn đề luồng cho tàu tải trọng lớn vào các cảng trên sông Hậu để khai thác tối đa công suất, công năng của cụm cảng Cần Thơ (thuộc cụm cảng biển số 6); đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ; cảng nước sâu… là mong đợi của cả vùng.

Về Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với dự án. Dự án có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các Bộ, ngành có liên quan, UBND tỉnh Tiền Giang và chủ đầu tư Dự án phải tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ Dự án. Tiếp tục đầu tư Dự án theo hình thức Hợp đồng BOT có sự hỗ trợ bằng vốn ngân sách nhà nước nhằm không để thời gian thu phí quá dài; đồng thời sớm đưa Dự án thông tuyến vào năm 2020 để đáp ứng yêu cầu vận tải liên vùng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL, giảm bớt gánh nặng cho nhân dân trong vùng dự án.

Thủ tướng đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang. UBND tỉnh Tiền Giang quyết định điều chỉnh dự án theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo DN dự án rà soát lại phương án tài chính của Dự án trên cơ sở thay đổi cơ chế hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (do không còn phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công) sang hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước; đảm bảo công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm; đảm bảo phương án hoàn vốn của Dự án không quá 15 năm. Bộ GTVT có trách nhiệm thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình; đồng thời cử cán bộ có năng lực, am hiểu pháp luật về đầu tư PPP để hỗ trợ tỉnh Tiền Giang trong quá trình triển khai dự án. Nhà đầu tư Dự án phải đảm bảo năng lực tài chính, triển khai dự án bảo đảm chất lượng, hiệu quả và an toàn…

Gỡ nút thắt trong đầu tư hạ tầng giao thông là yêu cầu cấp bách cho sự phát triển của vùng ĐBSCL trong hiện tại và tương lai. Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận hiện đạt 96% khối lượng giải phóng mặt bằng và Bộ GTVT đang gấp rút triển khai các thủ tục liên quan để kêu gọi đầu tư Cảng biển nước sâu Trần Đề… Những dự án này được kỳ vọng góp phần giải quyết những nút thắt giao thông cho ĐBSCL.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
giao thông ĐBSCL